Huyền thoại Djokovic đã bị loại khỏi US Open 2020 theo một cách không ai ngờ đến. Vì Nole quá đặc biệt, hành vi lại có vẻ vô tình, nên cũng khá nhiều ý kiến tranh cãi, cũng như các suy luận đa chiều về quyết định của các nhà tổ chức.
Tuy nhiên, rõ ràng việc “bỏ qua” cho Djokovic dễ dàng hơn là loại anh khỏi cuộc chơi. US Open hiện đã vắng quá nhiều ngôi sao, loại Nole thì người thiệt hại chính là ban tổ chức. Đó là chưa kể, nước chủ nhà Mỹ cũng chẳng có ngôi sao nào để hưởng lợi từ việc vắng tay vợt người Serbia.
Thế nên, cần phải thấy đây là sự đúng đắn của luật lệ, của các quy định đã làm nên sự phát triển của quần vợt và thể thao nhà nghề nói chung. Không có “vùng cấm”, không có những du di hay thông cảm mà chỉ có mức độ án phạt được đưa ra dựa trên các dữ liệu tại chỗ, thuần túy chuyên môn. Hành động của Djokovic xuất hiện ở thời điểm anh có thái độ tức giận, vì thế mà hậu quả của nó không được xem là “lỗi vô ý”.
Các vận động viên chuyên nghiệp phải biết kiềm chế cảm xúc, tôn trọng người xem. Ngay cả việc họ nổi nóng với chính cây vợt, quả banh của mình cũng buộc phải đúng mực. Đơn giản vì nó gây ảnh hưởng xấu đến người xem, đến giải đấu và cao hơn là ảnh hưởng đến cộng đồng.
Nhiều người nói vui: Nếu ở Việt Nam, có lẽ hành động của Nole sẽ được bỏ qua, và dư luận cũng sẽ nghiêng về hướng thông cảm. Nói thế cũng chỉ đúng một phần. Nền thể thao Việt Nam cho dù là vẫn chỉ bán chuyên, nhưng không có nghĩa là hệ thống luật lệ, chế tài, các quy phạm đạo đức trong thi đấu lại thiếu. Những đơn vị quản lý, với trọng trách được giao, đã cố gắng hết sức để áp dụng luật lệ đúng tính chất, công minh. Ví dụ như nhiều lần các nhà tổ chức giải thưởng Quả bóng vàng Việt Nam đã phải gạt ra khỏi danh sách đề cử những ngôi sao nổi bật về chuyên môn, nhưng lại không đạt tiêu chuẩn hoặc đang bị kỷ luật trong thi đấu. Xét về tình mà nói, cả năm thi đấu, đóng góp rất nhiều, chỉ vì một lần bị kỷ luật mà không được bình chọn thì quả là đáng tiếc. Nhưng về lý thì cứ phải đúng điều lệ mà làm. Một vài trường hợp như vậy sẽ có tác dụng cảnh báo đến những cầu thủ khác, giúp họ kiềm chế mình trong thi đấu.
Vấn đề là luật lệ có nghiêm minh đến đâu, nhưng khả năng tôn trọng luật mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển của thể thao chuyên nghiệp. Sự nghiêm minh của ban tổ chức US Open 2020 được công nhận nhiều hơn sau khi chính Djokovic thừa nhận “đây là bài học” của mình. Hai bên đều tôn trọng luật chơi, và vì vậy mà sự việc dù rất nghiêm trọng thì cũng không làm tiêu cực cho giải đấu. Đây cũng là “bài học” với vận động viên Việt Nam. Bởi ngay ở môn thi đấu được xem là đã chuyên nghiệp như bóng đá, vẫn hay xảy ra tình trạng cầu thủ, rồi huấn luyện viên, lãnh đạo câu lạc bộ phản ứng quá mức với trọng tài, kể cả khi trọng tài thổi đúng./.
Theo SGGP