Thời gian qua, nhiều đội bóng đá phong trào trên địa bàn tỉnh được thành lập và thường xuyên tổ chức các giải thi đấu, giao lưu, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia.
Thành phố Nam Định là đơn vị có phong trào bóng đá phát triển mạnh. Từ những năm 1990, các hoạt động giao lưu, các giải đấu bóng đá thường niên được tổ chức sôi nổi. Đến thời điểm này, bóng đá phong trào của thành phố đã có bước phát triển theo xu hướng chuyên nghiệp hóa, duy trì hệ thống giải quy mô, bài bản. Hàng năm, Hội bóng đá phong trào Quảng trường Hoà Bình tổ chức Giải bóng đá siêu phủi Nam Định thu hút 12 câu lạc bộ bóng đá tham dự. Giải thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm xếp hạng. Các trận đấu được tổ chức ngày càng bài bản; có trọng tài điều khiển, bình luận viên; truyền hình trực tiếp trên các trang mạng xã hội, thu hút đông khán giả theo dõi cổ vũ. Anh Nguyễn Phương, đại diện ban tổ chức giải cho biết: Đến với giải đấu, anh em rất phấn khởi vì đúng với đam mê của mình và được thi đấu giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, trong từng trận đấu, ban tổ chức cũng như vận động viên các đội đều thể hiện sự quyết tâm, tinh thần thể thao đoàn kết - trung thực - cao thượng.
Một trận thi đấu bóng đá tại Giải bóng đá thiếu niên Thành phố Nam Định năm 2019. |
Gần 10 năm qua, giải đấu được duy trì ngày càng quy mô hơn; từ khâu tổ chức đến tinh thần tham gia của các đội bóng, thái độ thi đấu nghiêm túc của cầu thủ; tạo sân chơi mới cho người hâm mộ bóng đá. Ngoài ra, hàng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Thông tin thành phố đều tổ chức Giải bóng đá thiếu niên. Giải bóng đá thiếu niên thành phố năm 2019 có sự tham dự của 24 đội bóng các xã, phường, mỗi đội 10 vận động viên. Các đội tham dự chia thành 8 bảng, thi đấu theo hình thức vòng tròn tính điểm để chọn các đội nhất bảng vào tứ kết, bán kết và chung kết diễn ra vào đúng Ngày giải phóng thành phố (1-7). Trước đó, các xã, phường đều tổ chức giải nhằm tuyển chọn các “cầu thủ nhí” có năng khiếu đá bóng, đồng thời cử cộng tác viên bóng đá có trình độ, nhiệt tình bồi dưỡng kỹ năng cho các cầu thủ. Giải năm nay có chất lượng chuyên môn cao hơn năm trước do có số đơn vị xã, phường tham dự đông hơn, số lượng cầu thủ có chất lượng cũng nhiều hơn; từ đó, nhiều tài năng bóng đá được phát hiện, tuyển chọn vào các đội tuyển U13, U17 của tỉnh. Ở các huyện, các hoạt động thi đấu, giao lưu bóng đá thanh, thiếu nhi cũng được nhiều xã, thị trấn tổ chức sôi nổi từ đầu tháng 6 đến nay. Nhiều địa phương có phong trào bóng đá phát triển mạnh như các xã: Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Trung, Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc); Thị trấn Cồn (Hải Hậu); Giao Phong, Hoành Sơn, Giao Thịnh, Giao Lạc (Giao Thuỷ); Nam Tiến, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực); Trung Thành, Thành Lợi, Đại An (Vụ Bản)… đã tổ chức giải bóng đá thiếu nhi. Kinh phí tổ chức giải từ ngân sách của các địa phương, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội; qua đó tạo sân chơi bổ ích lý thú cho thế hệ trẻ trong những ngày hè. Trên nền tảng phong trào bóng đá phát triển mạnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2019 từ ngày 24-6 đến 26-6. Giải có sự tham gia của 5 đội bóng nhi đồng, 5 đội bóng thiếu niên của các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Xuân Trường, Nam Trực, Giao Thủy và 2 trung tâm bóng đá: Cotokin, Bóng đá học đường.
Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo sân vận động trung tâm; tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp thể thao tư nhân xây dựng hàng chục sân bóng đá cỏ nhân tạo đạt chuẩn. Thành phố Nam Định hiện có khoảng 15 sân, mỗi sân đầu tư khoảng 500 triệu đồng với điện chiếu sáng; giá thuê các sân cỏ từ 200-300 nghìn đồng/trận. Các phường Lộc Vượng, Lộc Hạ, Trần Đăng Ninh và các xã: Lộc An, Lộc Hoà, Mỹ Xá… đều có sân bóng rộng hàng nghìn m2 phục vụ thanh, thiếu niên tập luyện. Trên địa bàn phường Cửa Nam có sân bóng đá cỏ nhân tạo Vườn Xoài do cựu cầu thủ Bùi Quang Huy làm chủ đầu tư luôn thu hút khoảng 20 câu lạc bộ bóng đá của Thành phố Nam Định thi đấu giao hữu. Khu vực sân Cotokin, đường Trần Đăng Ninh có 5 sân bóng đá cỏ nhân tạo, thu hút hàng trăm thanh, thiếu niên tập luyện mỗi ngày… Ở huyện Hải Hậu, hiện có 35 sân vận động, 85 sân bóng đá mi ni ở các khu dân cư; trong đó, ông Nguyễn Đức Lợi xây dựng 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo tại Thị trấn Cồn từ năm 2018; bà Lò Thị Kim Dung đầu tư 1,5 tỷ đồng xây dựng 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo có diện tích 2.400m2 tại xã Hải Sơn; Công ty Cổ phần Xây dựng Hoàng Giang có 2 sân bóng đá cỏ nhân tạo ở khu vực trung tâm huyện. Trên diện tích khu thể thao trung tâm rộng gần 8.000m2, huyện Giao Thủy đã xây dựng 4 sân cỏ nhân tạo hiện đại, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ các trận đấu bóng đá. Huyện Nam Trực có khoảng 30 sân vận động, 187 sân bóng đá khu dân cư, 7 sân bóng đá cỏ nhân tạo. Cơ sở vật chất được xây dựng hoàn thiện là điều kiện để thành lập các câu lạc bộ, đội bóng đá thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có gần 400 câu lạc bộ bóng đá thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được thành lập và hoạt động với số lượng hàng nghìn cầu thủ bóng đá phong trào. Thành phố Nam Định phát triển mạnh nhất với 30 câu lạc bộ bóng đá do Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Thông tin thành phố quản lý. Ngoài ra, thành phố còn có hàng chục đội bóng đá thanh niên thuộc các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Huyện Ý Yên có gần 30 câu lạc bộ bóng đá thanh niên, thiếu niên tập trung nhiều ở Thị trấn Lâm và các xã: Yên Khánh, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Ninh... Huyện Nam Trực có hơn 20 câu lạc bộ bóng đá thanh niên, thiếu niên các xã, thị trấn, trong đó ở Thị trấn Nam Giang, các xã: Nam Mỹ, Nam Tiến, Nam Hồng có nhiều câu lạc bộ bóng đá các khu dân cư. Huyện Mỹ Lộc hiện có hàng chục câu lạc bộ bóng đá thanh niên, thiếu niên, nhi đồng ở 11 xã, thị trấn; nhiều xã có trên 2 câu lạc bộ bóng đá thiếu niên: Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Tiến…
Phong trào tập luyện, thi đấu bóng đá phát triển rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh, thu hút đông đảo thanh, thiếu nhi tham gia, có tác dụng nâng cao sức khỏe, rèn luyện lối chơi tập thể, tinh thần đoàn kết. Việc tổ chức thi đấu giao lưu giữa các câu lạc bộ, đội bóng đá giữa các địa phương phục vụ nhân dân trong những dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh có ý nghĩa khích lệ, động viên phong trào bóng đá phát triển. Thời gian tới, các ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, mở thêm các sân bóng đá cỏ nhân tạo; thu hút các đơn vị, doanh nghiệp vào cuộc thông qua việc tài trợ, thành lập các đội bóng đá; đưa phong trào bóng đá ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh