Với những thương vụ đình đám, Thành phố Hồ Chí Minh đang trở thành tâm điểm của V-League 2020 sau khi Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh quyết định tăng cường lực lượng nhằm đổi màu chiếc huy chương bạc của mùa trước.
Việc nâng cấp đội hình không đồng nghĩa với khả năng thành công. Bài học của bóng đá Thanh Hóa trong 5 năm gần đây cho thấy xu hướng “dùng tiền mua danh hiệu” không hiệu quả.
Hơn nữa, cho dù Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều tiền để mua tất cả cầu thủ giỏi nhất của V-League hiện nay thì chất lượng của họ vẫn khó vượt qua nhà vô địch Hà Nội, đội bóng có thể cùng lúc tung ra sân 2 Quả bóng vàng Việt Nam (Thành Lương, Quang Hải), 9 tuyển thủ quốc gia và U23. Đó là chưa kể lợi thế mà Hà Nội có, các câu lạc bộ khác không có là giả thuyết “1 ông chủ, nhiều đội bóng”.
Nhưng có nhiều lý do mà lãnh đạo Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh phải đổ tiền rất nhiều cho chuyển nhượng dù biết rõ khả năng vô địch vẫn rất khó khăn. Đầu tiên là họ không có thời gian.
Gần 10 năm qua, hệ thống đào tạo của bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không thể hồi phục như thời hoàng kim. Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh buộc phải chọn cách mà Hà Nội T&T từng làm, đó là mua cầu thủ giỏi phù hợp với chiến lược phát triển để tạo thêm thời gian cho hoạt động đào tạo trẻ.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn, đó là đáp ứng được “cơn khát” bóng đá của người hâm mộ Thành phố Hồ Chí Minh. Mùa trước, sân Thống Nhất đã có nhiều trận đấu sống lại với thời xưa cũ, với khán đài chật kín người khi Thành phố Hồ Chí Minh tuyên bố sẽ đua vô địch với Hà Nội.
Số khán giả trung bình mùa trước của Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh là 6.769 người/trận, cao nhất kể từ khi Cảng Sài Gòn xuống hạng. Điều này cho thấy người thành phố rất mong muốn được xem bóng đá nội dù họ không thiếu điều kiện giải trí.
Cũng cần biết rằng, cách đây 2 mùa giải, lượng khán giả bình quân của Hà Nội chỉ đạt 6.000 người/trận dù đội bóng thủ đô luôn đạt thành tích tốt suốt cả chục năm trước đó. Như vậy, chưa biết cuộc đua vô địch mùa tới ra sao nhưng chắc chắn là Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành công về khía cạnh khán giả khi họ thể hiện tham vọng của mình, đồng thời chiêu mộ khá nhiều ngôi sao đang được yêu mến như Công Phượng, Bùi Tiến Dũng, Võ Huy Toàn…
Nói gì thì nói, bóng đá chuyên nghiệp được đánh giá không chỉ là danh hiệu, mà phải thu hút được sự quan tâm của khán giả. Với bóng đá Sài Gòn, điều đó lại càng quan trọng.
Sân Thống Nhất không chỉ cần sáng đèn vào mỗi cuối tuần, mà phải trả lại cho nó bầu không khí đã từng khiến nhiều địa phương khác phải ngưỡng mộ.
Không thể có chuyện sân Thống Nhất được lấp đầy dù chỉ là đội U22 đá giao hữu, nhưng lại vắng tanh khi V-League thi đấu. Các đội bóng trước đây như Navibank Sài Gòn, rồi Sài Gòn FC đã từng tốn kém để… thuê người làm cổ động viên nhằm tạo không khí, nhưng kết quả vẫn rất kém. Chính vì thế, dù việc mua sắm cầu thủ của Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn là không ít tiền nhưng xét về lâu dài, đó lại là một khoản đầu tư hợp lý.
Hơn nữa, trong bối cảnh mà Hà Nội FC vẫn duy trì sức mạnh về con người, thì nếu có được sự ủng hộ của khán giả, Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh mới có hy vọng tạo ra sự cân bằng trong cuộc đua vô địch. Ít ra, đó cũng là lợi thế duy nhất mà họ có./.
Theo SGGP