Có lẽ những nhà quản lý ở VFF cũng đau lòng khi ban hành các quyết định xử phạt liên quan đến sự cố bỏ thi đấu của đội Phong Phú Hà Nam. Bóng đá nữ là một nội dung rất đặc biệt của nền bóng đá Việt Nam, bảo là “cưng như trứng, hứng như hoa” thì cũng không hẳn, nhưng sự quan tâm thì rất nhiều.
Ai cũng biết, đây là nội dung đem lại nhiều thành tích cao, rất đều đặn cho bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế, mặc dù quá trình phát triển bóng đá nữ luôn rất khó khăn so với các nội dung khác, thậm chí còn kém xa các lứa tuổi U hay futsal của bóng đá nam.
Với bóng đá nữ, sự hơn thua trong thi đấu không phải là lý do tồn tại. Các chức vô địch quốc gia thường chuyển từ Hà Nội sang Thành phố Hồ Chí Minh, những nơi có phong trào mạnh. Năm nào cũng nỗ lực có từ 6-8 đội tham gia giải vô địch, rồi tổ chức thêm cúp quốc gia, để các cô gái có điều kiện thi đấu, duy trì đam mê. Nếu chỉ “máu” thắng - thua thì chắc chắn nhiều nơi đã bỏ hẳn vì không có thành tích để báo cáo.
Thế nên, việc phản đối trọng tài và không thi đấu của đội Phong Phú Hà Nam chủ yếu đến từ sự chỉ đạo của những người có trách nhiệm, trực tiếp là huấn luyện viên trưởng và những lãnh đạo của ông này. Sự phản ứng ấy cũng hoàn toàn dựa trên cảm tính, vì sau hơn 30 phút trận đấu tạm dừng, cả giám sát lẫn trọng tài đều không thay đổi quyết định thổi phạt đền, vận động Phong Phú Hà Nam đá tiếp.
Trong điều kiện còn hạn chế của bóng đá nữ, không thể đòi hỏi một thứ phải “hai năm rõ mười” như bóng đá nam hoặc công nghệ tối tân của thế giới. Thế nhưng, bằng cách nào đó, những người có trách nhiệm của đội bóng vẫn vi phạm luật và tinh thần fairplay của bóng đá, ít nhiều tổn thương hình ảnh của các cô gái, vốn ngoan hiền hơn bóng đá nam.
Như đã nói, tính hơn thua trong bóng đá nữ luôn phải đặt phía sau niềm vui chơi bóng và ý nghĩa phong trào. Các cầu thủ nữ của chúng ta cần được chơi bóng, đó mới là điều quan trọng. Các nhà tổ chức cũng đã cố gắng tạo ra những giải, thể thức thi đấu làm sao để tăng số lượng trận được ra sân đồng đều cho các đội bóng. Các nhà tài trợ cũng vậy, hầu như không yêu cầu gì về quyền lợi, truyền thông. Trong một hoàn cảnh như vậy, chỉ vì “máu” ăn - thua mà khiến cho cầu thủ của mình mất quyền thi đấu, đó là điều sai quấy.
Với bóng đá nữ, bóng đá trẻ, cần có cái nhìn mang tính xã hội, phong trào nhiều hơn là những yếu tố thuần túy chuyên môn. Thực tế thì không phải chỉ ở Việt Nam, phát triển bóng đá nữ ở đâu cũng luôn đặt bên cạnh những yếu tố về bình đẳng giới, về vai trò truyền thông xã hội. Tổ chức một trận bóng đá nữ, chỉ cần bóng lăn, đã có thể gọi là thành công chứ chưa cần nói đến kết quả hay góc nhìn chuyên môn. Tầm cỡ bóng đá nữ Đông Nam Á, mấy chục năm qua không vào nổi tốp 4 châu Á, nhưng FIFA vẫn quyết định nâng số lượng đội dự World Cup, từ đó mà Thái Lan hay Việt Nam mới có cơ hội cho dù ai cũng biết rằng khi tham dự sẽ phải nhận những trận thua với tỷ số “khủng”./.
Theo Báo SGGP