43 kỷ lục quốc gia (KLQG), 169 kỷ lục đại hội được thiết lập tại Ðại hội Thể thao toàn quốc lần thứ tám - 2018 vừa qua cho thấy chất lượng chuyên môn đã có nhiều cải thiện ở các nội dung thi đấu. Thể thao thành tích đỉnh cao đã có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi cần có những thay đổi về hình thức tổ chức và quy mô ở các kỳ đại hội sau, giảm bớt tính phong trào và hình thức.
Thứ hạng 10 đoàn xếp đầu tại bảng tổng sắp huy chương Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII-2018 |
Việc khá nhiều kỷ lục quốc gia cũng như kỷ lục đại hội được thiết lập ở một số môn thể thao nằm trong chương trình thi đấu Ô-lim-pích như điền kinh, bơi lội, bắn cung, bắn súng cho thấy, các địa phương đã có sự chuẩn bị rất kỹ cho Ðại hội thể thao toàn quốc lần thứ tám - 2018. Lực lượng vận động viên (VÐV) trẻ đang có sự tiến bộ về mặt chuyên môn. Như ở môn bơi, VÐV 22 tuổi Lê Thị Mỹ Thảo đã phá kỷ lục quốc gia (KLQG) ở cự ly 200 m bơi bướm nữ với thành tích 2 phút 10 giây 92. Về mặt thành tích, kỷ lục mới chỉ hơn kỷ lục cũ 20% giây nhưng quan trọng nhất chính là Mỹ Thảo đã vượt qua được thành tích của kình ngư nổi bật nhất trong lịch sử bơi lội Việt Nam là Nguyễn Thị Ánh Viên lập năm 2015. Thậm chí, thành tích của Mỹ Thảo đã qua thành tích của VÐV người Xin-ga-po Jing Wen Quah lập tại SEA Games 2017 để giành HCV 2 phút 12 giây 03 (Thảo khi đó giành HCB với thành tích 2 phút 12 giây 61).
Tuy nhiên, cũng không có nhiều thành tích gây ấn tượng như của Mỹ Thảo. Hầu hết, các kỷ lục còn lại của môn bơi được lập ở các nội dung thi đấu tiếp sức và thành tích chủ yếu mang tính chất khích lệ chứ chưa đủ sức tranh tài ở SEA Games. Trên sân điền kinh, KLQG chạy 100 m nam với thời gian 10 giây 47 của VÐV sinh năm 1999 Trần Ngọc Nghĩa (Công an nhân dân) được đánh giá cao bởi đã tiếp cận thành tích vừa giành HCV SEA Games 2017 là 10 giây 38 cũng như kỷ lục SEA Games 10 giây 17. Hay thành tích chạy 100 m của "nữ hoàng" cự ly ngắn Ðông - Nam Á Tú Chinh hết 11 giây 40 đã cao hơn thành tích giành HCV SEA Games 29 của chính mình (11 giây 56) và đã tiến sát hơn đến KLQG 11 giây 33. Ở nội dung 800 m nam, việc VÐV sinh năm 2000 là Trần Văn Ðảng (Hà Nội) vượt hơn VÐV kỳ cựu từng bốn lần vô địch SEA Games Dương Văn Thái (Nam Ðịnh) để giành HCV sẽ góp phần giúp đội tuyển điền kinh Việt Nam có thêm nhân tố để gặt hái thành công tại các cự ly trung bình trong đấu trường Ðông - Nam Á.
Bên cạnh đó, cũng có những KLQG điền kinh như của VÐV đã 35 tuổi Ka Hoa (Sóc Trăng) ở nội dung đẩy tạ nữ 14 m 48 (kỷ lục cũ 14 m 43 năm 2013 hoặc kỷ lục đại hội lập từ năm 2002 là 13 m 56 cũng của một VÐV nay đã 35 tuổi) đáng để những người làm công tác quản lý, huấn luyện môn điền kinh nhìn lại công tác đào tạo trẻ. Ở môn bắn súng, sau thất bại của nhà vô địch Ô-lim-pích Hoàng Xuân Vinh tại ASIAD thì tay súng kỳ cựu này đã lập một kỷ lục đại hội ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam với thành tích vượt trội 237,3 điểm của chính anh giữ từ năm 2014 (207 điểm). Ðánh giá một cách khách quan, số KLQG về đồng đội được lập ở các môn có trong chương trình thi đấu Ô-lim-pích nhiều hơn các kỷ lục cá nhân. Ðây chính là cách nâng cao thành tích của các địa phương, tập trung vào các nội dung không phải là thế mạnh của đội tuyển Việt Nam ở đấu trường Ðông - Nam Á để giành HCV trong các giải thi đấu cấp quốc gia.
Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để tiến tới Ðại hội Thể thao toàn quốc lần thứ tám - 2018, có tới hơn 99% xã, thị trấn, thị xã, quận, huyện và tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức thành công đại hội thể thao các cấp. Thông qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về lợi ích, vai trò của thể dục, thể thao, đồng thời thể hiện chất lượng phát triển sự nghiệp thể dục- thể thao của từng địa phương, từng ngành và của cả nước trong thời gian vừa qua, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 08-NQ/TW (ngày 1-12-2011) của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục - thể thao đến năm 2020" và Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2020.
Việc Tổng cục Thể dục - Thể thao cũng như Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chưa thể công bố đơn vị đăng cai kỳ Ðại hội Thể thao toàn quốc lần thứ chín - 2022 cho thấy đại hội cần có những thay đổi về hình thức và quy mô tổ chức, giảm chi phí để phù hợp hơn với khả năng kinh tế của các tỉnh, thành phố, tập trung vào thể thao thành tích đỉnh cao, nhất là ở những môn cơ bản Ô-lim-pích. Qua đó thực hiện hiệu quả tuyên truyền về rèn luyện sức khỏe một cách thiết thực trong toàn dân, nâng cao chất lượng chuyên môn của VÐV thể thao thành tích cao.
Theo nhandan.com.vn