Đã 53 năm trôi qua, song cựu kỷ lục gia châu Á môn bơi Vũ Thị Sen và huấn luyện viên (HLV) bóng chuyền hàng đầu Nguyễn Mạnh Hùng vẫn vẹn nguyên ký ức về lần được gặp Bác Hồ sau Đại hội Thể thao Các nước mới trỗi dậy (Ganefo) năm 1966.
Họ đã trọn đời khắc ghi lời Bác dạy, luôn rèn luyện, phấn đấu trong sự nghiệp và cuộc sống để trở thành hình mẫu của thể thao Việt Nam về sự tận tụy, niềm đam mê cùng đóng góp to lớn.
Kỷ lục gia bơi châu Á Vũ Thị Sen
Vũ Thị Sen là vận động viên (VĐV) tiêu biểu được vinh dự gặp Bác Hồ không phải một mà thậm chí tới hai lần-điều mà khi còn nhỏ, cả trong mơ bà cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới. Lần thứ nhất vào tháng 11-1965, nữ kình ngư lúc đó 17 tuổi,được tham dự khi đoàn VĐV bơi, bóng bàn Trung Quốc đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp đoàn sang Việt Nam du đấu.
Vận động viên Nguyễn Thị Sen đứng cạnh Bác Hồ trong bức ảnh nổi tiếng của thể thao Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Đặc biệt hơn là lần thứ hai vào chiều 19-12-1966, không lâu sau chiến tích giành 1 HCV, 1 HCB tại Ganefo 1966 ở Campuchia, Vũ Thị Sen cùng các tuyển thủ xuất sắc được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Như một giấc mơ, gương mặt nữ duy nhất trong đoàn còn được ưu tiên ngồi cạnh Bác, được Người ân cần hỏi chuyện về tập luyện, thi đấu và ngợi khen khi biết rằng VĐV bơi trẻ quê Nam Định đã mang về cho Tổ quốc hai tấm huy chương giá trị.
Kể từ đó cũng như trong suốt cuộc đời VĐV, bà Sen luôn khắc sâu những lời căn dặn của Bác dành cho các thành viên của đoàn đại biểu thể thao mà cũng là với tất cả những người làm thể thao: “Phải luôn mang tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản” và “hoạt động, phát triển thể thao cũng chính là một công tác cách mạng”.
Hôm đó, Vũ Thị Sen là một trong 4 gương mặt tuyển thủ ưu tú (cùng với hai xạ thủ Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng; VĐV điền kinh Trần Hữu Chỉ) được tặng Huy hiệu Bác Hồ, được chụp ảnh chung với Người. Bức ảnh này đã trở thành kỷ vật quý giá của thể thao Việt Nam, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Olympic Việt Nam. Còn tấm Huy hiệu Bác Hồ, bà Sen luôn gìn giữ như báu vật.
Vũ Thị Sen là kình ngư được phát hiện, bồi dưỡng thành tài từ phong trào ở địa phương bơi điểm số 1 Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đó là xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng, Nam Định), nơi có đến 2.000 người biết bơi và hội thao bơi ở đây thu hút tới 700 người tham dự. Bắt đầu tập luyện từ năm 1960 tại hồ bơi hết sức đơn giản, Vũ Thị Sen nhanh chóng cho thấy tố chất hiếm có, liên tục tạo ra những bước đột phá.
Đến năm 1965, tay bơi nữ thành Nam đã hoàn toàn không có đối thủ ở miền Bắc, rồi đạt đến đỉnh cao tại Ganefo 1966 trên đất Campuchia với 1 HCV, 1 HCB, trong đó có một thông số phá kỷ lục châu Á ở nội dung 200m ếch (3 phút 03 giây 01).
Kể từ khi được gặp Bác, nghe những lời chỉ dạy của Người, dù còn rất trẻ nhưng Vũ Thị Sen thực sự hiểu, thấm thía về lý tưởng, vai trò, trách nhiệm của VĐV. Bà Sen tự hào bởi cả đời bà luôn phấn đấu làm theo lời dạy của Bác Hồ, để xứng đáng là một VĐV, một cán bộ tiêu biểu của ngành thể thao. Không chỉ nổi bật về thành tích mà Vũ Thị Sen còn là mẫu hình chuẩn về ý thức công dân, thái độ chuyên nghiệp: Luôn tập luyện thi đấu hết mình với tính kỷ luật, tự giác, học hỏi và sáng tạo.
Tinh thần ấy tiếp tục được bà Vũ Thị Sen phát huy suốt đời. Sau khi nghỉ hưu, ở vị trí của một chuyên viên bộ môn hay Chánh văn phòng Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam, bà đều luôn mẫn cán, tận tụy, bền bỉ và không câu nệ bất cứ công việc gì.
Hiện tại, bà Sen vẫn duy trì rèn tập thể thao hằng ngày, tranh thủ thời gian để dạy bơi miễn phí cho trẻ em mà như tâm sự của bà thì đơn giản bởi đó là “nghiệp đời”.
Người con của thành Nam kể, cứ mỗi khi đến dịp 19-5 hay 2-9, bà lại nhớ Bác khôn nguôi. “Tôi nhớ mãi kỷ niệm được dùng cơm cùng Bác. Hồi đó, các anh Trần Oanh, Nguyễn Mạnh Hùng, Hữu Chỉ nhường tôi vinh dự được ngồi ăn cơm gần Người. Bữa cơm đó cả đời tôi không bao giờ quên. Vừa dùng cơm cùng chúng tôi, Bác Hồ vừa ân cần hỏi chuyện tôi giành được hai huy chương ở Ganefo như thế nào, bà Sen nhớ lại.
HLV bóng chuyền Nguyễn Mạnh Hùng
Cũng tại Ganefo 1966 trên đất Campuchia, dù mới 17 tuổi, lại chưa dự tranh một giải đấu quốc tế nào, song Nguyễn Mạnh Hùng đã thi đấu rất xuất sắc, góp công lớn giúp bóng chuyền nam đoạt tấm HCĐ, chỉ xếp sau Trung Quốc và Triều Tiên. Kết thúc giải không lâu, Nguyễn Mạnh Hùng vinh dự tham gia đoàn đến báo công với Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch vào chiều 19-12.
Huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hùng dù ở tuổi 70 nhưng vẫn mong muốn được cống hiến cho thể thao nước nhà. Ảnh: VIỆT CƯỜNG |
Không nổi bật như xạ thủ Trần Oanh, kình ngư Vũ Thị Sen nhưng Nguyễn Mạnh Hùng được Bác ân cần nắm tay và hỏi thăm riêng khi là thành viên trẻ tuổi nhất. Ông Hùng vẫn nhớ như in mình đã tự hào, xúc động đến nghẹn ngào và bật khóc lúc được Bác ân cần hỏi thăm. Và lời dặn dò của Bác đã “ghi tâm khắc cốt” với cầu thủ trẻ này: “Thể thao cũng là một công tác cách mạng”, thế nên các VĐV, nhất là VĐV trẻ phải luôn có tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”.
Được gặp Bác là dấu ấn cuộc đời của ông Hùng. Ông hiểu sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của một VĐV và luôn rèn luyện, phấn đấu theo những lời dạy của Bác.
Từ tuyển thủ 17 tuổi, giờ đây Nguyễn Mạnh Hùng đã là HLV bóng chuyền có thâm niên, thành tích số một ở Việt Nam. Chiến tích dẫn dắt tới 3 CLB vô địch quốc gia hay đưa cả hai đội tuyển bóng chuyền nam, nữ quốc gia giành huy chương SEA Games của ông trở thành những cột mốc khó ai theo kịp.
Tuy nhiên, điều cốt yếu nhất làm nên đẳng cấp, phẩm chất đặc biệt chính là niềm đam mê, bền bỉ với nghiệp bóng chuyền, thể thao của ông. Tuyển thủ Nguyễn Mạnh Hùng tập luyện, thi đấu đến năm 40 tuổi mới nghỉ để chuyển sang làm HLV. Và hiện tại, ở tuổi 70, ông thầy kỳ cựu này vẫn miệt mài truyền lại kinh nghiệm thi đấu, huấn luyện cho lớp VĐV, HLV đàn em.
Lãnh đạo, đồng nghiệp và các học trò đều rất kính nể HLV Nguyễn Mạnh Hùng bởi ông lúc nào cũng khiêm tốn, giản dị, chưa bao giờ từ chối hay nhụt chí trước bất cứ công việc gian khó nào. Ở cấp CLB, có khoảng thời gian Bưu điện Hà Nội điều chuyển ông qua lại đội nam và đội nữ tới vài lần. Còn ở tầm quốc gia, đang dẫn dắt đội nữ "ngon lành", ông nhận lời sang làm HLV đội nam lúc đó đang bất lực tìm kiếm một tấm huy chương SEA Games. Quan trọng hơn, ở đâu ông cũng chứng tỏ sự tận tâm, khả năng tập hợp, phát huy năng lực cầu thủ hiếm có của mình. Người ta ví ông như vua Midas, đụng tay vào đâu cũng có thành tích. Sự so sánh đó có lẽ chỉ dựa vào tài năng, kinh nghiệm mà chưa thấy hết tình yêu và sự khổ luyện phía sau.
Tình yêu thể thao của HLV Nguyễn Mạnh Hùng đã được truyền lại cho hai con trai. Trong khi Nguyễn Duy Quang từng nổi danh trong màu áo Thể Công thì Nguyễn Quang Vinh lại gắn bó với Bưu điện Hà Nội, rồi Tràng An Ninh Bình... Từng bôn ba qua nhiều đội bóng, không biết bao lần ông Hùng tìm đến nhà các VĐV có năng khiếu, thuyết phục bố mẹ cho các cháu theo nghiệp bóng chuyền. Không ít phụ huynh còn băn khoăn nhưng khi hỏi: “Con ông làm nghề gì?”, HLV Nguyễn Mạnh Hùng hãnh diện đáp lời: “Hai con trai tôi theo nghiệp bóng chuyền” thì các bậc phụ huynh đều yên tâm giao con cho ông.
Thời gian gần đây, vì lý do sức khỏe, ông Hùng phải tạm dừng công tác chuyên môn song vẫn luôn đau đáu với bóng chuyền. Trò chuyện với ông đúng dịp Giải bóng chuyền VTV Cup 2019 diễn ra, ông bảo: “Tôi xem mấy trận của đội tuyển nữ Việt Nam ở VTV Cup 2019 thấy đỡ mệt hẳn trong người. Tôi vẫn nghiên cứu tài liệu, nếu sức khỏe tốt hơn sẽ viết sách, cố gắng đóng góp thêm chút gì đó cho sự nghiệp bóng chuyền Việt Nam nói riêng, thể thao nước nhà nói chung”. Ông Hùng nói khiêm tốn vậy thôi nhưng ai cũng biết, ở tuổi 70, HLV Nguyễn Mạnh Hùng vẫn được biết đến với biệt danh "hotboy" của làng bóng chuyền Việt Nam, bởi với tài năng, kinh nghiệm của mình, ông đi đến đội bóng nào là mang về thành tích cho đội bóng đó.
Nhớ lại những nụ cười, trăn trở, suy tư và khát khao cống hiến của những người như cựu tuyển thủ Vũ Thị Sen, HLV Nguyễn Mạnh Hùng, tôi trộm nghĩ, các cô, các chú đã một đời cống hiến cho thể thao nước nhà, một đời làm theo lời Bác. Lớp trẻ như chúng tôi còn phải cố gắng, nỗ lực tận cùng mới mong được một phần như các cô, các chú-những tấm gương tiêu biểu của thể thao nước nhà.
Theo qdnd.vn