Mỗi dịp Xuân về, hình ảnh các đô vật mình trần, đóng khố tranh tài cao thấp giữa sới vật, xung quanh là tiếng hò reo huyên náo của hàng trăm người, cùng tiếng trống giục liên hồi đã trở thành nét đẹp văn hóa ở các làng quê.
Vật Chầu Thánh Chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực). |
Môn vật Chầu Thánh tại lễ hội Chùa Đại Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) diễn ra từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng hằng năm, thu hút sự tham gia của nhiều đô vật và những người yêu bộ môn vật khắp nơi trong tỉnh. Theo sử sách, môn vật Chầu Thánh Chùa Đại Bi xuất hiện vào khoảng thế kỷ XVIII với nội dung thi đấu thuở đầu là vật cầu mang ý nghĩa cầu may mắn, bình an đến với người dân trong vùng, cầu năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, giải vật truyền thống vẫn được người dân Thị trấn Nam Giang lưu giữ, kế thừa. Từ năm 1945 đến nay, giải vật truyền thống tại lễ hội Chùa Đại Bi thi đấu theo hình thức vật tự do và chỉ dành cho nam giới. Để tránh việc mai một sới vật, Ban quản lý di tích cùng với nhà chùa đã mở rộng lứa tuổi tham gia thi đấu từ 13-14 tuổi trở lên. Khi tham gia thi đấu, các đô vật được kiểm tra sức khỏe, hướng dẫn điều lệ thi đấu... Sới vật Chùa Đại Bi cũng được nâng cấp cải tạo từ năm 1990 với diện tích 30m2, xung quanh lát gạch đỏ, trong khuôn viên nhà chùa. Dẫu đã có nhiều thay đổi về nội dung thi đấu, giá trị phần thưởng nhưng những giá trị văn hóa của môn vật cổ truyền nơi đây vẫn được duy trì và phát huy trong các trận đấu vật cho đến ngày nay. Trước khi bước vào trận đấu, các đô vật đều phải thực hiện bài “xe đài", "cuốn chỉ”. Theo các đô vật cao niên, đây là thủ tục bái tổ, chào khán giả. Khi “xe đài” 2 đô vật quay về phía đền bái Thiền sư Từ Đạo Hạnh, nên môn vật ở đây còn có tên gọi là vật Chầu Thánh; sau đó mới quay về bốn hướng để chào khán giả, chào đối thủ. Trong quá trình chào, hai tay đô vật khoanh lại rồi dang rộng, vươn thẳng lên trời. Cùng với cánh tay, các ngón tay xòe ra, cụp lại mềm dẻo, đẹp mắt. Sau màn “xe đài”, “cuốn chỉ” và dứt 3 tiếng trống, hai đô vật mới bắt đầu “vào trận”... Trong khoảng 20 năm trở lại đây, lò vật Nam Giang ngày càng nổi tiếng với nhiều đô vật giỏi; thời cao điểm có tới gần 100 đô vật; trong đó riêng thôn Tư có hẳn một lò vật với 40 đô vật; thôn Ba có trên 30 đô vật.
Môn vật trong lễ hội Đình Kiên Hành ở xã Giao Hải (Giao Thủy) được hình thành từ hơn 100 năm trước gắn với lịch sử mở đất, lấn biển, lập làng của các thế hệ cha ông vốn gốc là người dân vùng đất vật nổi tiếng Trà Lũ. Sới vật đầu xuân được tổ chức vào ngày 5, 6 tháng Giêng tại Di tích lịch sử - văn hóa Đình Kiên Hành. Trong tiếng trống giục liên hồi, tiếng hò reo huyên náo của khán giả, các đô vật mình trần, đóng khố, đầu chít khăn xanh đỏ, ra những miếng: gồng, móc, giật, những ngón đòn hiểm hóc... Đô vật nào thể hiện được một đòn hay, kỹ thuật đẹp mắt sẽ nhận được tràng vỗ tay tán thưởng của người xem.
Ở làng Thượng, xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) cứ vào chiều mùng 2 Tết Nguyên đán, người dân lại quần tụ trước sân đình làng để cổ vũ, thi đấu vật nhằm tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân lập làng. Tồn tại hàng trăm năm, sới vật làng Thượng từng rất nổi tiếng bởi có sự tham dự rất đông của các đô vật trong tỉnh và các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam... Người đưa tiếng tăm sới vật làng Thượng bay xa là cụ Đặng Văn Uyển nổi tiếng là đô vật có sức khỏe hơn người, đã từng đoạt chức vô địch Giải vật Đông Dương từ thời Pháp thuộc. Sau thế hệ cụ Uyển, với việc tổ chức sới vật hằng năm, làng Thượng đã sản sinh nhiều đô vật nổi tiếng từng nhiều lần đại diện cho huyện Mỹ Lộc giành giải cao tại Giải vật tự do toàn tỉnh như: Đặng Văn Ngọc, Đặng Văn Ngữ…
Qua thống kê sơ bộ, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10 sới vật được tổ chức gắn với nhiều lễ hội truyền thống tại các địa phương. Việc tổ chức các sới vật đầu xuân là sự cố gắng của các địa phương trong việc khôi phục, duy trì, phát triển các môn thể thao truyền thống của cha ông; làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân trong những ngày đầu xuân mới./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh