Giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân Dân lần thứ 38 Cúp PetroVietnam - Đạm Cà Mau năm 2020 vừa qua ghi dấu sự trở lại mạnh mẽ và tính hấp dẫn, lôi cuốn của một bộ môn thể thao có nhiều người tham gia tập luyện.
Đây cũng là mùa giải có nhiều tín hiệu vui của làng bóng bàn nước nhà với số lượng kỷ lục VĐV, số đoàn và các tay vợt trẻ tham dự cùng số lượng trận đấu và giải thưởng vượt hẳn so với các mùa giải trước. Qua đó, giúp các nhà quản lý và chuyên môn kiểm tra, đánh giá trình độ VĐV và công tác huấn luyện, đào tạo ở các CLB bóng bàn chuyên nghiệp, tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia.
VĐV nhí Nguyễn Như Quỳnh (11 tuổi) đã xuất sắc vượt qua nhiều “đàn chị”, lọt vào vòng 1/16 nội dung đơn nữ tại giải đấu năm nay. Ảnh: Duy Linh |
Một trong những nét mới đáng ghi nhận là giải năm nay có sự góp mặt của các CLB bóng bàn tư nhân theo chủ trương xã hội hóa, góp phần thúc đẩy sự đầu tư cho phong trào bóng bàn ở địa phương phát triển, tạo điều kiện cho các tay vợt có khả năng tham dự thi đấu đỉnh cao. Việc “mở cửa” này được thực hiện theo điều lệ tổ chức giải của Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam với tiêu chí đầu tiên là các trung tâm, CLB phải được liên đoàn công nhận và số lượng VĐV mỗi đội nam, đội nữ không vượt quá năm người, đồng thời phải đáp ứng các tiêu chí về số lượng bàn thi đấu và quy mô CLB. Hiện tại, trên cả nước có khoảng 48 CLB như vậy, nhưng số lượng CLB dự giải vô địch toàn quốc lần này mới ở mức khiêm tốn, tiêu biểu là đội bóng của CLB bóng bàn Trương Quyền 4T hay Tí Long của Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc mở rộng đối tượng tham dự từ các CLB nêu trên sẽ mở đầu cho nhiều CLB bóng bàn tư nhân khác tham dự giải vô địch toàn quốc ở các mùa giải tiếp theo. Tuy nhiên, từ giải đấu vừa qua và nhận định của dư luận và giới chuyên môn cũng đặt ra một số vấn đề về quản lý và quy định “mở cửa”, để làm sao vừa thực hiện phát triển theo hướng xã hội hóa, thu hút đầu tư cho bóng bàn, vừa bảo đảm tính chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng chuyên môn của giải đấu đỉnh cao quốc gia. Mặc dù đã lường trước và đề ra tiêu chí cho các CLB mới được liên đoàn công nhận dự giải, song thực tế cho thấy, các tiêu chí chưa thật sự chặt chẽ, thiếu nhiều yếu tố ràng buộc. Điều này dễ tạo ra những cảm nhận về sự dễ dãi, mang tính dàn trải, nếu không nói là “cào bằng” giữa các đội bóng của các CLB đăng ký dự giải. Có những đội bóng của CLB tư nhân dự giải bao gồm cả những tay vợt bán chuyên nghiệp, thường thi đấu ở giải phong trào hoặc cựu VĐV trở lại sau nhiều năm “gác vợt”, không dự các giải chuyên nghiệp và vô địch quốc gia. Thậm chí, có những tay vợt là người của công chúng và giới showbiz dự giải phần nào tạo sự thu hút, quan tâm của dư luận với giải đấu, nhưng không phải vì trình độ chuyên môn mà ở sự nổi tiếng trong lĩnh vực khác và của cá nhân họ. Điều đó thể hiện rõ nhất qua kết quả thi đấu khi họ nhanh chóng bại trận trước các tay vợt đến từ những đội bóng chuyên nghiệp và họa hoằn lắm mới có một số tay vợt giành chiến thắng ở những trận đấu mang tính đơn lẻ. Chúng ta ghi nhận nỗ lực và niềm đam mê với bóng bàn cũng như sự góp mặt của họ đã làm cho giải đấu thêm phần sôi động và hấp dẫn. Song cần hiểu, đây là một cuộc đua tranh tài năng của đỉnh cao bóng bàn quốc gia, cho nên việc “mở rộng” nên cân nhắc kỹ và có sự tuyển chọn rõ ràng để không làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn và tầm vóc giải đấu.
Không chỉ xem xét và có những quy định lựa chọn trong đăng ký thi đấu đối với các CLB tư nhân xuất phát từ phong trào, mang tính bán chuyên nghiệp mà sự tuyển chọn cũng cần thiết ngay cả ở những CLB chuyên nghiệp đã dự giải nhiều năm nay. Nhìn vào danh sách các đoàn dự giải, có một số CLB có từ hai đến ba đội nam, nữ tham dự và dễ nhận thấy đâu là đội chính, đâu là đội hạng hai, hạng ba của CLB và cả đội trẻ của họ. Việc các đội này được quyền tham dự, tuy có tăng tính cọ xát, giúp các tay vợt thêm điều kiện tích lũy kinh nghiệm chinh chiến, nâng cao trình độ, nhưng đồng thời cũng làm tăng vọt số lượng trận đấu, qua đó làm dàn trải các vòng đấu, phung phí sức lực các VĐV khi họ phải thi đấu nhiều hơn với các tay vợt không cùng trình độ và đẳng cấp. Có thể thấy rõ điều đó ở mùa giải năm nay khi không ít tay vợt bỏ cuộc ở những trận đấu quan trọng do chấn thương hoặc cố tình “nhường trận” một cách có tính toán để các tay vợt cùng đội hoặc có mối quan hệ thân thiết dành sức cho những mục tiêu ở trận chung kết. Đây là tình trạng có vẻ phổ biến hơn so với các mùa giải trước khiến khán giả và người hâm mộ có phần thất vọng.
Nhìn vào những kỳ giải vô địch quốc gia ở các bộ môn thể thao khác, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cần có những quy định rõ ràng và cụ thể hơn, mang tính tuyển chọn khi giải đấu sẽ ngày càng có nhiều CLB đăng ký tham dự cùng với sự phát triển của môn bóng bàn ở các địa phương. Nếu cần thiết, có thể tổ chức các giải đấu phân hạng hoặc vòng sơ loại dành cho những đội bóng của các CLB lần đầu tham dự để tìm ra những đội đủ điều kiện chuyên môn để dự giải vô địch toàn quốc bên cạnh những đội mạnh đã nghiễm nhiên được chọn qua giải vô địch quốc gia và giải các CLB mạnh, các tay vợt mạnh toàn quốc trước đó. Đồng thời có quá trình để những tay vợt trẻ tiến bước đạt qua từng cấp hạng để đạt tới đẳng cấp thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Để tăng tính cạnh tranh của giải, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng tầm trình độ của bóng bàn Việt Nam ở các giải đấu khu vực, châu lục và thế giới, đã đến lúc Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam nên có những quy định cho phép các CLB tùy theo khả năng kinh tế của mình được quyền thuê các tay vợt chuyên nghiệp nước ngoài về thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Tất nhiên để phù hợp, sẽ cần có những tiêu chí giới hạn về mức lương, về thời hạn hợp đồng của từng tay vợt phải đủ trong bao nhiêu năm để tránh trường hợp có CLB bỏ tiền thuê theo thời điểm để vận động viên chỉ thi đấu ngắn cho CLB nhằm mục tiêu giành thành tích. Làm tốt điều này, chúng ta không những khuyến khích phát triển bóng bàn Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa và phương thức xã hội hóa mà còn góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của giải vô địch quốc gia./.
Theo Báo Nhân Dân