1. Đội tuyển Việt Nam vào tứ kết ASIAN Cup sau 12 năm

Mở đầu cho năm 2019 chính là việc đội tuyển Việt Nam tham dự VCK Asian Cup. Sau 12 năm, đội bóng áo đỏ mới có dịp trở lại đấu trường lớn nhất dành cho các đội tuyển quốc gia châu Á.

 Đội tuyển Việt Nam vào tứ kết ASIAN Cup. Ảnh: Tiến Tuấn.
Đội tuyển Việt Nam vào tứ kết ASIAN Cup. Ảnh: Tiến Tuấn.

Sau khi thua ngược Iraq 2-3, Việt Nam tiếp tục thất bại 0-2 dưới tay ứng viên hàng đầu Iran. Tuy nhiên, đội đã đánh bại Yemen 2-0 để đi tiếp với tư cách một trong bốn đội xếp thứ ba đạt thành tích tốt nhất. Ở vòng 1/8 với Jordan, Việt Nam thắng luân lưu 4-2 sau khi hòa 1-1 trong 120 phút.

Dù dừng bước ở tứ kết, khi thua Nhật Bản 0-1 vì quả phạt đền được xác định bởi VAR nhưng đây là lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam vào đến tứ kết sân chơi cao nhất châu lục. Trước đó, năm 2007, đội tuyển Việt Nam đã vào đến vòng tứ kết của Asian Cup 2019 sau khi vượt qua vòng đấu bảng với những Iran, Iraq, Yemen trước khi đánh bại Jordan tại vòng 1/8.

2. Các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại

Ngay sau VCK Asian Cup, hai cầu thủ Việt Nam đã được các CLB nước ngoài liên hệ. Muangthong United chi ra 500.000 USD để mua lại hợp đồng giữa thủ môn Đặng Văn Lâm và Hải Phòng. Tiếp đến, tiền vệ Lương Xuân Trường đầu quân cho Buriram United theo dạng cho mượn một năm. Nhưng, anh chỉ trụ lại nửa mùa, trước khi bị dừng hợp đồng.

Tháng 7-2019, Nguyễn Công Phượng ký hợp đồng với CLB Bỉ Sint-Truiden. Tuy nhiên, con đường "du học" của Phượng khá lận đận. Gần đây, CLB TP Hồ Chí Minh đã “giải cứu” khi mua lại nửa năm hợp đồng của Công Phượng với Sint-Truiden, để đưa tiền đạo gốc Nghệ An trở về V-League 2020.

Tháng 9, hợp đồng xuất ngoại đáng giá nhất thuộc về Đoàn Văn Hậu, khi đến Heerenveen SC với phí mượn 1,4 triệu USD trong một năm. Tuy nhiên, hậu vệ này mới chỉ ra sân thi đấu ở 4 phút cuối trận.

Tính đến thời điểm hiện tại, Văn Lâm là người duy nhất trong 4 cái tên kể trên khẳng định được mình khi ra nước ngoài. Trong khi đó, Xuân Trường, Công Phượng trở về Việt Nam còn Văn Hậu cần thêm thời gian để được Heerenveen SC trao cơ hội.

3. HLV Park Hang - seo gia hạn hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam

Trong hơn hai năm làm việc, từ tháng 10-2017, HLV Park Hang - seo giúp bóng đá Việt Nam liên tiếp lập kỳ tích ở các giải U23 châu Á, Asian Games, AFF Cup, Asian Cup... đồng thời, chơi ngang hàng trước các đối thủ mạnh nhất châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Iraq...

Thông qua nhiều cuộc đàm phán, thương lượng về nhiều mặt như chế độ lương thưởng, tầm nhìn phát triển dài hạn, mục tiêu trong giai đoạn 2-3 năm tới của Việt Nam, HLV sinh năm 1959 đã quyết định ký hợp đồng có thời hạn 3 năm.

4. Việt Nam thắng lớn ở AFF Awards

Tại lễ vinh danh AFF Awards, bóng đá Việt Nam đoạt những danh hiệu ở các hạng mục ấn tượng nhất. HLV Park Hang - seo trở thành HLV xuất sắc nhất giai đoạn 2018 – 2019. Đội tuyển Việt Nam với chức vô địch AFF Cup 2018 với thành tích bất bại cả giải được vinh danh là đội tuyển bóng đá nam xuất sắc nhất Đông Nam Á. Ngoài ra, Quang Hải đã vượt qua ngôi sao Chanathip Songkrasin để trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á.

5. Bóng đá nam, nữ Việt Nam giành HCV ở SEA Games

SEA Games 2019 là kỳ đại hội thành công nhất với Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó với riêng bóng đá, lần đầu tiên trong lịch sử, bóng đá nam và bóng đá nữ Việt Nam cùng đoạt huy chương vàng SEA Games.

Nếu như U22 Việt Nam có tấm HCV đầu tiên trong lịch sử sau 60 năm chờ đợi thì đội tuyển nữ Việt Nam trở thành đội bóng đoạt nhiều HCV nhất (6 HCV) tại SEA Games.

6. Việt Nam đứng đầu bảng vòng loại World Cup 2022

Rơi vào bảng đấu được xem là tử thần của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á nhưng đội tuyển Việt Nam lại đang xếp trên cả Thái Lan, UAE, Malaysia và Indonesia với thành tích bất bại.

Qua năm trận, Việt Nam có ba trận thắng và hai hòa, vững chắc trên ngôi đầu bảng. ĐT Việt Nam đã có 11/15 điểm tối đa, qua đó đứng trước cơ hội chưa từng có để lọt vào vòng loại cuối cùng dành cho 12 đội châu Á mạnh nhất.

7. Việt Nam khiến vị thế của Thái Lan suy giảm

Năm 2019 chứng kiến vị thế của Thái Lan bị suy giảm nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong những màn đấu tay đôi với Việt Nam. Tại vòng loại U23 châu Á 2020, U23 Việt Nam thắng 4-0 U23 Thái Lan. Đó cũng là tỷ số có cách biệt lớn nhất mà một đội Việt Nam có thể tạo ra trước Thái Lan trong lịch sử.

Tại King’s Cup, Thái Lan lại thua Việt Nam ngay trên chính sân nhà của mình. Đó cũng là thất bại đầu tiên ở cấp độ ĐTQG mà Thái Lan phải chịu trước Việt Nam sau 11 năm, kể từ trận thua tại Rajamangala năm 2018. Cũng chính sự sa sút như vậy, LĐBĐ Thái Lan đã phải chi ra không ít tiền để mời HLV Akira Nishino về dẫn dắt Thái Lan. Nhưng cả 3 lần đối đầu với ông Park Hang Seo, HLV Nishino không tài nào giúp Thái Lan có được chiến thắng.

8. Mùa giải kỷ lục của Hà Nội FC

Với lực lượng gồm nhiều tuyển thủ quốc gia như Văn Quyết, Quang Hải, Hùng Dũng, Đức Huy..., Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vương, bất chấp sự vươn lên của CLB TP Hồ Chí Minh. Thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm đã chơi rất tốt ở 3 đấu trường. Hà Nội FC không chỉ có lần đầu tiên lập cú đúp danh hiệu quốc nội (V.League và Cúp Quốc gia) mà còn vào đến trận chung kết liên khu vực (tương đương với bán kết) AFC Cup.

Hà Nội FC tạo nên kỷ lục chưa từng có đối với một CLB Việt Nam trong một mùa giải. Cụ thể, Hà Nội FC đã thi đấu đến 47 trận, vượt qua cột mốc 41 trận của B.Bình Dương năm 2009.

Theo qdnd.vn