Khởi đầu mới

08:11, 09/11/2018

Chiến dịch AFF Cup 2018, cột mốc được xem là khởi đầu mới cho bóng đá Việt Nam, trên rất nhiều phương diện.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Cứ 10 năm, dường như bóng đá Việt Nam lại ghi dấu bằng một sự kiện, mang tính chất bản lề. Đầu tiên là vào năm 1978, 3 năm sau ngày thống nhất đất nước, giải bóng đá Hồng Hà - Trường Sơn - Cửu Long được tổ chức trên 3 khu vực. Đó là lần đầu tiên những trận đấu có quy mô toàn quốc được hình thành để tạo tiền đề cho giải vô địch quốc gia đầu tiên ra đời năm 1980. Và đến năm 1988, sau 7 kỳ tổ chức, giải vô địch quốc gia phải dừng lại theo yêu cầu của các đội bóng để hệ thống hóa lại phương thức thi đấu, rà soát các tiêu chuẩn về đẳng cấp. Đó là năm duy nhất bị gián đoạn.

Năm 1998, tức 3 năm sau chiếc Huy chương Bạc ở SEA Games 1995, đã xảy ra những sự kiện nức lòng người hâm mộ cả nước khi Việt Nam lần đầu tiên đánh bại Thái Lan ở kỳ Tiger Cup 1998, giải đấu chính thức quốc tế đầu tiên được Việt Nam đăng cai. Năm đó, đội tuyển Việt Nam đã vào đến trận chung kết nhưng để tuột chức vô địch ngay trên sân Hàng Đẫy. Đó được xem là đỉnh cao của thế hệ vàng đầu tiên.

Và 10 năm sau, tại sân Mỹ Đình, chúng ta đã trở thành nhà vô địch Đông Nam Á, danh hiệu chính thức đầu tiên và duy nhất ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Đội tuyển ngày đó cũng được gọi là Thế hệ vàng.

Có rất nhiều kỳ vọng ở AFF Cup 2018 lần này, ở một thế hệ vàng mới. Chúng ta nhắc đến cột mốc 10 năm, nếu tính từ năm 2008, hòng tái lặp lại thành tích đứng đầu khu vực. Tuy nhiên, khác các lần trước, năm nay lần đầu tiên Việt Nam dự giải với uy thế rất cao nhờ dàn cầu thủ đang là á quân U23 châu Á cũng như nằm trong 4 đội mạnh nhất tại Asiad 2018. Đó là một lứa cầu thủ đặc biệt, “quả ngọt” của những trung tâm đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam được thành lập hơn 10 năm trước. Nếu như các cột mốc 10 năm trước đây được xem là để hình thành một hệ thống cho nền bóng đá, thì ở thời điểm này, bóng đá Việt Nam bắt đầu nghĩ đến chuyện thực hiện các tham vọng lớn hơn. Đó là một bước tiến mới cho quá trình phát triển. Một quãng đường dài đã đi được và sau AFF Cup sẽ là Asian Cup, nội lực của làng cầu sẽ được phô bày trong hơn 1 tháng sắp đến.

Kể lại các câu chuyện nói trên để thấy rằng, dù vẫn còn nhận nhiều chỉ trích, trải qua khá nhiều biến cố, nhưng thực tế bóng đá Việt Nam cũng đã có những dấu ấn nhất định, có những bước đi không hề ngắn. Trên thực tế, sự phát triển của làng cầu Việt mới chỉ gói gọn trong 2 thập niên gần đây, không phải là quãng thời gian quá dài nếu chúng ta so sánh với một số quốc gia như In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma hay cả Ma-lai-xi-a hiện vẫn đang đi tìm lại thời hoàng kim ngày trước. 18 lần vào bán kết các kỳ AFF Cup và SEA Games từ năm 1995 đến nay rõ ràng là con số không tồi. Xét ở khía cạnh khác, lực lượng cầu thủ trẻ của Việt Nam hiện nay có tính kế thừa cao, trong một hệ thống tương đối hoàn thiện từ phong trào đến chuyên nghiệp, cũng đáng được ghi nhận.

Vì vậy, hãy xem AFF Cup 2018 là một khởi đầu mới của bóng đá Việt, cho những bước chân tiến ra châu Á. Dù biết vẫn còn dài nhưng rõ ràng, với đội bóng do HLV Pắc Hang-so dẫn dắt, chúng ta có niềm tin./.

Theo SGGP



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com