Trước khi giành vé đến Olympic Tokyo 2020, Lê Thanh Tùng đã giành Huy chương Vàng SEA Games, Huy chương Vàng giải vô địch châu Á, Huy chương Vàng Cúp thế giới…
Khi đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam lên đường sang Đức tranh tài ở Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới 2019, không mấy ai nghĩ sẽ có tuyển thủ nước nhà giành vé chính thức dự Olympic Tokyo 2020. Thế nhưng vào tối 7-10, Lê Thanh Tùng đã thi đấu rất thành công ở nội dung nhảy chống, lọt tốp 8 vận động viên xuất sắc nhất vào chung kết. Đấu chung kết, Lê Thanh Tùng đứng thứ 5 với 14.633 điểm. Theo quy định của Liên đoàn thể dục dụng cụ thế giới, tại Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới 2019, 3 vận động viên đứng đầu mỗi nội dung sẽ giành vé trực tiếp đến Olympic Tokyo 2020 nhưng ở nội dung nhảy chống, do 3 vận động viên xếp đầu đã có vé từ trước đó, nên các vận động viên xếp sau, trong đó có Tùng, nghiễm nhiên đoạt vé đến Thế vận hội mùa hè 2020.
14.633 là số điểm tương đối cao ở nội dung nhảy chống tại giải vô địch thế giới. Số điểm này tuy chưa thể giúp tuyển thủ Thành phố Hồ Chí Minh đoạt huy chương nhưng đã giúp Tùng bay đến đấu trường danh giá Thế vận hội.
Đây cũng là lần đầu tiên, thể dục dụng cụ Việt Nam có một vận động viên nam vào chung kết đơn nam tại giải vô địch thế giới. Điều đó càng cho thấy giá trị thành tích của tuyển thủ quốc gia họ Lê này. 24 tuổi nhưng đã có tới 20 năm Lê Thành Tùng ăn tập thể dục dụng cụ. Hồi nhỏ (năm 4 tuổi), Tùng đã được anh trai đưa đến nhà thi đấu để chơi và ngay lập tức bị thu hút bởi những động tác vừa khỏe vừa khéo của các vận động viên thể dục dụng cụ. Thấy bé Tùng nhanh nhẹn, sáng dạ, huấn luyện viên ở trung tâm cho cậu tập thử và ngay lập tức nhìn ra “ngọc thô”. Năm 7 tuổi, Lê Thanh Tùng lọt vào nhóm vận động viên trẻ trọng điểm, thường xuyên được đưa đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc. 8 năm trời đằng đẵng tập luyện, sinh hoạt nơi đất khách, Tùng chỉ được về nhà ít ngày vào dịp Tết Nguyên đán.
Thành công nào cũng có giá của nó. Với các vận động viên thể dục dụng cụ, thành công phải đánh đổi bằng tuổi thơ, tuổi thanh xuân. Và nếu không may bị chấn thương, coi như sẽ mất hết. Chứng kiến Lê Thanh Tùng tập luyện, mới thấy hết độ khó của bài tập nhảy chống. Có lẽ nhảy chống là một trong những nội dung khó nhất của thể dục dụng cụ. Đây cũng là nội dung khiến vận động viên dễ bị chấn thương nặng nhất. Nhưng để trở thành một vận động viên toàn năng thì Lê Thanh Tùng phải giỏi đủ ngón nghề. Xem tuyển thủ quốc gia này luyện tập bài nhảy ngựa tay quay, mới thấy sự khổ luyện của Tùng và các tuyển thủ quốc gia khác. Một tay chống giữ cơ thể thăng bằng song song mặt đất, còn hai chân cho gọn trong một cái… xô có móc treo. Cứ thế, Tùng và đồng đội tập động tác giữ thăng bằng này hàng nghìn lần.
Có lần, Lê Thanh Tùng tâm sự với tôi: “Dân thể dục dụng cụ bọn em động tác khó không ngại đâu. Bởi theo thống kê, vận động viên lại dễ mắc lỗi, gặp chấn thương ở những động tác đơn giản”. Thôi thì không biết đơn giản đến đâu, khó đến nhường nào nhưng sau mỗi buổi tập, bao giờ Tùng và đồng đội cũng mướt mồ hôi.
Tùng bảo: “8 năm ăn tập ở Trung Quốc chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ nhà” nhưng càng nhớ nhà Tùng càng lao vào tập luyện, lấy nỗi nhớ nhà, nhớ người thân làm động lực tập luyện. Mỗi lần chấn thương là một lần thử thách, nhưng Tùng luôn trở nên mạnh mẽ hơn sau khi bình phục chấn thương.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang, người thầy lâu năm của Lê Thanh Tùng cho hay: “Độ khó trong động tác nhảy chống là trở ngại đối với mọi vận động viên thể dục dụng cụ. Các động tác trên không và tiếp đất sẽ quyết định thành công cho vận động viên, nên sự khổ luyện là điều vô cùng quan trọng”. Số điểm 14.633 ở Giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới 2019 đã nói lên sự khổ luyện, đẳng cấp của Lê Thanh Tùng./.
Theo qdnd.vn