Nâng tầm thể thao khu vực

07:03, 03/03/2020

Trong buổi làm việc vừa qua với lãnh đạo các bộ môn dự kiến nằm trong chương trình thi đấu của Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) tại Việt Nam vào năm 2021, lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao đã khẳng định quyết tâm tổ chức một kỳ đại hội thể thao khu vực đổi mới, “công bằng và sòng phẳng”.

Đoàn TTVN diễu hành trong lễ khai mạc SEA Games 2003 tại SVĐ Mỹ Đình. SEA Games 31 là lần thứ hai Việt Nam đăng cai đại hội- Ảnh tư liệu
Đoàn TTVN diễu hành trong lễ khai mạc SEA Games 2003 tại SVĐ Mỹ Đình. SEA Games 31 là lần thứ hai Việt Nam đăng cai đại hội- Ảnh tư liệu

Theo đó, sẽ đưa toàn bộ các môn nằm trong hệ thống Ô-lim-pích vào thi đấu tại SEA Games 31 với số lượng lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đại hội, bảo đảm số lượng môn, nội dung thi đấu như ở các giải đấu châu lục và thế giới, tránh hoàn toàn việc chọn đưa vào thi đấu các môn và nội dung thế mạnh của nước chủ nhà nhằm giành huy chương, trong khi loại bỏ các môn và nội dung thế mạnh của các nước khác, tạo cơ hội tranh huy chương đồng đều cho các đoàn.

Với cam kết nêu trên, Việt Nam quyết tâm đi đầu trong việc đổi mới công tác tổ chức SEA Games. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển, nâng tầm thể thao khu vực trên các đấu trường châu lục và thế giới. Nhìn lại nhiều năm nay, không ít ý kiến trong và ngoài nước đã lên tiếng cảnh báo và phê phán sự hoành hành của “căn bệnh” thành tích khiến một số nước trong khu vực Ðông - Nam Á, thậm chí có trường hợp là nước chủ nhà đăng cai SEA Games tìm mọi cách để “thu gom” huy chương ở đại hội, vì thế đã ảnh hưởng đến không khí đua tranh lành mạnh, tích cực trong thi đấu, khiến thể thao khu vực có nguy cơ trì trệ và ì ạch về thành tích đỉnh cao. Nhiều ý kiến chỉ rõ thực trạng này qua việc lựa chọn môn thể thao trong chương trình đại hội, cung cách đón tiếp, điều hành thi đấu, tạo áp lực cho các vận động viên đối thủ. Thông thường, số lượng, nội dung các môn thi đấu SEA Games phụ thuộc vào ban tổ chức của nước chủ nhà đăng cai. Vì thế đã có những nghi vấn việc cố tình đưa vào chương trình những môn và nội dung thi đấu là thế mạnh, thậm chí vận động để có được cả các môn thể thao “độc đáo”, đồng thời thẳng tay loại bỏ các môn, các nội dung thế mạnh của đối thủ, nhằm giành tối đa số lượng Huy chương vàng (HCV). Thậm chí có ý kiến cho rằng, đây cũng là nguyên nhân quan trọng của thực trạng vận động viên nước chủ nhà thường “thống trị” huy chương ở nhiều môn thi đấu và đoàn thể thao của họ luôn dẫn đầu bảng xếp hạng thành tích với số lượng HCV kỷ lục, tạo khoảng cách biệt so với các đoàn khác.

Việc quá chú trọng thành tích, chạy theo số lượng huy chương mà không phải thực lực, chất lượng chuyên môn, cũng được nhiều chuyên gia, người hâm mộ đánh giá là một trong những nguyên nhân làm thể thao khu vực còn kém phát triển, không tạo được động lực theo tinh thần thể thao Ô-lim-pích, khiến Ðông - Nam Á rơi vào “vùng trũng” của thể thao châu lục, thế giới và SEA Games luôn chỉ được coi là một sân chơi “ao làng”...

Trong những năm gần đây, nhiều ý kiến từ giới chuyên môn, báo chí và người hâm mộ thể thao trong khu vực đã đề cập về vấn đề đổi mới SEA Games, loại bỏ căn bệnh thành tích hình thức để nâng tầm thể thao khu vực. Việc lãnh đạo Tổng cục Thể dục - Thể thao khẳng định quyết tâm tổ chức kỳ SEA Games 31 trên tinh thần thể thao cao thượng và trung thực, tập trung vào những môn Ô-lim-pích, tạo môi trường đua tranh một cách bình đẳng, đã phần nào bắt nhịp được xu thế và mong muốn của thể thao các nước, đồng thời dựa trên nền tảng phát triển cũng như vị thế hàng đầu khu vực hiện tại của thể thao nước ta. Có thể phần nào hiểu được sự tự tin như vậy nếu nhìn vào bước tiến vượt bậc của thể thao Việt Nam trong những năm gần đây, cho thấy những định hướng đúng đắn trong xây dựng phong trào thể thao cơ sở rộng khắp và tập trung đầu tư vào các môn thể thao Ô-lim-pích cơ bản. Kết quả rõ ràng nhất là thành tích nổi bật tại SEA Games 30 vừa qua của thể thao Việt Nam với thành tích xếp thứ hai toàn đoàn. Trong tổng số 98 HCV giành được tại đại hội, các vận động viên môn Ô-lim-pích nước ta đã đóng góp 71 HCV và thống trị ở nhiều nội dung thi đấu, nổi bật là điền kinh và bơi với 25 HCV.

Với kế hoạch sẽ tổ chức Ðại hội thể thao Ðông - Nam Á lần thứ 31 tiệm cận nội dung thi đấu của các đại hội thể thao châu lục và thế giới, chúng ta đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển, tạo đà vươn tầm cho thể thao khu vực, đưa SEA Games trở thành một đại hội mang tính rà soát lực lượng để chuẩn bị cho những sân chơi lớn hơn như ASIAD hay Ô-lim-pích. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu nêu trên, Tổng cục Thể dục - Thể thao nên có những đánh giá kỹ lưỡng về các nội dung thi đấu và khả năng cạnh tranh huy chương của các vận động viên nước ta cũng như của các nước trong khu vực để bảo đảm phù hợp và sự thống nhất khi đưa vào chương trình đại hội. Do sẽ có nhiều nội dung ở các môn Ô-lim-pích nên cần khảo sát để có kế hoạch đầu tư cho cơ sở tập luyện, thi đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian từ nay đến SEA Games 31 không còn nhiều, để những mong muốn thành hiện thực chúng ta cần nhanh chóng bắt tay vào việc.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com