Để chuẩn bị cho vòng loại Olympic Tokyo 2020 và SEA Games 30-2019, ngành thể thao đã quyết định đầu tư trọng điểm cho 66 vận động viên (VĐV) và 27 huấn luyện viên (HLV) kể từ tháng 3 này.
Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Tổng cục Thể dục, thể thao (TDTT) xây dựng chương trình đầu tư trọng điểm cho các HLV và VĐV, vốn được chọn lựa chủ yếu dựa trên tiềm năng đoạt thành tích cao ở đấu trường quốc tế như SEA Games, giải châu Á, giải thế giới và đấu trường Olympic. 27 HLV và 66 VĐV ở 18 môn thể thao mũi nhọn gồm: Điền kinh, bơi, bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, cầu lông, rowing, canoeing, xe đạp, taekwondo, judo, karate, pencak silat, bắn cung, vật tự do nữ, boxing, đấu kiếm, wushu sẽ được hưởng chế độ tiền ăn 400.000 đồng/người/ngày và tiền công 400.000 đồng/người/ngày; riêng HLV được hưởng tiền công 500.000 đồng/người/ngày, còn tiền ăn bằng VĐV.
Nhìn vào danh sách VĐV được đầu tư trọng điểm vừa mới công bố, thì điền kinh là môn chiếm số đông VĐV hơn cả với 11 tuyển thủ, gồm: Lê Tú Chinh, Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Trung Cường, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo, Vũ Thị Mến, Vũ Thị Ly, Khuất Phương Anh, Dương Văn Thái. Tuy nhiên không khó để nhận thấy các VĐV nữ điền kinh vượt trội so với nam đồng nghiệp, khi chỉ có hai tuyển thủ nam so với 9 tuyển thủ nữ ở danh sách này.
VĐV điền kinh Dương Văn Thái của tỉnh Nam Định nằm trong danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm |
Đáng chú ý trong danh sách này là sự xuất hiện của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, kỷ lục gia Olympic. Kể từ sau Thế vận hội 2016, Hoàng Xuân Vinh không còn duy trì được thành tích đỉnh cao. Việc xạ thủ quân đội này có tên trong danh sách đầu tư trọng điểm cho thấy lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục TDTT và bộ môn bắn súng vẫn tin tưởng vào tay súng kỳ cựu này. Từ nay đến Olympic Tokyo 2020 không còn xa và Hoàng Xuân Vinh phải nhanh chóng trở lại chính mình, nếu như không muốn bị loại ra khỏi danh sách đầu tư trọng điểm. Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT đã khẳng định: “Không chỉ VĐV mà ngay cả HLV nếu không giúp VĐV duy trì được phong độ, thành tích thì sẽ bị đưa ra khỏi danh sách đầu tư trọng điểm, để nhường chỗ cho những sự thay thế xứng đáng khác”. Lý giải việc trong danh sách không có VĐV, HLV bóng đá, ông Vương Bích Thắng cho rằng do là môn “thể thao vua” nên các HLV, VĐV bóng đá được hưởng lương, thưởng cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các môn thể thao đỉnh cao, nên vượt khả năng của ngành thể thao. Hơn nữa bóng đá là môn thể thao được xã hội hóa mạnh mẽ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đang hỗ trợ rất tốt về chế độ cho các đội tuyển quốc gia.
Trong danh sách được đầu tư trọng điểm có khá nhiều tên tuổi quen thuộc với người hâm mộ nước nhà. Đội tuyển bắn súng ngoài đàn anh Hoàng Xuân Vinh còn có các xạ thủ Trần Quốc Cường, Hà Minh Thành, Nguyễn Đình Thành và Lê Thị Linh Chi. Môn bơi ngoài tuyển thủ Nguyễn Thị Ánh Viên, còn có các gương mặt nổi bật khác là Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo và Lê Thị Mỹ Thảo. Đội tuyển rowing có 6 tuyển thủ và đều là những tay chèo từng giúp thể thao Việt Nam đoạt tấm HCV đầu tiên ở Asiad 2018, cũng như những thành tích ở đấu trường châu Á là Tạ Thanh Huyền, Nguyễn Thị Hải, Hồ Thị Lý, Phạm Thị Huệ, Lường Thị Thảo, Đinh Thị Hảo.
Việc đô cử Trịnh Văn Vinh bị loại khỏi danh sách đầu tư trọng điểm không có gì bất ngờ, khi mới đây đô cử này bị phát hiện sử dụng doping. Tuy nhiên những gương mặt quen thuộc như Thạch Kim Tuấn, Ngô Sơn Đỉnh, Lại Gia Thành, Vương Thị Huyền và Nguyễn Thị Thu Trang tiếp tục được đầu tư trọng điểm.
Trong danh sách 66 VĐV được đầu tư trọng điểm này, sẽ có một vài tuyển thủ được đầu tư theo dạng đặc biệt. Không nói rõ kinh phí đầu tư đặc biệt sẽ lấy từ nguồn nào nhưng lãnh đạo Tổng cục TDTT cho hay nhiều khả năng sẽ vận động từ các "mạnh thường quân", qua công tác xã hội hóa vì đã là đầu tư đặc biệt thì đòi hỏi kinh phí rất lớn.
Theo qdnd.vn