Vòng loại thứ 2 khu vực châu Á sẽ bị hoãn một số bảng đầu, lượt đấu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, bảng G có mặt Việt Nam sẽ hoãn 2 lượt đấu (3 trận đấu) trong tháng 3 và 6 chuyển sang đá lại dự kiến vào tháng 10 và 11.
Tin này, ban đầu được đánh giá là tốt. Dựa trên tình hình chấn thương hiện nay, nếu phải thi đấu ngay trong tháng 3 với Malaysia, HLV Park Hang-seo chắc chắn không có đội hình mạnh nhất. Hơn nữa, V-League khởi đầu muộn, cầu thủ chưa đạt phong độ cao, chắc chắn cũng ảnh hưởng đến năng lực thi đấu trong một trận có tính chất không được phép thua như gặp Malaysia.
Nhưng cạnh mặt tốt thì việc hoãn đá vòng loại cũng gây nhiều vấn đề. Cái có thể thấy ngay được, đó là tình trạng “no dồn, đói góp” mà HLV Park Hang-seo phải đối diện. Thời điểm cuối năm còn có thêm AFF Cup 2020, dự kiến diễn ra vào tháng 12, nghĩa là từ đầu năm cho đến tháng 10, ông Park cùng các cộng sự không phải làm gì. Ngồi không, lãnh lương nhưng không hề thoải mái. Đi xem V-League thi đấu để “chấm” cầu thủ, nhưng có lên danh sách nhưng không thi đấu, không tập huấn thì cũng bằng thừa. Đành rằng các tuyển thủ chấn thương sẽ có thời gian hồi phục, nhưng làm sao biết được khi họ quay lại thi đấu, sẽ không bị… chấn thương? Tóm lại, về lý thuyết thì HLV Park Hang-seo có thêm thời gian, nhưng quỹ thời gian đó buộc VFF phải tính đến chuyện đi tập huấn hoặc tổ chức thi đấu giao hữu để ông Park kiểm tra năng lực cầu thủ. Bằng không sự rãnh rỗi của HLV Park Hang-seo sẽ chẳng đem lại ý nghĩa gì, nhưng sau đó thì “không kịp thở” ở 3 tháng cuối năm.
Một dự báo không tốt khác, đó là khả năng sụt giảm chất lượng của đội tuyển. Một trong những lý do quan trọng để các đội tuyển do HLV Park Hang-seo dẫn dắt thành công trong 2 năm trở lại đây đến từ sự sa sút của các đối thủ. Thái Lan, Indonesia hay cả Malaysia đều trong giai đoạn chuyển giao thế hệ, không có tính ổn định như bóng đá Việt Nam. Nếu xem Việt Nam hiện đang đứng ở đỉnh cao, thì việc không thi đấu một thời gian dài có thể khiến cho chất lượng thi đấu đi xuống, và ngược lại, những đội bóng sa sút sẽ có thời gian để củng cố sức mạnh. Ngoài ra, việc đội tuyển quốc gia không thi đấu ở tháng 3 và 6 ít nhiều cũng khiến bầu không khí bóng đá nội địa trầm lắng, đặc biệt là trên truyền thông và mạng xã hội.
Trước một sự việc mang tính bất khả kháng, điều quan trọng nhất là khả năng ứng xử phù hợp. Ví dụ như V-League, sau những ảnh hưởng chắc chắn là rất lớn từ các trận đấu không khán giả do dịch COVID-19, thì nhà tổ chức cũng phải tính đến phương án khôi phục hình ảnh, mối quan tâm của công chúng tới V-League trong bối cảnh mà đội tuyển không tập trung. Không có các trận đấu của đội tuyển cũng là dịp để người ta có đánh giá toàn diện hơn tầm ảnh hưởng của V-League đối với đời sống người dân. Lúc này không thể “đổ lỗi” là người hâm mộ chỉ quan tâm đến thầy trò ông Park mà “bỏ lơ” bóng đá nội./.
Theo SGGP