Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) vừa quyết định thay đổi cách tính chuẩn vận động viên (VĐV) dự Olympic Tokyo 2020 (diễn ra vào năm 2021).
Theo đó, thành tích của tất cả VĐV thi đấu các giải từ ngày 6-4 đến 30-11-2020 sẽ không được tính dự Thế vận hội mà chỉ công nhận kết quả cho người chơi tham dự giải đấu từ ngày 1-12-2020 đến ngày 29-6-2021.
Quyết định trên của IAAF đã tạo điều kiện tối đa để các VĐV có thêm thời gian chuẩn bị thể lực, phong độ sau nhiều ngày không được thi đấu vì dịch Covid-19. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh Việt Nam khẳng định: “Cách tính mới của Liên đoàn Điền kinh thế giới không ảnh hưởng đến VĐV của đội tuyển Việt Nam. Trái lại, nó còn tạo cơ hội cho họ có thêm thời gian để chuẩn bị cho hành trình giành vé chính thức tham dự Olympic Tokyo. Nếu như dựa vào cách tính chuẩn và thời gian thi đấu cũ, chưa chắc điền kinh Việt Nam đã có vé chính thức dự Thế vận hội”.
VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền quyết tâm trong luyện tập. |
Trong các VĐV điền kinh hiện nay, những Phạm Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Huyền hay Quách Thị Lan được xem là “sáng cửa” nhất dự Olympic Tokyo. Nhưng nếu tham dự Giải đi bộ châu Á vào tháng 3-2020 ở Nhật Bản, khả năng giành vé trực tiếp đến Tokyo của Thu Trang chỉ là 50-50. Bởi lẽ thời điểm đó Thu Trang chưa tích lũy đủ thể lực và kinh nghiệm do không thể tập huấn nước ngoài vì dịch bệnh. Tương tự với VĐV Nguyễn Thị Huyền, thành tích đã giúp cô giành Huy chương vàng SEA Games 2019 ở nội dung 400m nữ là 56 giây 90; trong khi chuẩn Olympic là 55 giây 40. Ngay cả với nhà vô địch ASIAD 2018 nội dung 400m vượt rào nữ Quách Thị Lan cũng kém chuẩn A Olympic Tokyo tới 0,70 giây. Ngoài ra, đội tuyển 4x400m hỗn hợp Việt Nam hiện đang xếp hạng 17 thế giới và kém thành tích gần 1 giây so với đội xếp hạng 16-thứ hạng sẽ được xét dự Thế vận hội.
Có thể thấy, nếu IAAF không thay đổi thời gian thi đấu để tính chuẩn thì rất khó để các VĐV điền kinh Việt Nam đoạt vé chính thức đến Tokyo. Từ giờ đến ngày 1-12 vẫn còn nhiều thời gian để đội tuyển điền kinh Việt Nam xây dựng lại kế hoạch, lộ trình, giáo án, tính lại điểm rơi phong độ trước khi bước vào một cuộc đua khốc liệt. VĐV Quách Thị Lan chia sẻ: “Ngay từ khi có lệnh nới lỏng giãn cách xã hội, em cùng các đồng đội đã bước vào tập luyện với cường độ cao. Thành tích tập luyện của em thời điểm này tương đối ổn, song để hướng mới mục tiêu Olympic thì vẫn cần phải cải thiện nhiều. Thời gian qua, em tập thể lực nhiều hơn và HLV cũng đưa ra nhiều thay đổi trong giáo trình để phù hợp với tình hình thực tế”.
Sau một thời gian dài không được thi đấu, thể lực và phong độ của nhiều VĐV điền kinh đã ít nhiều bị ảnh hưởng. Không chỉ VĐV mà các HLV cũng đang rất nỗ lực để chạy đua với thời gian, mong muốn các hoạt động của điền kinh nhanh chóng được trở lại bình thường. Mặc dù điền kinh Việt Nam sẽ được dự Olympic Tokyo với hai tấm vé đặc cách mang tính khích lệ, động viên- đây là quy định mới của mọi thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế. Song, các VĐV điền kinh Việt Nam đang nỗ lực tập luyện để giành vé chính thức tới Tokyo. Ông Dương Đức Thủy, chuyên viên quản lý bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) khẳng định: “Chỉ có đoạt vé chính thức mới xứng đáng với ngôi vị số 1 Đông Nam Á của điền kinh Việt Nam. Tất nhiên đây là mục tiêu không đơn giản và cần có sự chung tay của VĐV, HLV và các nhà quản lý điền kinh trong thời gian tới”.
Theo qdnd.vn