Vừa qua, nhà cầm quân người Tây Ban Nha của CLB Birmingham (Anh) Pep Clotet có một bài viết hết sức xúc động trên một tờ báo hàng đầu nước Anh để nói về “thời khắc cô đơn” của một nhà thể thao chuyên nghiệp.
Clotet viết rằng: “Không ai muốn cuộc đời mình phải trải qua một bài kiểm tra như thế này, nhưng bạn cũng sẽ học được nhiều điều thú vị khi tìm cách thích ứng với nó. Khi bạn không quay cuồng với các trận đấu hết tuần này sang tuần kia, bạn thấy mình còn nhiều việc để làm. Nói cho cùng, bóng đá đâu nằm ngoài cuộc đời thực. Tôi phải nói chuyện với các cầu thủ để giữ tinh thần cho họ, bởi có nhiều người lần đầu tiên phải sống cô độc suốt nhiều ngày liền. Tôi cũng phải làm việc như một số người khác để giải quyết chuyện hợp đồng thi đấu đã hết hạn. Có những lúc như thế này, tôi mới thấy nhiều việc mà tôi phải làm còn quan trọng hơn tìm cách thắng các trận đấu”.
Những suy nghĩ của ông Clotet hoàn toàn tương phản với “cuộc chiến” giữa các CLB và cầu thủ tại Giải ngoại hạng Anh liên quan đến chuyện cắt giảm lương. Tờ Thời báo New York bình luận rằng: “Trong cuộc chiến đó, cả 2 bên đều thua” bởi tranh cãi về chuyện giảm bao nhiêu phần trăm lương, về cơ bản cũng chỉ liên quan đến thu nhập của 2 bên. Nó chỉ khiến cho vai trò và trách nhiệm cộng đồng của bóng đá càng bị đặt dấu hỏi. Rốt cuộc, hành động nhân văn nhất, gần gũi nhất với cuộc chiến chống dịch COVID-19 được ghi nhận khi đội trưởng Henderson của Liverpool cùng tiền đạo Rashford (Man.United) kêu gọi những cầu thủ người Anh đóng góp tiền từ thiện cho Cơ quan Dịch vụ y tế quốc gia, đơn vị tuyến đầu chống COVID-19 tại Anh.
Thế giới thể thao nhà nghề đã biến thành một cỗ máy, chủ yếu để kiếm tiền và quên mất trách nhiệm của mình với chính những người đã đem lại tiền cho mình. Trong khi đó, trên thực tế, khi một biến cố như dịch COVID-19 xảy ra, những trận đấu tạm dừng hay hủy bỏ cũng… không sao cả. Người ta có thể không quan tâm đến chuyện lương bổng cầu thủ, nhưng các hành động vì cộng đồng, đóng góp cho nỗ lực chống COVID-19 chắc chắn sẽ được ghi nhận nhiều hơn là chuyện giảm bao nhiêu phần trăm lương.
Đấy cũng là câu chuyện đáng để suy nghĩ với bóng đá Việt Nam. Dù là môn thể thao số 1 Việt Nam, nhưng vai trò của bóng đá vẫn chưa xứng tầm. V-League có diễn ra hay hủy bỏ cũng không làm quá nhiều người bận tâm, đơn giản vì nhiều đội bóng không hề có CĐV “ruột” của mình. Bên cạnh đó, khá ít đội bóng có lối chơi tấn công, thi đấu nhiệt tình để phục vụ người xem, khiến có những trận đấu chỉ vài trăm khán giả đến sân. Điều này phần nào ảnh hưởng đến cả đội tuyển quốc gia, khi hơn 2 năm qua, HLV Park Hang-seo vẫn khó khăn tìm nguồn cầu thủ bổ sung.
Dịch COVID-19 đã cho thấy, ngay với thể thao nhà nghề, mối quan hệ và cảm xúc giữa con người với con người mới thực sự quan trọng. Chia sẻ khó khăn hay đem đến niềm vui cho xã hội, đó mới là giá trị mang tính kết nối của thể thao./.
Theo SGGP