Giải bóng đá vô địch Quốc gia (V-League) 2018 đã kết thúc với nhiều kỷ lục, những tín hiệu đáng mừng, nhưng bên cạnh đó có không ít tồn tại đặt ra cho công tác tổ chức, kỷ luật, vấn đề đào tạo của mỗi đội bóng...
Kỷ lục và những tín hiệu đáng mừng
V-League 2018 đã khép lại với chức vô địch dành cho Hà Nội FC và suất xuống hạng đổ đầu XSKT Cần Thơ-kết quả đã nằm trong tiên liệu của giới chuyên môn, người hâm mộ. Ngoài chức vô địch sớm trước 5 vòng đấu, đội bóng Thủ đô đã tạo nên nhiều kỷ lục mới, như: Vô địch với số điểm kỷ lục (64 điểm), kỷ lục về số bàn thắng (72 bàn)... Giải đấu đã chứng kiến nhiều bữa tiệc bàn thắng hấp dẫn, trong đó có tổng cộng 541 bàn thắng được ghi sau 182 trận (trung bình 2,97 bàn/trận).
Hiệu ứng từ U.23 Việt Nam đã giúp các sân cỏ V-League 2018 thu hút được lượng CĐV đông đảo trong giai đoạn lượt đi, nhưng lại tụt dốc ở lượt về. Dù vậy, theo thống kê từ ban tổ chức, đã có 1.139.300 người hâm mộ đến sân xem trực tiếp (trung bình 6.294 người/trận). Đây là một tín hiệu khởi sắc đối với V-League bởi mùa trước, lượng CĐV đến sân trung bình chỉ là 5.600 người/trận. Sân Thiên Trường của CLB Nam Định thu hút đông người hâm mộ nhất với trung bình 12.000 người/trận. Xếp ở các vị trí tiếp theo là Hàng Đẫy (Hà Nội) với trung bình 9.400 người/trận, sân Pleiku (Hoàng Anh Gia Lai) với 9.200 người/trận, sân Thanh Hóa (FLC Thanh Hóa) có 8.700 người/trận...
Bỏ bóng đạp người - những tình huống không thiếu ở V-League 2018 |
V-League 2018 chứng kiến vai trò của cầu thủ nội trong các đội bóng không thua kém gì các ngoại binh. Ví như nòng cốt của Hà Nội là những Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng... dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã đóng vai trò quan trọng trong hành trình chinh phục ngôi vương; hay tiền đạo Nguyễn Tiến Linh là “chân sút nội xuất sắc nhất” với 15 bàn, chỉ thua kém “Vua phá lưới của V-League 2018” là Oseni 2 bàn. Đánh giá về V-League 2018, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải cho rằng: “Nhìn chung, giải năm nay có sự tích cực rõ rệt. Dù Hà Nội đã sớm vô địch nhưng các đội bóng khác vẫn thể hiện sự chuyên nghiệp, thi đấu quyết tâm đến vòng đấu cuối cùng. Chuyện xin-cho điểm dường như đã không còn, hoặc nếu có thì nó không còn trắng trợn như trước. Thành công từ đội tuyển U.23 Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam đã mang đến hiệu ứng tích cực, thu hút người hâm mộ tới sân đông hơn”.
Còn đó những nỗi lo
599 là số thẻ vàng (trung bình 3,29 thẻ/trận) và 25 thẻ đỏ (trung bình 0,14 thẻ/trận) mà trọng tài đã rút ra ở V-League 2018. Con số này thấp hơn số 659 thẻ vàng và 31 thẻ đỏ ở mùa trước. Điều này cho thấy số vụ phạm lỗi, tình huống chơi bạo lực của cầu thủ ở V-League 2018 có xu hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều pha bóng chơi xấu, ác ý, đơn cử như tình huống bỏ bóng đạp người của Hải Huy (Than Quảng Ninh) khiến Trùm Tỉnh (Sanna Khánh Hòa BVN) gãy xương sườn; hay pha vào bóng có tính triệt hạ của Ngọc Đức (TP Hồ Chí Minh) khiến Anh Hùng (Hải Phòng) bị chấn thương nặng... Bạo lực sân cỏ vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện” tại V-League 2018.
Trong một giải đấu mà cuộc đua vô địch có phần tẻ nhạt thì trọng tài chính là “ngôi sao” sáng nhất. Dù VPF đã nhiều lần tuyên chiến với vấn nạn trọng tài thì những cú “phốt” của những “ông vua áo đen” vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Trong đó, nổi bật là trọng tài Nguyễn Văn Lập bởi hành động quên rút thẻ và “bẻ còi” trong trận Becamex Bình Dương gặp Than Quảng Ninh ở vòng 22 V-League 2018. Và còn rất nhiều tình huống trọng tài tưởng tượng ra 11m, dung túng cho những tình huống bạo lực sân cỏ hay thiếu cá tính trong những phán quyết cuối cùng.
Gần hai thập niên gắn mác chuyên nghiệp, V-League vẫn còn tồn tại những vấn đề nghiệp dư, xấu xí. Trong đó, vấn nạn trọng tài và bạo lực sân cỏ dù đã đưa ra bàn thảo, xử lý nhiều nhưng vẫn chưa thể khắc phục được. Đây quả thật là nỗi lo lớn đối với người hâm mộ và bóng đá Việt Nam. Mong rằng V-League 2019 sẽ có một diện mạo mới, màu sắc mới, chuyên nghiệp hơn, góp phần đưa bóng đá nước nhà đi lên.
Theo qdnd.vn