Khi bóng đá thế giới dừng lại vì dịch Covid-19, ban đầu người ta chỉ thấy mất mát, thiệt hại, nhất là ở khía cạnh tài chính. Nhưng khi những ngày nghỉ càng kéo dài, những cái được lại xuất hiện nhiều hơn.
Ví dụ như một phân tích liên quan đến chuyện lùi EURO 2020 sang năm 2021 chẳng hạn. Thế hệ vàng của bóng đá Bỉ với những Hazard, De Bruyne sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi mà đa số họ đều bước qua tuổi 30 khi đá EURO ở năm 2021. Họ được xem là đội bóng mạnh nhất châu Âu ở thời điểm hiện nay, nhưng 1 năm nữa thì chưa chắc.
Trường hợp của những tài danh như Ronaldo và Luka Modric cũng thế, khi đã ở tuổi 36. Nhưng ngược lại, nhà vô địch thế giới Pháp sẽ có cơ hội thực hiện cú đúp như các năm 1998-2000 bởi thành phần vô địch World Cup 2018 đều rất trẻ, có thêm 1 tuổi cũng chỉ giúp họ mạnh hơn mà thôi. Đấy là chưa nói, sang năm 2021, EURO sẽ chào đón làn gió mới của bóng đá Hà Lan, hay sự nở rộ tài năng của những Haaland, Odegaard đến từ Na Uy, khả năng bình phục chấn thương của Harry Kane và Rashford cùng một đội tuyển Anh giàu kinh nghiệm hơn nhờ… thêm 1 tuổi.
Nhưng điều giúp cho người ta nhìn thấy rõ nhất khi bóng đá phải dừng lại vì dịch bệnh, đó là khoảng cách mênh mông giữa giới chuyên nghiệp và phần còn lại, trong đó có tình người. Trong khi các đội bóng hàng đầu châu Âu tìm cách đưa cầu thủ ra sân, dù không có khán giả, hòng tránh tổn thất doanh thu bản quyền truyền hình thì với những đội bóng từ giải hạng nhất trở xuống, từ chối ngay lập tức phương án đá không khán giả.
Với họ, khán giả là nguồn thu duy nhất, động lực lớn nhất để thi đấu. Trong khi, một vị chủ tịch của giải hạng nhì nước Anh đề nghị mỗi CLB ở giải ngoại hạng nên hỗ trợ cho các đội bóng hạng thấp 2,5 triệu bảng, tránh hàng trăm đội bóng rơi vào tình trạng phá sản, thì 2 đội bóng nhà giàu thành Manchester chỉ mới đóng góp từ thiện 100.000 bảng cho “ngân hàng thức ăn” của thành phố ủng hộ đội ngũ y tế. Khi mà Real Madrid sẵn sàng hiến sân Bernabeu làm khu vực dự bị trong trường hợp thành phố cần nơi cách ly thì “đại kình địch” của họ là các cầu thủ Barcelona lại không đồng ý cắt giảm 70% lương của mình để chia sẻ khó khăn cùng CLB. Trong khi đó, từ nước Anh, cựu HLV của Barca là Pep Guardiola đã đóng góp 1 triệu bảng cho cuộc chiến chống Covid-19 của Tây Ban Nha.
Sự tham lam của ngành công nghiệp bóng đá, những giải đấu triền miên từ năm này sang năm khác đã biến các cầu thủ hàng đầu trở thành một cỗ máy kiếm tiền, trong khi thực tế hàng triệu đồng nghiệp khác của họ đang thi đấu bằng những nguyên tắc cơ bản nhất: Sức khỏe của cộng đồng, sự tồn tại của CLB và niềm vui của khán giả. Ngẫm cho cùng, guồng quay của bóng đá đâu có dừng lại, cái gọi là Mất lúc này sẽ là cái Được ở một thời điểm khác./.
Theo SGGP