Có một câu nói nổi tiếng trong giới bóng đá Việt Nam: Ghế HLV có 4 chân, thì cầu thủ giữ đến 3. Đại ý, HLV có ngồi được trên ghế hay không là do phần lớn ở cầu thủ quyết định.
Tưởng là câu nói ấy chỉ phù hợp với kiểu bóng đá bao cấp trước đây, khi các CLB chưa được doanh nghiệp đầu tư, đâu ngờ, đến thời điểm này, thậm chí HLV chẳng giữ nổi chiếc chân ghế nào cho mình.
Như trường hợp HLV người Italy của đội Thanh Hóa. Sau khi ông chủ tịch (bầu Đệ) đăng đàn tiết lộ với báo chí là sẽ thay ông Fabio Lopez, thì đến lượt các cầu thủ được tổ chức một buổi bỏ phiếu tín nhiệm nhà cầm quân này. Như vậy, những gì mà người ta khen ngợi Lopez khi đưa ông lên ghế HLV, thì nay chẳng có tí giá trị nào cả. Việc trao quyền tín nhiệm HLV cho cầu thủ là chuyện rất khôi hài. Từ trước đến nay, ở tây cũng như ở ta, ai cũng biết cầu thủ có quyền lực nhất định, nhưng cũng chỉ là sự nhận biết của người trong cuộc theo kiểu “luật riêng”. Công khai cho phép cầu thủ thảo luận về tương lai của HLV như Thanh Hóa là chuyện không hay ho gì. Chẳng lẽ, bất kỳ HLV nào nếu không muốn bị mất việc thì phải… mua phiếu thuận càng nhiều càng tốt?
Làm HLV thì việc đầu tiên là phải tạo được sự đồng thuận với cầu thủ. Nói cách khác, “kiểm soát phòng thay đồ” là một trong những công việc quan trọng của HLV, nhưng không phải vì thế mà HLV phải có trách nhiệm thuyết phục cầu thủ ủng hộ mình. Thế nên, thông thường các HLV sẽ tự xây dựng nhân sự nòng cốt của mình. Cả cầu thủ lẫn HLV có thích nhau hay không thì cũng chỉ một mục đích duy nhất, đó là làm điều tốt nhất cho CLB. Nếu cầu thủ thi đấu nỗ lực, chấp hành đúng chiến thuật của HLV mà kết quả không tốt, thì trách nhiệm của nhà cầm quân sẽ do những người trả tiền lương quyết định. Ở góc độ khác, việc sa thải hay giữ lại HLV là quyền của các ông chủ, đâu phải do cầu thủ thích hay không thích.
Cũng có thể vì thế mà Thanh Hóa được mệnh danh “lò xay HLV”. Mùa trước, họ đổi “tướng” 3 lần, còn mùa này, mới đá 3 vòng đã thay HLV. Từ năm 2009 đến nay, trung bình mỗi mùa, Thanh Hóa có 2 HLV khác nhau, trong khi thành tích của họ thì vẫn chẳng có gì thay đổi, cao nhất chỉ là á quân V-League. Nhiều nhà cầm quân nổi tiếng đã từng đến đây, như ông Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, thậm chí cả ông Petrovic - nhà vô địch Cúp C1 châu Âu cùng Sao Đỏ Belgrade…
Chuyện những chiếc ghế “0 chân” ở Việt Nam là có thật. Ấy là do sự nhập nhằng, nghiệp dư trong cách tổ chức CLB chuyên nghiệp. Các ông chủ có thói quen can thiệp vào chuyên môn, tiếng nói của họ thì đương nhiên luôn được cầu thủ ủng hộ hoặc phục tùng. Thế nên, ở Việt Nam mới có thêm chuyện kỳ cục, đó là chủ tịch CLB kiêm luôn HLV trưởng ở đội Sài Gòn FC. Có vẻ mô hình “độc nhất vô nhị” này vừa tiết kiệm, vừa an toàn?
Theo SGGP