Thành công về chuyên môn và tổ chức

07:07, 17/07/2018

World Cup 2018 tại LB Nga đã khép lại sau một tháng diễn ra sôi động với chiến thắng 4-2 của đội tuyển Pháp trước đội tuyển Crô-a-ti-a trong trận chung kết, giúp “đội quân áo lam” đăng quang ngôi vô địch. Theo đánh giá của giới chuyên gia và dư luận, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh đã thành công ngoài mong đợi với những trận đấu hấp dẫn, kịch tính.

Trận chung kết giữa hai đội tuyển Pháp và Crô-a-ti-a.
Trận chung kết giữa hai đội tuyển Pháp và Crô-a-ti-a.

Một tháng qua, những người đam mê "môn thể thao vua" được chứng kiến không ít bất ngờ, đầu tiên là việc đội tuyển Ðức bị loại ngay từ vòng bảng. Ðến vòng 1/8, tiếp tục những diễn biến kịch tính với việc các đội: Á quân World Cup 2014 Ác-hen-ti-na, đương kim vô địch châu Âu Bồ Ðào Nha và nhà vô địch World Cup 2010 Tây Ban Nha giã từ cuộc chơi. Bra-xin và U-ru-goay cũng phải xách va-li về nước sau vòng tứ kết. Các gương mặt cầu thủ được kỳ vọng như T.Crút, L.Mét-xi, C.Rô-nan-đô, L.Xua-rét, Nây-ma... cay đắng rời giải đấu khi không có nhiều cơ hội chứng tỏ tài năng. Một số ngôi sao đã tỏa sáng như: K.Mbáp-pê (đội Pháp, giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất), L.Mô-đrích (đội Crô-a-ti-a, giải Quả bóng vàng), T.Cu-toa (đội Bỉ, giải Găng tay vàng) và H.Kên (đội Anh, sáu bàn thắng, giành danh hiệu Chiếc giày vàng).

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, giải đấu năm nay đạt chất lượng chuyên môn tốt, nhiều cuộc so tài gay cấn đến những phút cuối cùng. Với 169 bàn thắng được ghi qua 64 trận, bình quân 2,64 bàn/trận, thấp hơn chút ít so với tỷ lệ 2,67 bàn/trận tại World Cup 2014 ở Bra-xin, chứng tỏ phần lớn các đội đã nhập cuộc khá thận trọng, ra sân so giày với phương châm trước hết không để thủng lưới, sau đó tìm cách triển khai tiến công tạo ra cơ hội ghi bàn để giành chiến thắng.

Về mặt chiến thuật, một số sơ đồ thường được các đội áp dụng: 4-3-3, 3-4-3, 4-4-2, 4-2-3-1, 5-3-2, 3-5-2. Tùy thuộc vào tình hình lực lượng, mỗi đội có cách tiếp cận trận đấu khác nhau, nhưng không có sơ đồ chiến thuật nào chiếm ưu thế. Thành công của bốn đội hay nhất giải: Pháp, Crô-a-ti-a, Bỉ, Anh ở kỳ World Cup này là đã nâng lối chơi phòng ngự chủ động, tiến công có ý đồ và chơi tổng lực ở từng thời điểm thích hợp, tận dụng tốt các tình huống cố định cộng với tốc độ lên một mức cao hơn, chính xác hơn.

Kể từ năm 2006 đến nay, ngôi vô địch World Cup luôn thuộc về các anh tài của "lục địa già", kết quả nêu trên chứng tỏ trình độ chuyên môn các đội tuyển châu Âu đã nhỉnh hơn những đội bóng ở châu lục khác, nhất là Nam Mỹ nhờ tính khoa học, sự chặt chẽ; tuân thủ kỷ luật và vận hành chiến thuật đa dạng. Trong khi các đại diện châu Á: I-ran, Hàn Quốc, Nhật Bản đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể khi giành chiến thắng trước các đối thủ được coi là mạnh hơn như: Ma-rốc, Ðức, Cô-lôm-bi-a. Ðội tuyển Nhật Bản vào vòng 1/8 và chỉ chịu thua sát nút đội tuyển Bỉ với tỷ số 2-3 ở những giây bù giờ khi đã dẫn trước hai bàn. Các đội đến từ châu Phi tuy có sức mạnh, song lại đá ngẫu hứng, có phần "ngây thơ" về chiến thuật cho nên đều bị loại từ vòng đầu.

Một yếu tố quan trọng khác khi đánh giá về sức mạnh của các đội ở World Cup năm nay là độ tuổi trung bình của các tuyển thủ. Ðội Pháp có tuổi bình quân gần như trẻ nhất giải (26,4 tuổi); trong khi đội Ác-hen-ti-na ở mức 29,3 tuổi, Bra-xin và U-ru-goay là 28,1 tuổi. Tuổi trung bình khá cao, thể lực không bảo đảm, vận hành tiến công còn chậm, chú trọng kiểm soát bóng..., là những nguyên nhân khiến ba "ông lớn" Nam Mỹ nhận thất bại trước các đội bóng châu Âu.

Những chú gà trống Gô-loa" lên ngôi World Cup 2018 hoàn toàn xứng đáng với thành tích sáu trận thắng, một trận hòa. Nhiều tuyển thủ Pháp có kỹ thuật cá nhân điêu luyện, phối hợp ăn ý, có sự gắn kết giữa kinh nghiệm và sức trẻ. B.Pa-vác, R.Va-ra-nê, N.Kan-tê, P.Pô-gba, A.Gri-ê-man..., càng chơi càng linh hoạt, cơ động, sắc bén, cống hiến cho người xem nhiều pha bóng hay, nhiều bàn thắng đẹp. Nhìn họ tả xung hữu đột trên sân cỏ có thể thấy đó là tổng thể của sự hòa trộn nhuần nhuyễn giữa "chất thép" và kỹ thuật, giữa phòng ngự và tiến công, giữa cái tôi và ý thức tập thể. Nói một cách khác, đó là phiên bản nâng cấp của đội Pháp năm 1998 trên nền tảng lối đá thực dụng. Sau 20 năm, "đội quân áo lam" lần thứ hai mang Cúp vàng thế giới về nước Pháp, tạo nên dấu ấn khó phai mờ tại nước Nga cũng như trong trái tim các cổ động viên tại quê nhà. Còn "thuyền trưởng" tài ba Ð.Ðề-săm trở thành người thứ ba, sau M.Da-ga-lô (Bra-xin), F.Bếch-ken-bao-ơ (Ðức) vô địch thế giới ở cả vai trò cầu thủ và HLV.

Crô-a-ti-a của HLV Ða-lích đã viết nên "câu chuyện cổ tích" thú vị ở giải lần này. Họ vào đá chung kết sau ba cuộc tỷ thí nốc-ao. Ðoàn quân áo ca-rô đỏ - trắng trở thành đội tuyển đầu tiên trong lịch sử dự World Cup vượt qua trận play-off ở vòng loại có mặt ở trận cuối cùng; làm đảo lộn mọi dự đoán, tạo nên bất ngờ lớn nhất. Một cái kết đẹp cho đội bóng của "những chiến binh" luôn mang tinh thần "thép", chiến đấu đến cùng trong mọi hoàn cảnh với ước muốn mang vinh quang về cho đất nước vùng Ban-căng chỉ có số dân 4,5 triệu người. Họ tạo được ấn tượng đáng nhớ trong lòng khán giả nhờ sự đoàn kết, luôn khao khát giành chiến thắng mỗi khi tranh tài. Ra-ki-tích, Man-du-kích, Pê-ri-xích, Rê-bích..., đã lập nên chiến tích làm rạng danh lịch sử bóng đá Crô-a-ti-a, hơn cả thành quả mà thế hệ đàn anh như D.Bô-ban, D.Xu-cơ, A.Bô-xích..., từng làm được trên đất Pháp cách đây hai thập kỷ.

Tại World Cup 2018, các trọng tài đã làm khá tốt nhiệm vụ được giao, điều khiển các trận đấu công tâm, khách quan, không có những sai sót đáng tiếc ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc do lần đầu Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) cho phép sử dụng công nghệ VAR (Video Assistant Referee) hỗ trợ trọng tài. Công nghệ này cũng giúp tăng mức độ chính xác trong các quyết định của trọng tài ở những pha bóng gây tranh cãi, mang lại sự công bằng hơn.

Về công tác tổ chức, nước Nga đã huy động hàng nghìn nhân viên an ninh bảo vệ tại các thành phố nơi diễn ra các cuộc so tài. Việc ăn ở của trọng tài, tuyển thủ, ban huấn luyện..., cơ bản được bảo đảm tốt, không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra. Cùng với đó, hàng nghìn tình nguyện viên Nga đã tham gia các hoạt động hướng dẫn giao thông, y tế và công tác hậu cần cho du khách nhiệt tình, chu đáo. Cơ sở hạ tầng giao thông, các sân bay, các tuyến đường ô-tô và đường sắt, hệ thống cao tốc liên thành phố được xây dựng hiện đại giúp người hâm mộ dễ dàng di chuyển xem 64 cuộc tỷ thí và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo, cổ kính xen lẫn hiện đại của nước chủ nhà.

Trái bóng "Telstar 18" (được ghép bởi hai từ "televison" và "star") đã thôi lăn, tạm biệt nước Nga thanh bình và mến khách. Hẹn gặp lại ở World Cup 2022 tại Ca-ta, với những cuộc thư hùng sôi động mới.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com