Khắc phục khó khăn trong tuyển chọn, đào tạo vận động viên năng khiếu

07:09, 04/09/2020

Những năm qua, thể thao thành tích cao tỉnh ta gặt hái nhiều thành công, được đánh giá cao tại các giải đấu trong nước, vươn tầm khu vực và châu lục. Để có được những tấm huy chương làm phong phú bộ sưu tập thành tích đó là cuộc hành trình gian nan trên con đường phát hiện, tuyển chọn, đào tạo các lứa vận động viên (VĐV) kế cận.

Các cầu thủ “nhí” trong một buổi tuyển sinh bóng đá tại huyện Xuân Trường.  Bài và ảnh: Hoàng Anh
Các cầu thủ “nhí” trong một buổi tuyển sinh bóng đá tại huyện Xuân Trường.

Hiện toàn tỉnh có trên 200 VĐV đang được đào tạo, tập luyện tại 3 đơn vị: Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh, Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh, Trung tâm Đào tạo VĐV bóng đá tỉnh. Các đơn vị này được giao nhiệm vụ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng VĐV năng khiếu thể thao, cung cấp nguồn VĐV tài năng cho đội tuyển của tỉnh và đội tuyển quốc gia; đồng thời, phối hợp và cử cán bộ làm huấn luyện viên (HLV) trực tiếp huấn luyện, chỉ đạo VĐV tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế... Những học sinh ở các địa phương qua tuyển chọn sẽ được huấn luyện phát huy năng khiếu TDTT và học tập văn hóa, tu dưỡng đạo đức, nhân cách, giúp các em trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là khả năng TDTT. Giám đốc Trường Nghiệp vụ TDTT tỉnh Đặng Văn Chấn cho biết: Tổ chức huấn luyện là khâu then chốt của quá trình đào tạo VĐV trẻ, nội dung chủ yếu là huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, thể lực và tâm lý. Quá trình tuyển chọn và đào tạo VĐV thông thường có 4 giai đoạn; trong đó đào tạo VĐV trẻ chiếm tới 3 giai đoạn gồm: huấn luyện ban đầu, huấn luyện chuyên môn hóa ban đầu và huấn luyện chuyên môn hóa sâu. Đây là điều kiện cho quá trình huấn luyện nâng cao, giúp VĐV nhanh chóng phát huy tối ưu khả năng của bản thân. Với việc xây dựng và thực hiện chương trình huấn luyện, đào tạo cụ thể theo từng tuần, tháng, quý, Ban huấn luyện các bộ môn thường xuyên rà soát, kiểm tra trình độ chuyên môn, đánh giá khả năng phát triển của các VĐV để điều chỉnh biện pháp huấn luyện phù hợp; tiến hành tuyển chọn bổ sung lực lượng VĐV; tổ chức tập huấn và thi đấu cọ sát để nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật, tâm lý thi đấu cho VĐV, các đơn vị huấn luyện đã đào tạo được ngày càng nhiều VĐV có trình độ chuyên môn cao ở nhiều bộ môn. Để công tác đào tạo, tuyển chọn VĐV thành tích cao đi đúng định hướng phát triển, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quán triệt, chỉ đạo các đơn vị huấn luyện thể thao thành tích cao tập trung đầu tư có trọng điểm cho các bộ môn thế mạnh, mang tính truyền thống của địa phương, các bộ môn Olympic như: điền kinh, bóng đá… Với định hướng phát triển đúng đắn, chất lượng công tác huấn luyện các VĐV ở cả ba tuyến gồm năng khiếu, trẻ và đội tuyển đã được nâng lên rõ rệt. Giai đoạn 2015-2020, đội tuyển điền kinh tỉnh ta sở hữu lứa VĐV tài năng, nhiều năm liền nằm trong tốp đầu cả nước với vô số huy chương danh giá, lập nhiều kỷ lục thi đấu. Trong đó, nhiều VĐV điền kinh tỉnh đã thành danh trên các đấu trường trong nước và quốc tế như: Dương Văn Thái, Nguyễn Thị Huyền, Vũ Thị Mến… Bóng đá Nam Định cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ với việc trở lại Giải bóng đá vô địch quốc gia (V.League) sau 7 năm vắng bóng. Nhiều VĐV được triệu tập vào các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia các bộ môn là điều kiện để các em phát huy được tài năng và được tập luyện trong môi trường có tính cạnh tranh, chuyên nghiệp hơn. Một số bộ môn đã được khôi phục với lứa VĐV mới đầy triển vọng, giành được thành tích đột phá ở các giải quốc gia, quốc tế như: Quyền anh, võ vật, bơi lặn... Bên cạnh việc xây dựng hệ thống tuyển chọn, đào tạo, điều kiện ăn ở, sân bãi, phòng tập phục vụ cho công tác huấn luyện VĐV đỉnh cao và tuyến trẻ có nhiều cải thiện rõ nét và đi vào quy củ, nền nếp hơn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV năng khiếu ở tỉnh ta vẫn còn gặp một số khó khăn. Hiện nay, không ít gia đình, người dân, nhất là ở khu vực đô thị chưa thực sự “mặn mà” với việc cho phép con em mình hoạt động thể thao chuyên nghiệp mặc dù nhiều em có tố chất, năng khiếu thể thao mà chỉ chú trọng đầu tư cho con học tập văn hóa, dẫn đến khó khăn về nguồn tuyển chọn VĐV. Ngoài ra, việc tuyển chọn VĐV một số môn thể thao đặc thù như bơi lội, bóng đá, điền kinh... đòi hỏi phải tuyển các cháu nhỏ từ độ 6 đến 7 tuổi nên các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động khi các gia đình không tha thiết với định hướng này cũng như việc quản lý VĐV khi sinh hoạt tập trung. Để đảm bảo tuyển chọn đủ VĐV theo chỉ tiêu, ngay từ đầu năm, các đơn vị, các đội tuyển thể thao thành tích cao tỉnh phối hợp với các nhà trường tuyển sinh vào 2 đợt chính: thời điểm kết thúc học kỳ I và học kỳ II. Chia sẻ kinh nghiệm trong những chuyến đi tuyển chọn VĐV bóng đá, đồng chí Nguyễn Tân Anh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VĐV bóng đá tỉnh cho biết: Đối với môn bóng đá, tiêu chuẩn đầu tiên là phải có thể hình, vì vậy, hành trình đi tìm “hạt giống” cho môn này, tôi thường tập trung vào những em có chiều cao tốt, thể lực bền, khéo léo. Tuy nhiên, những em có năng khiếu được tuyển chọn qua các giải phong trào dù tốn nhiều thời gian đào tạo nhưng chỉ số ít phù hợp với môi trường thể thao chuyên nghiệp. Để trở thành VĐV thành tích cao, phần lớn các VĐV đều phải sống tập trung cùng đồng đội, dành phần lớn thời gian cho luyện tập và các giải đấu ngay từ khi còn rất nhỏ. Tuyển chọn được các em có năng khiếu đã khó, thuyết phục bản thân các em và gia đình lại càng khó khăn hơn, vì vậy, đòi hỏi ban huấn luyện không những nắm vững kỹ năng chuyên môn mà còn cần có kiến thức xã hội sâu rộng để hiểu được tâm lý các em và gia đình để có biện pháp, phân tích thuyết phục hiệu quả. Ngoài ra, mối lo giữ chân VĐV cũng là một trở ngại không nhỏ bởi trên thực tế việc để nhân tài “rơi” vào tay các CLB, các địa phương có tiềm lực tài chính mạnh là chuyện không hiếm. Đặc thù của lĩnh vực thể thao thành tích cao đó là thời gian đào tạo dài, thậm chí mất đến 10 năm mới có được một VĐV chuyên nghiệp nhưng trước những lời hứa hẹn đầy hấp dẫn của các đơn vị mạnh về TDTT nói chung và bóng đá nói riêng như điều kiện tập luyện, thi đấu tốt hơn, chế độ lương thưởng cao hơn, đặc biệt là sự đảm bảo cơ hội việc làm sau khi giải nghệ… khiến cho không ít VĐV sau khi được đào tạo thành công đã rời đi.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn dành sự quan tâm thỏa đáng cho sự nghiệp TDTT nói chung, thể thao thành tích cao nói riêng. Để thể thao thành tích cao tiếp tục khẳng định được vị thế trong nước, tiếp tục giành thành tích cao tại các giải đấu quốc tế thì công tác đào tạo VĐV năng khiếu cần được quan tâm, chú trọng hơn thông qua các cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ, sự đầu tư kinh phí và những điều kiện cần thiết khác. Các đơn vị huấn luyện thể thao thành tích cao quy hoạch, tuyển chọn lớp VĐV kế cận; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ HLV. Ngành TDTT phối hợp với các huyện, thành phố, các nhà trường tạo điều kiện mở thêm các lớp năng khiếu nghiệp dư; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn kinh phí để tổ chức các giải đấu phong trào, qua đó phát hiện các VĐV có năng khiếu; đẩy mạnh phát triển thể thao học đường, tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao./.

Bài và ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com