Nhưng điều đáng mừng hơn cả đó là dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt cùng sự hỗ trợ của hai trợ lý: Lê Hiền, Hoàng Huy, lối chơi của đội tuyển nữ Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực…

Cụ thể, bóng chuyền Việt Nam thường trung thành với lối chơi tầm bóng cao, chuyền hai chủ yếu chuyền cao ra hai biên, bóng có “ngọn” sau đó chủ công mới vào đà, ở Giải bóng chuyền nữ VTV Cup 2018, việc tổ chức tấn công của tuyển nữ Việt Nam khá linh hoạt. Ở các pha phối hợp tấn công, các vị trí rất chịu khó di chuyển chiến thuật, các miếng đánh chồng lao, chồng trước, chồng sau… và cả những pha tấn công từ sau vạch 3m cũng được triển khai một cách liên tục với sự uy lực từ Kim Thanh, Trà Giang, Kim Liên, Bùi Ngà…

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam xứng đáng lên ngôi vô địch Giải bóng chuyền nữ VTV Cup 2018.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam xứng đáng lên ngôi vô địch Giải bóng chuyền nữ VTV Cup 2018.

Để duy trì được lối chơi biến hóa, hiệu quả, có nhiều phương án tấn công thì điều mấu chốt vẫn là khả năng chuyền một ổn định. Đây chính là điểm yếu cố hữu của bóng chuyền nước nhà từ nhiều thập niên trở lại đây. Ngoài ra khả năng phát bóng, tâm lý thi đấu cũng chưa thực sự ổn định, nhất là ở những thời điểm bị đối phương dẫn điểm. Giải bóng chuyền nữ VTV Cup 2018, giới chuyên môn lẫn người hâm mộ thích thú khi Đinh Thúy chắc chắn trong những pha chuyền một, Linh Chi đầy biến ảo trong những đường chuyền hai (và cả chuyền hai Thu Hoài) đã giúp các học trò của HLV Tuấn Kiệt chơi tự tin hơn hẳn. Không còn nhiều tình huống đỡ bóng lập bập, chuyền ban vô duyên, đội tuyển nữ Việt Nam chơi hay qua từng trận và trận đấu hay nhất không phải là trận lên ngôi vô địch trước CHDCND Triều Tiên mà là chiến thắng bản lề 3-2 trước Tứ Xuyên (Trung Quốc) ở bán kết.

Không có Jong Jin Sim, chủ công đa năng bậc nhất làng bóng chuyền nữ châu Á, lối chơi của đội tuyển nữ CHDCND Triều Tiên mất đi độ biến hóa; cộng thêm với việc đội bạn cho nhiều gương mặt trẻ xung trận đã giúp đội tuyển nữ Việt Nam giành thắng lợi chóng vánh 3-0 (25-14, 25-19, 25-15) trong trận chung kết. Thanh Thúy, Đinh Thúy, Linh Chi, Kim Thanh, Trà Giang, Kim Liên, Bùi Ngà mặc sức phô diễn kỹ thuật cùng khả năng công-thủ nhịp nhàng, ăn ý. HLV Tuấn Kiệt cho rằng “chức vô địch của đội nhà đến từ thái độ thi đấu quyết tâm, gắn bó và hiểu nhau nhiều hơn giữa các vị trí trên sân. Đặc biệt vào những thời điểm khó khăn, các vị trí trên sân đã biết cách tỏa sáng”.

Thành công bước đầu của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đến từ sự mát tay của HLV Tuấn Kiệt. Dưới sự chỉ đạo của ông, các “chân dài” trẻ tuổi của đội nữ Việt Nam đã trở nên tự tin, mạnh bạo, biến ảo hơn qua từng đường bóng, qua từng trận đấu, để thẳng tiến đến ngôi vô địch. Còn quá sớm để nói về những thành công của đội nhà ở ASIAD, khi các đối thủ sẽ tung vào sân lực lượng mạnh nhất; chỉ biết rằng giải đấu ở Hà Tĩnh đã mang đến cho người hâm mộ gương mặt mới của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia, đó là sự trẻ trung, giàu nhiệt huyết, khát khao chiến thắng.

Theo qdnd.vn