Để tăng thêm sự công bằng cũng như tính minh bạch của các trận đấu, người ta đưa công nghệ vào. Dù có nhiều tranh cãi, nhưng VAR (trợ lý video) đã cho thấy sự có mặt của nó mang nhiều điểm cộng.
Trong bối cảnh mà chất lượng trọng tài vẫn là điểm tồn đọng qua nhiều mùa giải, các nhà tổ chức V-League 2019 dự định áp dụng VAR, nhưng đến nay, có vẻ như tính khả thi không cao.
Về lý thuyết, sự khác biệt của VAR và trọng tài bình thường, đó là sự đa dạng về các góc quan sát. Trọng tài dù giỏi đến mấy cũng không thể theo kịp các diễn biến trên sân, kể cả có những giải đấu sử dụng đến 6 trọng tài cho mỗi trận. Tuy nhiên, với điều kiện tại Việt Nam, chưa chắc là các góc quay video đã tốt hơn tầm quan sát của trọng tài. Mà một khi đã áp dụng VAR, thì không thể nói rằng, “chỉ có tình huống nào thấy rõ mới xử lý, không thì thôi”. Ngoài ra, cũng không thể có chuyện VAR chỉ được áp dụng trên một số sân.
Ở góc độ rộng hơn, VAR chỉ là một công nghệ mang tính hỗ trợ, nghĩa là chỉ bổ khuyết cho một số điểm hạn chế của các trọng tài con người, chứ không làm thay được. Như vậy, cho dù có VAR hay không VAR thì chất lượng trọng tài vẫn phải được cải tiến. Trọng tài càng giỏi thì càng ít phải dùng đến VAR, điều này vẫn quan trọng hơn cả. Nhưng như đã biết, chỉ mới qua 3 vòng đầu tiên mà V-League đã phải kỷ luật đến 3 trọng tài, chưa kể đến gần chục trận đấu có sự phàn nàn đến từ các đội bóng. Tỷ lệ sai sót đến mức ấy thì với điều kiện kỹ thuật hạn chế hiện nay, khả năng áp dụng VAR là không khả thi.
Nói câu chuyện về VAR để thấy rằng, ở bóng đá Việt Nam đang tồn tại nhiều khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế. Lấy ví dụ, ai cũng muốn đội tuyển bóng đá quốc gia mạnh, sở hữu được nhiều nhân tài, nhưng sự đầu tư cho V-League thì rất hạn chế. Chúng ta sẵn sàng ngưng giải đấu này đến 4 tuần lễ nhằm giúp huấn luyện viên Park Hang-seo có thời gian để rèn giũa các cầu thủ U.22 nhiều hơn. Mô hình tập trung dài ngày này đã từng bị phê phán trước đây, nay được tái lặp mà chẳng thấy ai phản biện. Gần 20 năm trước, huấn luyện viên A.Riedl đã từng than thở: “Tôi không hiểu các câu lạc bộ làm gì, nhưng khi lên tuyển, gần như tôi phải chỉ bảo cầu thủ mọi thứ”.
Hoặc như chuyện cho phép câu lạc bộ Than Quảng Ninh sử dụng sân Cửa Ông làm sân nhà trong thời gian sân Cẩm Phả đang sửa chữa. Một sân bóng thường chỉ được dùng cho bóng đá nữ, hoặc các trận đấu địa phương nhưng vẫn đường hoàng được cấp phép bất chấp không đủ tiêu chuẩn về mặt cỏ, khán đài, an toàn… Những yếu tố dành cho thi đấu còn không xong, đừng mong sẽ đủ điều kiện ghi hình và áp dụng VAR.
Năm nay, ở vòng chung kết Giải U.19 quốc gia đang thi đấu tại Gia Lai, trong số 8 đội bóng, có đến 6 đội là tuyến trẻ của các câu lạc bộ đang đá ở V-League. Đây là một sự tiến bộ đáng ghi nhận đối với công tác đào tạo trẻ. Tuy nhiên, cũng chỉ là những cái tên quen thuộc như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội, Viettel, Sông Lam Nghệ An, Bình Dương, SHB Đà Nẵng. Nghĩa là gần chục năm trôi qua, cũng chỉ chừng đó câu lạc bộ chịu đầu tư cho những tuyến U, tạm hiểu là họ làm bóng đá lâu dài trong khi V-League thì có đến 14 đội bóng từ bấy lâu nay.
Một nền bóng đá mà đụng chỗ nào cũng cứ khập khiễng, thiếu đồng bộ như vậy thì công nghệ tiên tiến mấy cũng chào thua./.
Theo SGGP