Để hạn chế thấp nhất những tai nạn do đuối nước và tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ em, mô hình dạy bơi phòng chống đuối nước đã và đang được nhân rộng, là một bộ môn trọng tâm của thể thao học đường trên địa bàn tỉnh.
Một buổi học bơi tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh. |
Là địa phương có nhiều sông, hồ lớn và đường bờ biển dài, hàng năm xảy ra nhiều tai nạn đuối nước, vì vậy, việc triển khai chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, chú trọng. Nhiều trường học đã đưa môn bơi vào chương trình giáo dục thể chất cho học sinh. Các địa phương, các nhà trường tùy theo điều kiện cụ thể đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mở các lớp dạy bơi cho học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tốt khi ở dưới nước, từng bước hạn chế tai nạn đuối nước. Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh đã tích cực phối hợp với các nhà trường triển khai hiệu quả chương trình phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh, trẻ em trên địa bàn các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực và thành phố Nam Định. Năm 2020, Trung tâm đã triển khai các lớp dạy bơi cho hơn 9.000 học sinh ở 10 trường (8 trường THPT, 2 trường THCS) tham gia. Các lớp bơi phòng, chống đuối nước tại bể bơi Cung Thể thao tỉnh đều có đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên đạt chuẩn, giúp các em tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc. Thông qua các lớp học bơi, các em còn được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước và cũng là cách để các em bổ sung kiến thức và hành trang kỹ năng sống. Tại thành phố Nam Định, nhiều học sinh học bơi tại bể bơi Nhà Văn hóa Thiếu nhi thành phố và bể bơi Thắng Lợi. Với các trường trên địa bàn không đủ điều kiện lắp đặt bể bơi nhưng học sinh có nhu cầu tham gia học bơi, thành phố phối hợp với các đơn vị sự nghiệp của Sở VH, TT và DL bố trí địa điểm học phù hợp với học sinh của từng khu vực. Đội ngũ giáo viên giảng dạy cũng được chuẩn bị theo hướng đạt chuẩn với trình độ đại học TDTT chuyên ngành bơi, có kỹ năng sư phạm, từng là vận động viên bơi - lặn quốc gia; có chứng chỉ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cứu đuối, cứu hộ do Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam cấp. Chuẩn bị cho hè năm nay, Ban chỉ đạo hoạt động hè thành phố Nam Định đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm VH-TT-TT thành phố tiếp tục mở các lớp dạy bơi cho thiếu nhi giúp trang bị cho các em kiến thức phòng, chống đuối nước. Theo kế hoạch, trong tháng 7-2020, UBND các huyện, thành phố tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước với các hoạt động hưởng ứng như: tổ chức giải thi bơi, thi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước, các trò chơi vận động dưới nước… Nhằm lan tỏa ý nghĩa buổi lễ phát động, các địa phương đã treo băng rôn, khẩu hiệu, tranh ảnh về kỹ thuật phòng, chống đuối nước với các nội dung như: “Toàn dân tham gia phòng, chống đuối nước trẻ em”, “Học bơi để phòng, chống đuối nước”, “Học bơi để nâng cao sức khỏe và phát triển thể lực tầm vóc”, “Học bơi để an toàn trong môi trường nước”, “Hưởng ứng Chương trình sức khỏe Việt Nam”…
Theo thống kê của Sở VH, TT và DL, từ năm 2017 đến nay, chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em và học sinh đã triển khai gần 250 lớp dạy bơi được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng chí Lâm Văn Tiên, Trưởng Phòng Quản lý TDTT, Sở VH, TT và DL cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 53/KH-UBND ngày 10-6-2016 của UBND tỉnh về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020, các địa phương cùng với các nhà trường tiếp tục nhân rộng, phổ cập hơn mô hình bơi phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh, trong đó ưu tiên tại các trường học. Các trường xây dựng kế hoạch, lồng ghép môn bơi vào nội dung giáo dục thể chất trong năm học, tạo cơ chế khuyến khích, động viên để các em tham gia. Các huyện, thành phố đã vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn; có chế độ ưu tiên, miễn giảm tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học và tập luyện bơi. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động 30 bể bơi cố định trang bị hệ thống xử lý nước, đạt chuẩn thi đấu và luyện tập; 50 bể bơi di động có diện tích 300-500m2. Tuy nhiên, số lượng học sinh được dạy bơi còn ít so với nhu cầu thực tế. Các địa phương còn thiếu bể bơi đảm bảo chất lượng và đội ngũ HLV dạy bơi, chất lượng dạy bơi ở một số trường chưa cao... Để nâng cao số lượng, chất lượng dạy bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh, các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm xây dựng thêm nhiều bể bơi. Các địa phương, các trường có thể sử dụng phương án lắp đặt bể bơi di động, thời gian lắp ráp nhanh, không chiếm nhiều diện tích (tổng diện tích khoảng 120m2) và có giá khoảng 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, các ngành VH, TT và DL, GD và ĐT cần phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy bơi và cấp chứng chỉ các HLV, giáo viên thể chất. Tăng cường công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; tăng cường dạy bơi và nâng cao kỹ năng bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, nhằm đáp ứng cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học cho trẻ em, học sinh. Phấn đấu trên 90% học sinh bậc THCS, THPT biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 100% huyện, thành phố triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Bảo đảm 100% các trường có huấn luyện viên, cộng tác viên bơi lội, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh