Kiếm tiền hay làm ra tiền?

08:08, 14/08/2020

Do dịch Covid-19 nên đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ 8 theo kế hoạch diễn ra ngày 8-8 đã phải tạm hoãn. Đây là việc bất khả kháng, nhưng vô tình cũng là cơ hội để quá trình bầu chức danh phó chủ tịch phụ trách tài chính có thêm thời gian để xem xét. 

Đã hơn một năm, kể từ khi Phó Chủ tịch Cấn Văn Nghĩa từ chức, vị trí này vẫn để trống. Có 2 lý do, một là trong năm 2019, doanh thu của VFF rất tốt nhờ thành tích phát triển của đội tuyển quốc gia và U23 nên áp lực dòng tiền không xuất hiện; hai là vị trí này quá quan trọng, cần có thời gian để tìm người xứng đáng.

Bởi nói cho cùng, khi mọi thứ thuận lợi thì không có vị trí này cũng không sao, nhưng lịch sử cho thấy, bóng đá Việt Nam luôn gặp khó khăn về tài chính nên cần một người thực sự có tiềm lực lẫn tầm nhìn trong một lĩnh vực vốn chưa quen với những người làm bóng đá thuần túy chuyên môn. 

Thực ra trên thế giới, cũng không nhiều liên đoàn có vị trí phó chủ tịch tài chính. Về bản chất, các liên đoàn là một đơn vị xã hội. Dù phải kiếm tiền để hoạt động nhưng không phải là doanh nghiệp. Bởi đã làm ăn, kinh doanh thì phải có lãi, có lỗ, trong khi về nguyên tắc, liên đoàn không được phép thua lỗ. Họ phải xoay tiền để trả chi phí cho hoạt động các đội tuyển, tài trợ cho các thành viên, chăm lo bóng đá trẻ. Nếu doanh thu dư dả, chẳng ai được phép bỏ túi riêng; nếu khó khăn, thì nhiều khi những nhà quản lý phải tự bỏ tiền túi. Phân tích như vậy để thấy rõ công việc cụ thể của một vị trí như phó chủ tịch tài chính.

Cũng chính vì vậy mà vị trí này luôn “kén” người, mặc dù số lượng ứng cử viên bao giờ cũng nhiều nhất trong các vị trí lãnh đạo VFF. Điều này cũng dễ hiểu, doanh nhân mê bóng đá thì rất đông đảo, nhưng không thể áp dụng các kế hoạch kiếm tiền đơn giản như trong việc kinh doanh quen thuộc tại doanh nghiệp, khi mà mục tiêu “không được lỗ” phải đặt lên hàng đầu.

Đã vậy, muốn có nguồn thu lớn, cần phải đầu tư lớn, nhưng ngân quỹ của VFF làm gì có số dương để làm vốn. Nguồn thu của VFF thường giới hạn, trong khi có hàng trăm khoản phải chi cho rất nhiều thành phần trong nền bóng đá.

Hàng năm, bóng đá Việt Nam còn phải tranh thủ tham gia các chương trình hỗ trợ từ FIFA, AFC mới có tiền phân bổ cho các thành viên. Bản thân các CLB bóng đá chuyên nghiệp ở V-League cũng chủ yếu hoạt động từ nguồn tài trợ, chưa thể tự thân làm ra tiền, dù mang pháp nhân công ty, có sẵn vốn của chủ sở hữu. 

Nói cho cùng, vị trí phó chủ tịch tài chính của VFF cần người có 2 điều kiện: Có nguồn lực đủ lớn để sẵn sàng bỏ tiền túi tài trợ khi liên đoàn gặp khó khăn tài chính; phải đam mê bóng đá, giỏi kinh doanh nhưng không am hiểu bóng đá Việt cũng khó, mà chỉ đam mê thôi cũng không được./.

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com