Lại lo trọng tài

08:02, 07/02/2020

Vừa qua, tại buổi kiểm tra bắt buộc đối với các trọng tài trước mùa giải mới, có đến 10 trọng tài không qua nổi phần thi thể lực, trong đó có những cái tên kỳ cựu như Nguyễn Trọng Thư, Hoàng Phạm Công Khang… 

Dự định tốt đẹp của Công ty VPF khi kiểm tra một trọng tài nữ để có thể điều hành tại giải hạng nhất cũng không thành. Trợ lý Hà Thị Phượng không đạt bài kiểm tra. Đây mới là phần thể lực. Chỉ có trọng tài đạt luôn phần lý thuyết (luật và phân tích tình huống) thì mới được phân công làm việc ở mùa giải 2020.

Tất nhiên, đây chỉ mới đủ tiêu chuẩn, còn thực tế điều hành trận đấu lại cần thêm yếu tố kinh nghiệm, bản lĩnh, vốn là yêu cầu quan trọng nhất của một người làm công tác “cầm cân, nẩy mực”.

Những thông tin nói trên một lần nữa khiến người ta lo lắng về chất lượng trọng tài Việt Nam. Ở Vòng chung kết U.23 châu Á vừa qua, không có trọng tài Việt Nam nào được phân công, trong khi trưởng ban điều hành giải đấu lại là ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch VFF.

Theo quy định, chỉ có các trọng tài cao cấp của AFC (AFC Elite) mới được chọn lựa. Việt Nam chưa từng có trọng tài được bắt chính ở U.23 châu Á hay Asian Cup.

Lần gần nhất, một trọng tài Việt Nam bắt chính tại giải đấu của AFC là Võ Minh Trí (vòng loại U.19 châu Á 2017). Ông Trí thuộc nhóm Elite và đã từng thổi AFC Champions League nhưng đã nghỉ hưu. Hiện Việt Nam có 5 trọng tài FIFA, nhưng chỉ có ông Ngô Duy Lân đạt AFC Elite. Vấn đề là ông này chưa cầm còi tại các giải đấu cấp CLB của châu Á.

Có câu nói “bóng đá nào, thì trọng tài ấy”. Phải chăng trọng tài Việt Nam không được đánh giá cao do nền bóng đá không tốt? Trong vài mùa giải gần đây, Công ty VPF đã không còn mời trọng tài ngoại sang cầm còi tại V-League. Có thể là do chất lượng trọng tài Việt Nam đã tốt hơn, nhưng cũng có thể những trận đấu không còn tính quyết liệt, căng thẳng như trước nữa.

Thực tế thì 2 lý do ấy đều đúng. Trọng tài có giỏi nhưng nếu chất lượng của các trận đấu không cao thì về lâu dài, tay nghề cũng sẽ không phát triển, không đủ năng lực để thổi các trận quốc tế. Trình độ giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi, dẫn đến sai sót khi điều hành các trận đấu trong nước, một phần nguyên nhân khiến cho bóng đá Việt Nam kém phát triển.

Nói cách khác, mọi thứ cần được đồng bộ và có sự đầu tư đúng mức. Không thể dồn hết nguồn lực, sự quan tâm cho đội tuyển quốc gia mà thờ ơ với V-League, với bóng đá trẻ, với đội ngũ trọng tài. Mọi thành tố trong bóng đá đều liên quan mật thiết với nhau.

Rất hiếm khi một trọng tài đến từ nền bóng đá kém phát triển lại được mời điều hành giải đấu đỉnh cao. Ngược lại, khó có chuyện một nền bóng đá hàng đầu mà lại không có đại diện tham gia cầm còi ở giải đấu quốc tế.

Thế nên, mối lo về trọng tài cũng là một dấu hiệu cảnh báo cho bóng đá Việt Nam, nhất là sau khi đội U.23 chơi không thành công ở giải châu Á, còn V-League thì chưa có tín hiệu đổi mới mạnh mẽ nào./.

Theo SGGP

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com