Đội tuyển Ô-lim-pích Việt Nam, mà thành phần chủ yếu là các tuyển thủ U23 đã tới In-đô-nê-xi-a để chuẩn bị cho hành trình chinh phục ASIAD 2018 với nhiều kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà.
Đội hình Olympic Việt Nam gặp Olympic Uzbekistan tại giao hữu quốc tế cúp VinaPhone 2018. |
Thành tích nổi bật của bóng đá trẻ thời gian gần đây một lần nữa cho thấy tiềm năng, tương lai phát triển của nền bóng đá nước nhà cũng như tình yêu và niềm say mê bóng đá của người Việt Nam. Chính điều này đã được Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) và báo chí khu vực, châu lục và thế giới nhiều lần đề cập, nhất là qua chiến thắng cam go của U23 Việt Nam khi vượt qua những đối thủ sừng sỏ tại Giải bóng đá U23 châu Á 2018. Quan trọng là tiềm năng ấy được tiếp tục phát huy và có được môi trường, điều kiện để phát triển như thế nào? Phải thừa nhận, bóng đá Việt Nam vẫn nằm trong vùng trũng của khu vực và nhiều năm qua vươn mãi vẫn chưa tới được ngôi vô địch Ðông - Nam Á, cho dù bóng đá trẻ đã có những tiến bộ vượt bậc. Tuy chẳng kém cạnh, thậm chí còn thi đấu nổi trội hơn hẳn các đội tuyển của khu vực và ngang ngửa những đội bóng mạnh của châu lục ở các giải trẻ, nhưng ở cấp độ đội tuyển Ô-lim-pích và đội tuyển, tức là ở lứa tuổi trưởng thành thì các đội tuyển bóng đá Việt Nam luôn thi đấu thiếu ổn định, thậm chí có phần yếu kém, liên tục thất bại sau những kỳ vọng lớn của người hâm mộ.
Nguyên nhân nào dẫn đến các kết quả đáng buồn như vậy của bóng đá Việt Nam? Chỉ có tình yêu và niềm đam mê thì chưa đủ, mà cần xuất phát từ một nền tảng phát triển bền vững và mang tính chuyên nghiệp để bóng đá nước ta trở thành một thế lực, một đẳng cấp thật sự của khu vực, chứ không chỉ dừng lại ở mức trẻ "đầy tiềm năng". Bóng đá trẻ đã và đang là yếu tố quyết định tương lai và là cơ sở để bóng đá Việt Nam vươn tầm châu lục cũng như thế giới. Dường như ai cũng hiểu và nhận thức được như vậy, song, thực tế sự đua tranh khốc liệt của V-League và các giải đấu quốc gia cùng tính thận trọng và bệnh thành tích của lãnh đạo các đội bóng, các huấn luyện viên đã khiến nhiều tài năng bóng đá trẻ ít có cơ hội được thi thố, rèn giũa chuyên môn ở các giải đấu đỉnh cao khi chỉ quanh quẩn với những giải trẻ, hoặc an vị trên ghế dự bị ngoài sân. Ðiều này cho thấy, chừng nào lãnh đạo các đội bóng và ban huấn luyện chủ yếu đặt niềm tin, sự kỳ vọng thành tích vào các "ngoại binh" và những cầu thủ kỳ cựu thì các chân sút trong nước, nhất là các cầu thủ trẻ lại càng không thể có cơ hội cọ xát để từ đó có được bề dày kinh nghiệm thi đấu và từng bước khẳng định mình. Theo số liệu khảo sát, cầu thủ trẻ ở các câu lạc bộ dự V-League chỉ được chính thức đá khoảng mười trận trong một mùa giải, quá ít để họ tích lũy kinh nghiệm chứ chưa nói đến thể hiện khả năng. Một phần nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc hạn chế số lượng cầu thủ đăng ký thi đấu của mỗi câu lạc bộ dự giải vô địch quốc gia, dẫn đến bao giờ cũng phải ưu tiên các cầu thủ dày dạn chinh chiến ra sân cho "chắc ăn".
Những năm gần đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng một số tập đoàn kinh tế và các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp đã quan tâm tới công tác đào tạo trẻ theo Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với mục tiêu dần hình thành một hệ thống đào tạo trẻ bài bản. Có thể nói, nếu làm tốt vấn đề này sẽ giúp phát triển các tài năng bóng đá trẻ, nhanh chóng nâng cao chất lượng cầu thủ từ kỹ thuật đến thể lực, đồng thời tạo ra một nền tảng phát triển bền vững cho bóng đá Việt Nam. Ðiều đó cũng đặt ra yêu cầu phải dựa vào nội lực, đặt niềm tin vào các cầu thủ trong nước, nhất là thế hệ trẻ, tạo điều kiện và có chính sách tập trung nguồn lực đầu tư cho họ, bắt đầu từ những việc tưởng chừng là nhỏ nhưng không kém phần quan trọng là được ra sân thử sức ở các vị trí và từng bước khẳng định mình.
Theo nhandan.com.vn