Trong bảy ngày qua, các cổ động viên nước chủ nhà Indonesia và ở nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á đã theo dõi trực tiếp hoặc qua truyền hình cuộc đua tài của hơn 3.000 VĐV của 44 đoàn thể thao người khuyết tật châu lục tại Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á - Asian Para Games 2018.
VĐV bơi Võ Thanh Tùng (thứ hai từ phải sang), người đoạt ba HCV, đồng thời lập ba kỷ lục đại hội và châu Á tại Asian Para Games 2018. |
Các VĐV đã để lại nhiều ấn tượng qua những thành tích họ đạt được cùng nỗ lực vượt qua những thách thức bệnh tật và khó khăn, hạn chế về thể chất để vươn lên, quyết tâm chinh phục những đỉnh cao thể thao.
Đại hội lần này tiếp tục cho thấy phong trào tập luyện và thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật đã mở rộng và phát triển ở tất cả các nước trong châu lục, thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền và xã hội, mang đậm ý nghĩa nhân văn.
Tuy nhiên, nhìn vào bảng xếp hạng huy chương, có thể thấy vẫn có một khoảng cách biệt về thành tích khá lớn giữa nhóm các nước có nền thể thao hàng đầu châu lục với các nước còn lại. Trung Quốc tiếp tục thể hiện vị thế của một cường quốc thể thao mạnh nhất khi đoạt được tổng cộng 319 huy chương, trong đó có 172 Huy chương vàng (HCV), 88 Huy chương bạc (HCB) và 59 Huy chương đồng (HCĐ), dẫn đầu bảng xếp hạng thành tích huy chương. Xếp ở vị trí thứ hai là đoàn Hàn Quốc với 144 huy chương, trong đó có 53 HCV, 45 HCB và 46 HCĐ. Lần lượt xếp ở vị trí thứ ba và thứ tư là đoàn Iran có 51 HCV, 42 HCB, 43 HCĐ và đoàn Nhật Bản được 45 HCV, 70 HCB, 83 HCĐ.
Điều ấn tượng nhất tại đại hội và cũng chứng minh cho sự phát triển của thể thao người khuyết tật châu lục là số lượng khá nhiều kỷ lục đại hội, kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới đã được thiết lập tại đại hội, trong đó chủ yếu là ở ba môn thể thao cơ bản Olympic là bơi, cử tạ và điền kinh.
Cụ thể, môn bơi đã lập được 97 kỷ lục đại hội, trong đó có 21 kỷ lục châu Á, hai kỷ lục thế giới; cử tạ có 13 kỷ lục đại hội, trong đó có chín kỷ lục châu Á và sáu kỷ lục thế giới; trong khi điền kinh có 136 kỷ lục đại hội, 33 kỷ lục châu Á và bảy kỷ lục thế giới. Nhiều VĐV đã lập thành tích xuất sắc như VĐV bơi của Uzbekistan là A-mi-lô-va Phô-ti-ma-khôn đã lập kỷ lục thế giới ở hai nội dung bơi 200m cá nhân nữ hạng thương tật SM13 và 100 bơi ếch nữ hạng thương tật SB13.
Phát huy thành tích tại Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 2018 vừa được tổ chức trước đó, Đoàn thể thao người khuyết tật nước chủ nhà Indonesia đã mang về 37 HCV, 47 HCB và 51 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu 16 HCV mà họ đề ra trước đại hội và vươn lên. Đây cũng là sự tiếp nối thành tích khá cao của thể thao người khuyết tật đất nước Vạn Đảo đã từng lập nên trước đó ở ASEAN Para Games tổ chức tại Malaysia năm 2017. Thành tích của đoàn Indonesia và công tác tổ chức hoàn hảo đại hội trong những ngày qua được các đoàn và dư luận thế giới và khu vực dành nhiều lời ngợi khen và trân trọng bởi nước bạn vừa trải qua thiên tai và động đất tàn phá nặng nề tại miền trung Sulawesi.
Asian Para Games 2018 đã cho thấy khả năng tổ chức những sự kiện thể thao quốc tế lớn của Indonesia cũng như công tác bảo đảm an ninh và cơ sở vật chất kỹ thuật thi đấu cho hàng nghìn VĐV, nhất là ở những môn thể thao đòi hỏi điều kiện và tiêu chuẩn thi đấu Olympic, như: bơi, cầu lông, điền kinh, bóng rổ xe lăn...
Theo lãnh đạo Ban Tổ chức đại hội, nước chủ nhà đã làm tất cả những gì có thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất, xứng đáng với sự tin tưởng của bạn bè châu lục.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Asian Para Games 3 gồm 75 thành viên, trong đó có 52 VĐV, 11 HLV, tranh tài ở bảy môn trong tổng số 18 môn của đại hội gồm bơi, điền kinh, cử tạ, cờ vua, cầu lông, bóng bàn và Judo.
Với tinh thần quyết tâm cao nhất, các VĐV Việt Nam đã mang về tổng số 40 huy chương, trong đó có tám HCV, tám HCB và 24 HCĐ, xếp thứ 12 trong số đoàn thể thao của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng tranh tài.
Đáng chú ý, con số tám HCV đạt được đã vượt gấp đôi chỉ tiêu đề ra trước khi giải khởi tranh. Trong số tám HCV của đoàn Việt Nam tại đại hội lần này, có ba HCV là của VĐV bơi Võ Thanh Tùng ở các nội dung bơi hạng thương tật S5. Chính “kình ngư” này đã phá kỷ lục đại hội ở cự ly bơi ngửa 50m với thành tích 38 giây 50; phá kỷ lục đại hội trên đường đua 200m tự do với thành tích 3 phút 0 giây 02. Sức mạnh vượt trội cũng được anh thể hiện ở nội dung 100m tự do với thành tích 1phút 17giây 02, đồng thời phá sâu kỷ lục đại hội cũ và cả kỷ lục châu Á .
Bên cạnh Võ Thanh Tùng, các gương mặt sáng giá đã giành HCV cho Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam tại Asian Para Games 2018 có VĐV Nguyễn Thành Trung (bơi 100m ếch nam), Nguyễn Thị Mỹ Linh (cờ vua), Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ, 50kg nữ) và Nguyễn Bình An (cử tạ, 54kg nam).
Đạt thành tích vượt bậc, nhưng nhìn chung, Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam mới chỉ giành được huy chương ở một số môn thế mạnh, trong khi lực lượng vẫn còn khá mỏng, số lượng VĐV đạt tầm châu Á và thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mặc dù ngành thể thao đã giành nhiều quan tâm, song sự đầu tư, tài trợ, chế độ khen thưởng, động viên vẫn còn hạn chế, thiếu thốn, việc tập luyện và thi đấu của VĐV thể thao người khuyết tật đã và đang đối mặt nhiều khó khăn.
Để có thể theo đuổi niềm đam mê thể thao đối với các VĐV người khuyết tật là cả một sự phấn đấu và hy sinh rất lớn. Chính vì vậy, họ mong mỏi có được sự quan tâm đầu tư nhiều hơn từ các nguồn lực xã hội.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Paralympic Việt Nam, cần có chính sách phát triển thể thao người khuyết tật và huy động nguồn tài trợ có chiều sâu, lâu dài, nhất là những nguồn đầu tư trực tiếp về dinh dưỡng và sinh hoạt phí cho VĐV người khuyết tật.
Sau Asian Para Games 2018, thể thao người khuyết tật Việt Nam lại chuẩn bị để hướng tới ASEAN Para Games 2019 tại Philippines và xa hơn là Paralympic 2020 tại Nhật Bản, ASEAN Para Games 2021 mà Việt Nam là chủ nhà đăng cai. Có lẽ đã đến lúc, ngành thể thao nước ta cần khẩn trương có những giải pháp toàn diện và cụ thể về lực lượng VĐV cho đến đào tạo cán bộ ngay từ bây giờ.
Theo nhandan.com.vn