Huyện Xuân Trường từ lâu đã nổi tiếng với nhiều môn thể thao truyền thống như bơi chải, võ vật, cờ bỏi… được tổ chức gắn với lễ hội ở các làng: Xuân Hy (Xuân Thuỷ), An Cư (Xuân Vinh), Xuân Bảng (thị trấn Xuân Trường), Ngọc Tiên (Xuân Hồng)…
Thi bơi chải đứng trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng. |
Ngay sau Tết Nguyên đán hàng năm, UBND xã Xuân Hồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Xuân Trường duy trì tổ chức thi đấu kéo co với sự tham gia của 6 giáp: Giáp Cựu, giáp Đông Đoài, giáp Ninh Thọ, giáp Phố, giáp Phú Yên 1 và giáp Phú Yên 2. Đây là một trong những hoạt động thể thao truyền thống đặc sắc tại lễ hội làng Ngọc Tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 15 tháng Giêng để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng đã có công xây dựng làng, xã. Địa điểm thi đấu là một dải đất dài nằm giữa hai con mương phía trước Chùa Ngọc Tiên, vị trí này không những tạo thuận lợi cho người xem mà còn giúp cuộc thi đấu diễn ra an toàn, đẹp mắt. Mỗi giáp cử 15 người tham gia thi đấu là những thanh niên khỏe mạnh, được tuyển lựa kỹ càng. Trước khi thi đấu các đội đều tiến hành tập luyện trong khoảng 1 tháng để làm quen với những nhịp giữ, giằng, tiếng hò lấy sức… Các đội sẽ thi đấu liên tục trong 3 ngày theo thể thức vòng tròn, đội cao điểm nhất sẽ dành chức vô địch. Huyện Xuân Trường còn là cái nôi của vật Trà Lũ xưa gồm các xã Xuân Trung, Xuân Phương, Xuân Bắc với nhiều đô vật nổi tiếng trong làng vật cả nước. Hình ảnh những đô vật lực lưỡng biểu diễn những điệu xe đài, cuốn chỉ và tranh tài trong tiếng trống vật đã trở thành nét đẹp trong các lễ hội làng An Cư (Xuân Vinh) vào mùng 6, 7 tháng Giêng và làng Xuân Bảng (thị trấn Xuân Trường) vào ngày 11 và 12-2 âm lịch… Để phát triển môn vật cổ truyền, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện thành lập các câu lạc bộ võ thuật, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua các câu lạc bộ võ thuật này, nhiều võ sinh có thể hình tốt, có sức mạnh và niềm say mê với môn vật đã được các huấn luyện viên tuyển chọn, bồi dưỡng. Hàng năm, các câu lạc bộ đều tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng, chiến thuật cũng như điều lệ thi đấu để các vận động viên tham gia các giải tỉnh đạt kết quả cao. Ngoài ra, việc tổ chức các giải cờ tướng, cờ trình, cờ người xuất hiện nhiều trong lễ hội mùa xuân như Giải cờ tướng trong Lễ hội Đền An Cư vào mùng 6 tháng Giêng, Giải cờ bỏi trong Lễ hội làng Ngọc Tiên vào rằm tháng Giêng. Người chơi đều là những cờ thủ lão luyện, có trình độ cao, từng đoạt nhiều giải thưởng tại giải cờ tướng huyện đã đem lại sự hấp dẫn ở từng ván đấu, thu hút đông người xem.
Đặc sắc hơn cả là bơi chải đứng ở lễ hội Chùa Keo làng Hành Thiện (Xuân Hồng) được tổ chức vào trung tuần tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ Đức thánh Thiền sư Không Lộ. Khác với nhiều địa phương trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng, bơi chải tại lễ hội Chùa Keo Hành Thiện là chải đứng. Hiện tại, tham gia giải bơi chải đứng có 15 chải đại diện cho 15 xóm trong làng và được chia cho ba giáp: giáp Bắc có 7 chiếc, giáp Đông có 3 chiếc, giáp Nam có 5 chiếc. Các thuyền chải đều đóng theo mẫu thống nhất, cấu trúc theo hình con thoi, dài 12m, chia 5 khoang đều nhau. Khoang giữa sâu nhất mạn cao 40cm và rộng 120cm; vuốt hẹp và nông dần về hai phía mũi và đuôi thuyền được chạm hoa cúc vàng ở trên mặt, bịt sắt thạch đồng ở đầu mũi thuyền. Hai bờ mạn đuôi thuyền nhô cao, lượn tròn gọi là tai tượng (tai voi) ghi tên phe xóm bằng sơn vàng. Phần lớn thuyền chải bằng gỗ vàng tâm, gỗ dổi, gỗ găng; tất cả đều sơn đen mài bóng cả hai mặt ngoài và trong thuyền, viền son tươi hai bên mạn thuyền. Tại hội thi, mỗi thuyền có 10 người là trai tráng trong xóm; không được thuê, mượn tay chải xóm khác. Sau khi phát lệnh, các đội phải bốc thăm vị trí xuất phát; không được vượt nhau trong sông con ở làng (sông hẹp). Khi ra đến sông Ninh Cơ, cuộc đua diễn ra với 3 vòng trên sông, tổng chiều dài chặng đường 35-40km, thời gian đua kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ. Đội đua giành chiến thắng được ấn định bằng cách chạm vào cây Nêu cắm dưới sông làm mốc. Giải đua chải hàng năm đều thu hút sự tham gia của người dân thôn quê và những người con quê hương đang sinh sống, làm ăn ở khắp mọi nơi về tham gia, cổ vũ. Mặc dù giá trị vật chất của phần thưởng dành cho đội thắng cuộc chỉ mang tính chất động viên khích lệ nhưng mỗi khi hiệu lệnh phát ra, các tay chèo đều dồn sức lên cánh tay theo lệnh cờ sai, theo nhịp trống giục, mõ thúc, sục chèo, đẩy nước đẩy thuyền. Người xem đứng đông nghịt hai bên bờ sông, cổ động viên bơi thuyền theo hoặc chạy theo chải của đội mình để động viên kịp thời trong tiếng trống đánh liên hồi, dồn dập hoà với tiếng reo hò cổ vũ của người xem tạo không khí vô cùng huyên náo, sôi động. Vào mỗi dịp lễ hội, hoạt động bơi chải trở thành một nét đẹp không thể thiếu, bởi đây là nét đẹp văn hoá, là dịp người dân tưởng nhớ công lao của ông cha đã có công quai đê, lấn biển nên thu hút rất đông con em quê hương và khách thập phương đến dự.
Các môn thể thao truyền thống phát triển tạo sự gắn kết trong cộng đồng và tình cảm gắn bó với quê hương của mỗi người dân. Do vậy, các địa phương trong huyện xác định tiếp tục tạo nhiều cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội cho việc khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên; đưa một số môn thể thao như: võ vật, cờ tướng vào các tiết học ngoại khoá nhằm phát hiện vận động viên tài năng để bồi dưỡng trở thành hạt nhân cho phong trào thể thao của huyện. Hy vọng rằng với sự quan tâm, đầu tư của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn việc khôi phục và phát triển các môn thể thao truyền thống sẽ được giữ gìn, phát triển trở thành nét văn hóa đặc trưng của huyện./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh