Sự việc phần lớn đội U21 Đồng Tháp tham gia cá độ ngay chính trận đấu của mình là một việc tày đình. Nhưng đó không phải là điều bất ngờ. Những giải đấu U19, U21 hay thậm chí là U17 hiện nay đều có nguy cơ tiêu cực, đặc biệt là trận đấu vòng loại.
Các nhà cái châu Á thường xuyên “ra kèo” những trận đấu này và các cầu thủ với sự giao tiếp ngày càng nhiều hơn trên mạng xã hội, đã đủ “thông minh” để “vừa đá - vừa cược”.
Nhiều người sẽ thắc mắc, vì sao khi đội tuyển đang có tiến bộ lớn, bóng đá được quan tâm hơn, các cầu thủ trẻ lại có thể tự phá bỏ tương lai của mình? Thật ra, hỏi cũng là đã trả lời. Việc chúng ta dồn quá nhiều sự quan tâm cho phần đỉnh cao, cho đội tuyển, sẽ làm xao lãng và mất đi không ít nguồn lực đầu tư cho hệ thống câu lạc bộ chuyên nghiệp, nơi quyết định sự thành bại của cầu thủ trẻ.
Ở vai trò của mình, hiện VFF chỉ làm được công tác chống tiêu cực thông qua việc phát hiện và phối hợp cùng cơ quan điều tra. Nhưng với bóng đá trẻ, điều quan trọng hơn chính là các biện pháp ngăn ngừa - phòng tránh từ dưới cơ sở đào tạo. Cầu thủ trẻ suy nghĩ đơn giản, dễ bị dụ dỗ và khi làm sai rồi bị phát hiện thì sự nghiệp coi như kết thúc. Công sức đào tạo gần chục năm trời lãng phí, bóng đá đỉnh cao sẽ mất đi nhiều tài năng. Còn nếu không phát hiện, các cầu thủ đã nhúng chàm khi còn U21, U19 chắc chắn sẽ “quen đường cũ” lúc trưởng thành. Nói phòng quan trọng hơn chống là vậy.
Nhưng dường như ở bóng đá Việt Nam hiện nay, từ nhà quản lý, đến chính cổ động viên chỉ quan tâm đến phần đỉnh cao. Chúng ta hy vọng với sự tiến bộ của đội tuyển quốc gia sẽ tạo động lực cho sự phát triển bên dưới. Đại loại là thành công của đội tuyển sẽ kích thích các cầu thủ trẻ đầu tư nghiêm túc cho tương lai. Nhưng trên thực tế, thành công của đội tuyển hầu như chưa giúp được gì cho nền bóng đá vốn vẫn đang “ăn đong”.
Thu nhập cầu thủ không cao, ngoài những đội bóng V-League. Một vài câu lạc bộ có đủ tiềm lực đầu tư cho các tuyến trẻ, hoặc xây dựng hẳn học viện đào tạo riêng, nhưng phần lớn những đội U vẫn đang do địa phương nuôi.
Đơn cử như trường hợp của U21 Đồng Tháp. Đội bóng trẻ này không liên quan gì đến đội hạng nhất Đồng Tháp đang được doanh nghiệp đầu tư 3 năm qua. Điều này cho thấy, việc xã hội hóa bóng đá ở các địa phương cũng còn nửa vời. Doanh nghiệp chỉ tham gia ở phần đỉnh, các tuyến U vẫn do địa phương quản lý, thế nên bản thân các cầu thủ trẻ cũng chẳng ý thức được “màu cờ sắc áo” hay “thương hiệu doanh nghiệp”. Việc quản lý những tuyến trẻ này cũng rất kém như trước nay vẫn thế.
Rõ ràng, việc chỉ chăm bẵm đầu tư cho phần ngọn, việc chuyên nghiệp hóa mang tính hình thức, không liền mạch từ tuyến trẻ đến đỉnh cao, có thể ví là “nước xa không cứu được lửa gần”. Trên xây, dưới phá thì chẳng thể nào đi xa được./.
Theo SGGP