Thể thao Việt Nam khẳng định vị thế

07:12, 13/12/2019

Vượt lên vị trí thứ hai toàn đoàn với 98 Huy chương vàng (HCV), 85 Huy chương bạc (HCB), 105 Huy chương đồng (HCĐ), trong đó có nhiều môn thể thao Ô-lim-pích không những hoàn thành chỉ tiêu mà còn vượt sâu về thành tích, lập kỷ lục đại hội, nhất là “cú đúp” HCV bóng đá nam, nữ, thể thao Việt Nam đã khẳng định vị thế hàng đầu ở khu vực.

Đội tuyển điền kinh Việt Nam dẫn đầu thành tích tại SEA Games 30 Phi-li-pin 2019.
Đội tuyển điền kinh Việt Nam dẫn đầu thành tích tại SEA Games 30 Phi-li-pin 2019.

Qua đó, cho thấy những đầu tư đúng hướng của ngành thể thao và sự chung tay góp sức xã hội hóa đang mang lại hiệu quả.

Sau hơn hai tuần tranh tài (một số môn thi đấu trước ngày khai mạc), SEA Games 30 với nhiều môn, phân môn và nội dung thi đấu nhất trong lịch sử đại hội thể thao khu vực tại Phi-li-pin đã kết thúc. Đây cũng là lần đầu, thể thao Phi-li-pin đã có những thành công vang dội so với những kỳ SEA Games trước đây. Nhìn lại hai kỳ SEA Games năm 1991 và năm 2005 khi họ đăng cai thì số lượng HCV cũng chỉ đạt tới mức 91 HCV và 112 HCV.

Lần này, ở SEA Games 30, Ban tổ chức nước chủ nhà Phi-li-pin đã đưa vào nhiều nội dung thi đấu ở 56 môn và phân môn thể thao với 530 HCV, 528 HCB và 725 HCĐ, đưa kỳ SEA Games lần này trở thành đại hội thể thao khu vực lập kỷ lục về các nội dung thi đấu. Cũng vì vậy, Đoàn thể thao Phi-li-pin đã vượt xa về số lượng HCV mà họ giành được, đoạt ngôi vô địch toàn đoàn với 149 HCV, 117 HCB, 121 HCĐ vượt xa Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ hai đến 51 HCV. Nước chủ nhà dẫn đầu ở nhiều môn thi đấu sở trường như: võ gậy (11 HCV), khiêu vũ thể thao (10 HCV), thể thao điện tử (10 HCV), u-su (năm HCV), giu-gít-su (năm HCV), bi-a (bốn HCV), bóng rổ (bốn HCV). Họ đã phần nào khẳng định được thế mạnh của mình ở các môn thể thao cơ bản trong thi đấu Ô-lim-pích như: điền kinh (11 HCV), bốc-xinh (bảy HCV)…

Tuy nhiên, qua những ngày tranh tài vừa qua, cũng có thể thấy Phi-li-pin không mạnh ở một số môn Thế vận hội khi chỉ giành được một HCV môn bơi, một HCV bắn cung, hai HCV thể dục dụng cụ, hai HCV cử tạ. Mặc dù có điều kiện và thuận lợi để tạo cho mình lợi thế đạt thành tích cao hơn ở nhiều môn như: trượt băng nghệ thuật, bóng ném bãi biển hoặc cu-rát, pen-cắc si-lát, song Phi-li-pin đã khiêm nhường và thực tế hơn, chấp nhận vị thế thứ yêu để đoàn thể thao các nước có cơ hội vượt lên, mang về nhiều HCV hơn. Qua đó, Ban tổ chức nước chủ nhà đã phần nào xóa đi những hình ảnh về một kỳ đại hội thể thao “nặng về thành tích” mà không thực chất, điều mà không phải nước chủ nhà SEA Games nào cũng làm được.

Trong nhiều năm qua, Đoàn thể thao Thái-lan luôn dẫn đầu về số lượng HCV, nhất là ở những môn Ô-lim-pích, thậm chí vượt qua cả nước chủ nhà ở một số đại hội trước đây. Ở SEA Games 30, Thái-lan đã không thể hoàn thành chỉ tiêu đề ra là đoạt được 120 HCV để về thứ hai toàn đoàn trên bảng xếp hạng thành tích huy chương (giành được 92 HCV, 103 HCB, 123 HCĐ) và có nhiều môn thể thao để các đoàn khác vượt qua, qua đó tụt xuống vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng. Cũng phải nói rõ hơn, việc đội tuyển cử tạ của họ bị cấm tham dự đại hội do phát hiện sử dụng đô-pinh là một thiệt thòi lớn khiến số lượng HCV bị giảm sút.

Theo xu hướng phát triển và đầu tư mạnh mẽ cho thể thao của các nước Đông- Nam Á những năm qua cho thấy, SEA Games 30 tiếp tục phản ánh những thay đổi của “bản đồ thể thao” khu vực. Với tư cách là nước chủ nhà tổ chức ASIAD 2018, những tưởng In-đô-nê-xi-a sẽ có thành công rực rỡ tại SEA Games 30 với lực lượng hùng hậu, nhưng họ cũng chỉ xếp thứ tư toàn đoàn với 72 HCV, 84 HCB, 111 HCĐ. Cuộc cạnh tranh giữa hai nền thể thao là Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po cũng bất phân ngã ngũ khi nước chủ nhà của SEA Games 2017 là Ma-lai-xi-a cũng chỉ hơn được đối thủ cạnh trạnh có hai HCV (55 HCV so với 53 HCV), trong khi số lượng huy chương của họ đã giảm gần hai phần ba so với kỳ đại hội tổ chức trên sân nhà. Ngoài sáu nước dẫn đầu, năm nước còn lại trong khu vực vẫn giành được rất ít HCV tại SEA Games 30 như Mi-an-ma và Cam-pu-chia cùng giành bốn HCV, Bru-nây giành hai HCV, Lào chỉ có một HCV, thậm chí Ti-mo Lét-xtê còn không giành được HCV và chỉ có được một HCB, năm HCĐ.

Tại SEA Games 30, Đoàn thể thao Việt Nam đã thi đấu xuất sắc về thứ hai toàn đoàn với số lượng HCV vượt trội, cách xa Thái-lan đến sáu HCV khi không phải là nước chủ nhà. Nổi bật nhất là lần đầu trong lịch sử đại hội, cả hai đội bóng đá nam và nữ đã đoạt hai tấm HCV quý nhất đại hội. Việc đội tuyển U22 Việt Nam lần đầu giành HCV môn bóng đá nam sau 60 năm chờ đợi tại SEA Games 30 đã khép lại một năm thành công của bóng đá nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung. Niềm vui lớn là bóng đá nữ lập kỷ lục, trở thành đội bóng duy nhất trong lịch sử SEA Games lần thứ sáu đoạt ngôi vô địch. Nhìn lại hành trình đến “ngôi Vương” và “ngôi Hậu” mới thấy được sự gian nan và những nỗ lực của hai đội tuyển bóng đá nước ta.

Sáu lần giành quyền vào chung kết SEA Games, lần gần nhất cách đây đã 10 năm, người hâm mộ Việt Nam mới được chứng kiến niềm vui chiến thắng của các cầu thủ tại SEA Games. Tấm HCV bóng đá nam càng có giá trị khi Việt Nam giành thắng lợi cách biệt 3-0 trước In-đô-nê-xi-a ở trận chung kết. Việt Nam là đội bóng duy nhất tại SEA Games bất bại để khẳng định giá trị chiến thắng. Chiến công này là sự nối tiếp chiến công của bóng đá nam Việt Nam sau những thành công của hai năm vừa qua, tạo đà cho chiến thắng trên sân chơi SEA Games và một lần nữa khẳng định sức mạnh, đẳng cấp và vị thế hàng đầu của bóng đá nước ta.

Dưới sự dẫn dắt của HLV tài ba Pắc Hang-xo, đội tuyển U22 đã vượt qua bảng B môn bóng đá nam SEA Games được đánh giá là bảng đấu “tử thần” khi góp mặt các đội bóng mạnh nhất như U22 Thái-lan, U22 In-đô-nê-xi-a và “ngựa ô” Cam-pu-chia với bốn trận thắng, một trận hòa. Tiếp tục hành trình bất bại ấy là hai chiến thắng vang dội ở vòng bán kết và chung kết, thắng một cách thuyết phục khiến các đối thủ của mình phải “tâm phục, khẩu phục” để đăng quang ngôi vô địch xứng đáng. Bên cạnh những thắng lợi của bóng đá nam, đội tuyển bóng đá nữ của HLV kỳ cựu Mai Đức Chung cũng không phụ tình cảm và sự quan tâm của người hâm mộ cả nước, bất bại ở vòng bảng trước hai đội tuyển nữ mạnh là In-đô-nê-xi-a và Thái-lan để có số điểm cao nhất, đoạt ngôi đầu bảng vào bán kết, rồi thắng thuyết phục đội tuyển nữ nước chủ nhà Phi-li-pin. Ở trận chung kết giàu cảm xúc, các nữ tuyển thủ Việt Nam đã thi đấu lăn xả với tinh thần quyết chiến trong suốt 120 phút thi đấu, bất chấp những chấn thương và thắng đội tuyển nữ Thái-lan, đội bóng đã vào đến vòng chung kết World Cup 2019, mang vinh quang về cho Tổ quốc trước sự khâm phục của bạn bè quốc tế.

Cùng với bóng đá, thể thao Việt Nam cũng cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ và bền vững trong những năm qua, nhất là ở các môn thể thao Ô-lim-pích. Nhiều đội tuyển không những hoàn thành chỉ tiêu đề ra mà còn vượt sâu về thành tích, nổi trội là ngôi đầu bộ môn tại đại hội như đội tuyển điền kinh có 16 HCV, đội tuyển vật có 12 HCV bên cạnh các đội tuyển bơi có 11 HCV, môn cu-rát có bảy HCV, võ gậy có bốn HCV, cử tạ có bốn HCV... Sự toàn diện của thể thao Việt Nam còn thể hiện với HCV lịch sử ở môn quần vợt đơn nam và việc lần đầu tiên bóng rổ nam đã giành được huy chương tại đại hội.

Là môn thi đấu cho thấy sức mạnh của một nền thể thao, điền kinh Việt Nam một lần nữa đứng đầu khu vực bất chấp hàng loạt VĐV nhập tịch được các nước trong khu vực đưa vào thi đấu. Hình ảnh “Nữ hoàng tốc độ” Tú Chinh vượt qua VĐV người Mỹ Crít-ti-na Clốt của nước chủ nhà chỉ 1% giây để giành tấm HCV 100 m nữ danh giá nhất của môn điền kinh đã là nguồn động viên rất lớn đối với các tuyển thủ điền kinh Việt Nam sau đó giành thêm nhiều HCV. Sự thành công của điền kinh Việt Nam có công đóng góp lớn của nhóm các VĐV cự ly trung bình. “Bông hồng thép” Nguyễn Thị Oanh trong một ngày vô địch ở cả hai cự ly đòi hỏi cả sức bền lẫn tốc độ là 5.000 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật. Nguyễn Thị Huyền giành hai HCV bằng mồ hôi và cả nước mắt sau những ngày xa con nhỏ mới sinh để trở lại tập luyện. Có thể kể đến nỗ lực của nhóm VĐV vô địch cả hai nội dung tiếp sức 4x400m của nam và nữ cho thấy đội tuyển điền kinh Việt Nam có lực lượng rất hùng hậu, có sự kế cận của những tuyển thủ kỳ cựu và lứa trẻ. Giành 16 HCV, 12 HCB và 10 HCĐ điền kinh Việt Nam khẳng định sự đồng đều, đủ sức cạnh tranh ở hầu hết nội dung tại đại hội.

Vật - môn thể thao truyền thống của Việt Nam, đang là nội dung chính thức có trong chương trình thi đấu Ô-lim-pích mang lại thành công rực rỡ. Từ những sới vật trước sân đình, các đô vật Việt Nam ngày nào đóng khố, se đài trong các hội làng đã giành tới 12 trong tổng số 14 HCV SEA Games 30, góp công lớn đưa Việt Nam xếp hạng nhì toàn đoàn, khẳng định ưu thế của vật Việt Nam trên đấu trường khu vực. Với ba nội dung thi đấu là vật tự do của nam, nữ và vật cổ điển nam, môn vật sẽ có hơn 20 bộ huy chương trên sân nhà Việt Nam ở kỳ SEA Games 31 năm 2021, hứa hẹn đóng góp thành tích quan trọng cho thể thao nước ta.

Trên đường đua xanh của SEA Games 30. Tuy chỉ giành được có sáu HCV cũng là thành công đáng ghi nhận của Ánh Viên nếu nhớ lại một thời gian dài hàng chục năm Việt Nam từng không thể giành nổi dù chỉ một HCV bơi tại SEA Games. Thành tích này đã được ghi nhận khi Ánh Viên được vinh danh là nữ VĐV xuất sắc nhất của đại hội. Qua thi đấu ở SEA Games 30, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam đã nhận ra hướng đầu tư chiều sâu để Ánh Viên vươn tầm châu lục và thế giới. Bên cạnh Ánh Viên, Nguyễn Huy Hoàng phá kỷ lục SEA Games - giành vé dự Ô-lim-pích 2020; kình ngư trẻ 16 tuổi Trần Hưng Nguyên phá kỷ lục SEA Games của đàn anh Kim Sơn cho thấy bơi lội Việt Nam đang phát triển, đủ lực lượng tốt hướng tới tương lai...

Với sự phát triển kinh tế của đất nước trong những năm qua đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể thao Việt Nam, tạo điều kiện quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, tập luyện, thi đấu. Có thể thấy điều này ở việc đầu tư cho bóng đá, quần vợt, bóng rổ để hướng tới chuyên nghiệp Việt Nam, là bệ phóng cho các tuyển thủ nước ta thi đấu thành công trên các đấu trường khu vực và châu lục thời gian qua. Việc nhiều quốc gia trong khu vực, điển hình là điền kinh Phi-li-pin, Thái-lan, bóng bàn Xin-ga-po nhập tịch các VĐV gốc Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Phi khiến các cuộc tranh tài SEA Games ngày càng quyết liệt. Thế nên những HCV của Tú Chinh hay của bóng bàn đôi nam của Nguyễn Anh Tú - Đoàn Bá Tuấn Anh mới thấy hết được giá trị và vinh quang mà họ mang về cho Tổ quốc. Xã hội hóa cũng là hướng đi đúng đắn để chúng ta sẽ có thêm nhiều hơn những VĐV đẳng cấp.

Điều đáng tiếc tại SEA Games 30 là một số môn thể thao Ô-lim-pích như bắn súng, cờ vua, vốn là thế mạnh của thể thao Việt Nam đã không thể giành HCV. Xạ thủ duy nhất từng vô địch Ô-lim-pích Hoàng Xuân Vinh sau khi lên đỉnh cao thế giới đã không còn giữ được phong độ ở cả đấu trường châu Á và Đông-Nam Á. Kể từ khi trở lại đấu trường SEA Games, bắn súng luôn là môn giữ trọng trách giành HCV cho thể thao Việt Nam, cho nên việc không giành HCV tại đại hội lần này cần đánh giá khách quan để có được hướng đi đúng đắn. Cờ vua, môn thể thao đã khẳng định trí tuệ Việt Nam trên đấu trường thể thao châu lục, thế giới lại trắng tay tại Phi-li-pin cũng là điều cần suy nghĩ của các nhà chuyên môn.

Thể thao Việt Nam nhiều năm qua vẫn đứng giữa sự lựa chọn khó khăn là đầu tư cho VĐV ở các môn thể thao Ô-lim-pích để vươn tới đỉnh cao tại các đại hội thể thao châu lục và thế giới hay là tập trung lực lượng để duy trì thành tích tốp ba đoàn dẫn đầu SEA Games. Khác với hầu hết các nước trong khu vực, kinh phí để đầu tư cho thể thao Việt Nam luôn có hạn, buộc phải lựa chọn một mục tiêu nhất định.Từ thành công tại SEA Games vừa qua, ngành thể thao cần hướng tới những mục tiêu xa hơn, mà trước mắt là Ô-lim-pích 2020. Từng nhiều năm phải dự Ô-lim-pích bằng xuất đặc cách, Việt Nam đã và đang có những VĐV vượt qua vòng đấu loại, giành huy chương ở đấu trường này, thậm chí là HCV, nhưng muốn thành công, các VĐV cần được đầu tư tập trung và có điều kiện tập luyện chuyên nghiệp, cọ xát quốc tế nhiều hơn.

Việt Nam đã nhận cờ đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại Hà Nội và các vùng lân cận. Nhưng để SEA Games 31 là kỳ đại hội thành công trong mắt bạn bè quốc tế đòi hỏi nguồn lực quốc gia. Chúng ta cần học hỏi, rút kinh nghiệm từ công tác tổ chức của Phi-li-pin, nước chủ nhà SEA Games 30 để có được một đại hội thể thao khu vực thật sự công bằng, hướng tới thực chất, góp phần phát triển, đưa thể thao Đông - Nam Á thoát khỏi “vùng trũng” của châu lục và thế giới. Thời gian không còn nhiều, hành trình tới SEA Games 31 đòi hỏi những nỗ lực không ngừng nghỉ.

Theo qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com