Hàng năm, khoảng thời gian từ tháng 5 đến đầu tháng 7, một số môn thể thao trong tỉnh như điền kinh, bóng bàn, bóng đá, cầu lông được tổ chức thi đấu; từ tháng 8 đến cuối năm là lúc nhiều giải thể thao diễn ra nhất gắn với các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng, những ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh. Tuy nhiên, năm nay dịch COVID-19 tái bùng phát khiến các giải đấu trong nước và cấp tỉnh phải tạm hoãn, việc tập luyện của các vận động viên (VĐV) bị ảnh hưởng.
Kiểm tra thân nhiệt VĐV trước các buổi tập tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. |
Đối với thể thao thành tích cao, thời điểm này, hầu hết ban huấn luyện các đội tuyển của tỉnh đều rơi vào thế bị động, khó lên kế hoạch tập luyện, thi đấu bởi chưa xác định được thời điểm các giải đấu trở lại, mọi hoạt động đều phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh. Điều này ảnh hưởng mạnh đến các VĐV trong duy trì thể lực, sự hưng phấn, phong độ, còn người hâm mộ cũng không được chứng kiến các cuộc tranh tài đỉnh cao. Để thích nghi với tình hình hiện nay, các đơn vị thể thao thành tích cao của tỉnh đã nỗ lực có những giải pháp ứng phó linh hoạt nhằm tối thiểu là giữ được nền tảng thể lực, tốt hơn nữa là giữ phong độ, để khi hết dịch có thể sớm bắt nhịp với guồng quay mới. Đồng chí Đỗ Đình Điểm, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh cho biết: VĐV thể thao thành tích cao không thể nghỉ tập luyện dài ngày. Đặc biệt, ở những môn đòi hỏi sức mạnh, tốc độ thì việc tập luyện liên tục càng trở nên cần thiết. Chỉ cần nghỉ tập vài ngày là VĐV sẽ phải tập cật lực trong 2-3 tuần sau đó mới lấy lại phong độ. Thế nhưng, duy trì tập luyện thế nào cho an toàn trong giai đoạn dịch COVID-19 cũng là bài toán khó với các nhà chuyên môn. Nhiều huấn luyện viên và VĐV đều có chung nhận định đây là quãng thời gian tập luyện thử thách về sự chuyên nghiệp, ý thức tự giác của mỗi VĐV và thành quả sẽ cho thấy ngay khi tổ chức thi đấu trở lại.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều hoạt động TDTT trong nước đã tạm hoãn hoặc dời lịch tổ chức thi đấu ảnh hưởng đến các đội tuyển thể thao thành tính cao và các VĐV chủ chốt của tỉnh hiện trong thành phần đội tuyển quốc gia. Trong đó, các giải bóng đá chuyên nghiệp trong nước đã phải dời lịch thi đấu. Theo thông báo số 161 của Ban điều hành giải, các trận đấu thuộc vòng 12 V-League và vòng 10 giải hạng Nhất quốc gia sẽ được hoãn để đảm bảo an toàn, phòng tránh lây lan dịch bệnh. Thời gian trở lại của giải đấu sẽ được quyết định sau khi được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, CLB bóng đá Dược Nam Hà Nam Định thực hiện các buổi tập tại Trung tâm Đào tạo VĐV bóng đá tỉnh, nghiêm cấm các cầu thủ ra ngoài. Ban huấn luyện đội bóng đề ra các bài tập duy trì thể lực với cường độ cao, thời gian dài, đồng thời hỗ trợ cho các cầu thủ trong quá trình hồi phục chấn thương. Cùng với bóng đá, mới đây, hai giải điền kinh lớn thuộc hệ thống thi đấu quốc gia cũng phải tạm hoãn vì dịch COVID-19. Cụ thể, ngày 31-7-2020, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã quyết định hoãn không tổ chức Giải vô địch Điền kinh trẻ và lứa tuổi trẻ quốc gia (dự kiến tổ chức từ ngày 15 đến 25-8 tại Tây Ninh) và chuyển sang thời gian dự kiến là quý IV năm 2020. Giải vô địch Điền kinh quốc gia dự kiến tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh sẽ chuyển địa điểm tổ chức tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) cũng vào quý IV năm 2020. VĐV điền kinh Dương Văn Thái, nhà vô địch SEA Games 30, hiện đang tập huấn tại Trung tâm Thể thao quốc gia Đà Nẵng cho biết: Các VĐV thuộc đội tuyển quốc gia phải thực hiện lệnh cấm trại cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. VĐV duy trì tập luyện bằng cách không tập theo nhóm đông mà chỉ theo nhóm 1-2 người, chia theo các khung giờ khác nhau để bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch. Ngoài ra, điền kinh Nam Định còn có nhóm 5 VĐV đang tập huấn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. VĐV kỳ cựu Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: Dịch COVID-19 ảnh hưởng phần nào tới nếp sinh hoạt, ăn nghỉ, thời gian tập luyện, thi đấu của VĐV rất nhiều. Nhiều giải đấu cấp châu lục, quốc tế phải lùi lại hoặc hủy, giáo án tập luyện phải điều chỉnh linh hoạt để duy trì thể lực tốt nhất. Bên cạnh đó, các VĐV còn được nhắc nhở về việc tham gia mạng xã hội không đưa ra những ý kiến bình luận, không dẫn lại những thông tin chưa được kiểm chứng để góp phần giúp công tác phòng, chống dịch COVID-19 của toàn xã hội thành công.
Ngoài ra, việc nhiều giải đấu bị hoãn và dời thời gian sẽ là trở ngại lớn cho ngành TDTT. Bởi năm 2021, tỉnh ta phải chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, lực lượng VĐV tốt nhất cho SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai. Một lịch thi đấu dày đặc có thể diễn ra sau khi COVID-19 được kiểm soát ổn định sẽ tạo sức ép lớn và bào mòn thể lực các VĐV, dẫn tới việc các đội tuyển thiếu cơ hội tập huấn, thi đấu ở nước ngoài… Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, người lao động, HLV, VĐV nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với đó, các đơn vị tăng cường dọn dẹp vệ sinh, tổ chức phun xịt thuốc diệt khuẩn, cấp phát khẩu trang cho người lao động, trang bị nước rửa tay diệt khuẩn tại khu vực công cộng. Các đơn vị liên quan rà soát những trường hợp đi từ vùng có dịch hoặc có tiếp xúc gần với trường hợp được xác định dương tính, người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 để báo cáo với cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định…
Mặc dù rất nhiều khó khăn nhưng các giải đấu bị tạm hoãn là cần thiết trong lúc này để đảm bảo an toàn phòng dịch cho VĐV, ban huấn luyện… Với sự chủ động chuẩn bị, tính tự giác và chuyên nghiệp của các VĐV, Ban Huấn luyện hướng dẫn trong thời gian nghỉ đấu phòng dịch sẽ đảm bảo ngay khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động TDTT sẽ trở lại bình thường thỏa mãn sự chờ đợi của người hâm mộ./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh