Điều gì giúp cho Son Heung-min có thể trở thành cầu thủ châu Á thành công nhất ở giải Ngoại hạng Anh, hay giúp cho các cầu thủ tuổi teen như Erling Haaland, Mbappe… được chơi bóng đỉnh cao khi chỉ mới 16-17 tuổi và tỏa sáng ở đẳng cấp Champions League khi mới 19?
Ảnh/ Internet |
Theo nhà quản lý của CLB B.Dortmund, họ ưu tiên tuyển dụng cầu thủ trẻ trên nền tảng tốc độ. Như đã biết, đội bóng nước Đức là hình mẫu trong việc phát hiện và khiến những ngôi sao tiềm năng trở thành các bản hợp đồng khủng chỉ sau một thời gian ngắn. Ngôi sao trẻ người Na Uy vừa ghi 2 bàn vào lưới PSG tại Champions League là một ví dụ tiêu biểu. Chiều cao gần 1m90, tốc độ nước rút không kém một ngôi sao chạy 100m của điền kinh, Haaland đã chơi bóng chuyên nghiệp khi mới 15 tuổi và hiện đã có 10 bàn ở Champions League dưới nhiều màu áo. Giả sử không có nền tảng thể chất phát triển như vậy, làm sao những Haaland hay Mbappe có thể thi đấu sớm ở những môi trường khắc nghiệt nhất?
Trường hợp của Son Heung-min cũng thế. Cầu thủ châu Á có kỹ thuật tốt thì nhiều, nhưng đủ sức tranh chấp sòng phẳng, tốc độ cực nhanh, chạy không biết mệt như Son thì rất hiếm. Nhờ vậy mà ngôi sao Hàn Quốc mới trở thành huyền thoại châu Á ngay khi anh vẫn còn đang chơi bóng.
Bóng đá hiện đại là vậy, thể chất là yếu tố bắt buộc nếu muốn thành công. Thể hình thấp bé, dù kỹ thuật có giỏi đến đâu, thì chắc chắn vẫn sẽ không có tốc độ cao, mà tốc độ di chuyển lại là yếu tố quan trọng trong chiến thuật bóng đá hiện đại. Những nhân vật như Messi thì trăm năm có một. Ngược lại, mô tuýt thành công dễ học theo nhất phải nói đến Ronaldo, người có tài năng đến từ tập luyện và có nền thể lực sung mãn.
Nên một cầu thủ như Công Phượng mà sang châu Âu, rõ ràng là đã thấy bất hợp lý ngay từ đầu, chưa cần xét về năng lực hay khả năng thích ứng. Ngược lại, nếu kiên trì thì cơ hội của trung vệ trẻ Đoàn Văn Hậu vẫn còn rộng mở. Sự khác nhau nằm ở thể chất của 2 cầu thủ Việt Nam, điều đó thể hiện phần nào ở số thời gian được chơi bóng giữa 2 cầu thủ này tại châu Âu trong thời gian qua.
Rất tiếc là ở Việt Nam, khâu tuyển sinh cũng như chế độ dinh dưỡng trong đào tạo đến nay vẫn bị bỏ qua theo kiểu cố ý hoặc bị xem nhẹ. Do yếu tố chi phí, các CLB chỉ tuyển sinh từ lứa tuổi U.15 trở lên và chủ yếu xét tuyển dựa trên chuyên môn để có khả năng sử dụng cao nhất. Trong khi đó, nếu tuyển sinh từ khi còn bé, có chế độ dinh dưỡng tốt, thì những cầu thủ trẻ có thể cải thiện thể chất đáng kể, qua đó có thể chơi bóng chuyên nghiệp sớm hơn, thay vì phải đợi đến 20-21 tuổi như hiện nay. Ví dụ Đoàn Văn Hậu mới 18 tuổi đã khoác áo quốc gia, đá ở AFC ChampionsLeague cũng chính là nhờ sự khác biệt về thể hình. Năm 11 tuổi, Hậu đã gia nhập lò đào tạo của Hà Nội, 13 tuổi đã lên đá cho U.15 và 17 tuổi đã được đá đội 1 của Hà Nội./.
Theo SGGP