Vovinam (Việt võ đạo) là môn phái võ thuật của người Việt có lịch sử hình thành hơn 80 năm. Du nhập vào tỉnh ta đầu những năm 2000, Vovinam hiện phát triển mạnh ở nhiều địa phương, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên.
Biểu diễn Vovinam quyền thuật nội dung đồng đội tại Chương trình thi đấu, biểu diễn “Mùa xuân thượng võ” năm 2020. |
Vovinam được phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên thế giới. Đòn thế của Vovinam có nhiều điểm tương đồng với các môn phái khác nhưng vẫn tạo được nét đặc trưng. Vovinam bao gồm phần võ thuật cơ bản như những thế đấm, đá, gạt, đỡ, gối, chỏ, vật, đòn chân, khoá siết… và phần binh khí. Tiếp đó là việc luyện tập ngạnh công, nhuyễn công, khí công giúp dưỡng sinh và điều hòa sức khỏe. Tại thành phố Nam Định, môn phái Vovinam xuất hiện từ lâu nhưng phát triển lẻ tẻ tự phát. Phải đến năm 2010, Võ đường Vovinam Nam Định được thành lập quy tụ một số võ sư về truyền dạy cho thanh, thiếu niên thì phong trào mới phát triển mạnh. Năm 2019, võ đường được đổi tên thành Vovinam Phú Quý Đường. Anh Nguyễn Duy Hải, chủ nhiệm Võ đường Vovinam Phú Quý Đường cho biết: Được các ngành chức năng tạo điều kiện cùng sự giúp đỡ của các thế hệ võ sư, sau 10 năm võ đường hiện phát triển được 13 CLB tại thành phố Nam Định và huyện Vụ Bản; thu hút hơn 1.000 võ sinh tham gia. Võ đường hiện có 9 HLV đạt đẳng Hoàng đai quốc gia. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn các CLB Vovinam thuộc Nhà Văn hóa thiếu nhi thành phố, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thanh thiếu niên tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh… Từ thành phố, phong trào tập luyện Vovinam đã lan rộng sang một số huyện lân cận, thu hút nhiều thanh, thiếu niên tham gia tập luyện. Tại huyện Vụ Bản, một số CLB được thành lập như CLB Vovinam xã Trung Thành và thị trấn Gôi, trung bình mỗi CLB khoảng 100 thanh, thiếu niên tập luyện chủ yếu vào dịp hè. Huyện Giao Thủy phát triển mạnh phong trào tập luyện Vovinam với 5 CLB được thành lập, hoạt động khá sôi nổi, nhất là trong dịp hè; trong đó, CLB Vovinam tại Nhà văn hóa huyện được thành lập từ năm 2003, đến nay trở thành “điểm đến” cho nhiều thanh, thiếu niên quanh vùng.
Phong trào Vovinam cũng phát triển mạnh tại một số trường trên địa bàn tỉnh; đặc biệt, kể từ khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức đưa bộ môn này vào chương trình thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Nam Định) là điểm sáng trong việc đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy. Hiện CLB Vovinam của trường thu hút hơn 30 giáo viên và học sinh tham gia tập luyện. Đặc biệt, việc tập luyện võ thuật kết hợp với võ nhạc (võ biểu diễn) đã tạo ra những hiệu ứng khá tích cực trong phong trào TDTT của nhà trường. Cô giáo Đỗ Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: “Nhà trường là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai đưa môn võ Vovinam vào học đường. Nhà trường đã lồng ghép học Vovinam trong các buổi ngoại khóa, đồng thời tổ chức các hội thi, xây dựng các tiết mục biểu diễn quyền thuật đồng đội. Việc luyện tập Vovinam nhằm giúp học sinh rèn luyện sức khỏe, thể lực tốt, bồi dưỡng tinh thần tự hào dân tộc và đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” trong nhà trường. Đây cũng là nét đổi mới trong chương trình giáo dục thể chất của nhà trường, tạo sân chơi lành mạnh, thoải mái, phát triển toàn diện cho học sinh...”. Hiện nay, phong trào Vovinam ở khối các trường học phát triển khá sâu rộng trên toàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất, đẩy mạnh phong trào võ thuật học đường. Một số nhà trường chủ động phối hợp với các CLB Vovinam mở lớp dạy võ cho các em học sinh như: Tại thành phố Nam Định có các trường tiểu học: Trần Nhân Tông, Phạm Hồng Thái, Lê Quý Đôn, Hồ Tùng Mậu, Mỹ Xá, Lộc An, Trần Văn Lan, Lê Hồng Sơn, Trần Tế Xương và Trường THCS Hàn Thuyên, Quang Trung; huyện Vụ Bản có các trường tiểu học: Lương Thế Vinh (xã Liên Bảo), Hợp Hưng… Nội dung huấn luyện được soạn thảo phù hợp lứa tuổi và các yêu cầu rèn luyện thể lực, tiếp thu tinh thần võ đạo và khả năng ứng dụng để tự vệ khi gặp tình huống xấu. Bước đầu Vovinam được đưa vào chương trình học ngoại khóa của các trường với 2 buổi/tuần hoặc vào kỳ nghỉ hè với 3 buổi/tuần. Ngoài việc nhân rộng phong trào, các CLB Vovinam tại những điểm trường còn là nơi cung cấp những VĐV võ thuật chất lượng cho thể thao thành tích cao của tỉnh. Xuất phát từ các CLB Vovinam trong phong trào quần chúng, phổ thông, nhiều võ sinh đã đạt thành tích cao khi tham gia tại các giải đấu lớn gần đây. Tháng 7-2020, tại Giải Vovinam do Liên đoàn Vovinam Hà Nội tổ chức, đoàn Nam Định với 24 VĐV tham gia thi đấu giành 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Các em: Phan Trà My, Trần Hương Giang, Trần Ngọc Kim Anh (Trường Tiểu học Lê Quý Đôn) giành Huy chương Vàng nội dung đồng đội nữ; Trần Bùi Nhật Quang, Vũ Tấn Minh, Vũ Minh Tuấn (Trường Tiểu học Trần Nhân Tông) giành Huy chương Vàng nội dung đồng đội nam, em Trần Thanh Sơn (Trường THCS Lý Thường Kiệt) giành Huy chương Vàng với tiết mục biểu diễn Tinh hoa lưỡng nghi kiếm pháp…
Phát triển phong trào tập luyện và thi đấu Vovinam trên địa bàn toàn tỉnh không chỉ giúp nâng cao sức khoẻ cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh, phục vụ tốt cho học tập, lao động mà còn giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc với tôn chỉ “Học võ Việt - Yêu nước Việt”. Để phong trào phát triển bền vững, cũng như tạo điều kiện thành lập đội tuyển Vovinam tỉnh chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X, thời gian tới, Sở GD và ĐT, Sở VH, TT và DL phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ Vovinam cho đội ngũ giáo viên thể chất, huấn luyện viên, hướng dẫn viên các trường, đưa môn võ Vovinam trở thành môn thể thao tự chọn hoặc chương trình ngoại khóa trong các trường phổ thông; nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô, số lượng các CLB Vovinam tại các huyện, thành phố; tuyển chọn, huấn luyện có trọng tâm cho các VĐV “nòng cốt” tham gia Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh