Vòng bán kết Champions League năm nay, ngoài việc có đến 2 đội bóng đại diện cho Bundesliga, còn thêm sự xuất hiện của 3 HLV người Đức là Tuchel (PSG), Flick (Bayern) và Nagelsmann (Leipzig).
Người trẻ nhất chỉ 33 tuổi, lớn nhất cũng chỉ 55 tuổi. Con số này cho thấy tính kế thừa của những nhà cầm quân người Đức, phần nào đó cũng lý giải được sự ổn định của bóng đá Đức trên mọi cấp độ.
Bóng đá Đức đề cao tính khoa học và hệ thống, coi trọng sự khởi đầu. Với các CLB, họ phải đầu tư vào đào tạo trẻ và cũng từ đây, sản sinh ra nhiều HLV giỏi cho bóng đá Đức. 11/18 đội dự Bundesliga mùa này có HLV là người Đức, đa số họ đều không nổi tiếng khi còn làm cầu thủ. Ví dụ như Nagelsmann vốn cầm quân từ năm 29 tuổi. Để các HLV “vô danh” này tạo tin tưởng, có một điểm chung, đó là họ khởi đầu từ công tác huấn luyện những đội U19 hay tuyến trẻ của CLB. Không nóng vội, đó là cách làm bóng đá của người Đức. Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, người Đức có truyền thống đã bổ nhiệm ai thì sẽ tin tưởng cho đến khi nào đạt được thành tích quốc tế mới thôi. HLV Joachim Loew đã cầm quân từ năm 2006 đến nay, cho dù không phải lúc nào đội tuyển Đức cũng thành công.
Câu chuyện của các HLV Đức rất đáng để bóng đá Việt Nam học tập trong việc phát triển bóng đá trẻ, bao gồm cả HLV. Rất nhiều cựu cầu thủ Việt Nam chọn cầm quân làm sự nghiệp cả đời mình, nhưng rất ít người lại bắt đầu từ bóng đá trẻ. Điều này khiến cho quá trình học tập để làm “thầy” của họ khá giới hạn, dễ thất bại khi khởi đầu tại V-League. Không phải ai cũng như ông Hoàng Anh Tuấn bỏ tiền sang châu Âu du học rồi về làm đội tuyển U17, U19. Không phải cứ đá bóng giỏi thì sẽ làm HLV tốt. Người có sự nghiệp thi đấu vô danh, vẫn có thể làm HLV giỏi. Vấn đề nằm ở khả năng học tập và kinh nghiệm quản lý cầu thủ. Đây là lý do phần lớn HLV giỏi trên thế giới đều bắt đầu từ đội trẻ, cầm quân ở những đội bóng nhỏ trước khi tỏa sáng.
Nhưng có một thực tế là hệ thống thi đấu của bóng đá trẻ Việt Nam quá ít, trong khi lẽ ra số lượng các trận đấu tuổi U phải nhiều gấp đôi so với đội lớn. Nếu dẫn dắt một đội U19 hay U21 hiện nay, thì các HLV chỉ có khoảng 20 trận/năm để nâng cao tay nghề. Con số này tại châu Âu là khoảng 70 trận. Các giải đấu tuổi U được tổ chức hầu như hàng tuần, chưa kể các giải quốc tế cấp châu lục. Đơn giản vì kinh phí tổ chức rất thấp, không yêu cầu phải đến sân vận động, số lượng đội bóng lại nhiều. Điều này sẽ tạo cơ hội cho các HLV trẻ được trải nghiệm liên tục, áp dụng nhiều kiến thức mình vừa học ở các lớp dạy HLV, cũng như kinh nghiệm thời còn thi đấu.
Người Đức sẽ khó có những HLV giỏi, phát kiến ra nhiều chiến thuật, nếu như họ không có một hệ thống bóng đá trẻ và cấp thấp tạo ra hàng chục ngàn trận đấu mỗi năm./.
Theo SGGP