Năm 2018, mục tiêu trọng điểm của thể thao Việt Nam là Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18 (ASIAD 18) tại In-đô-nê-xi-a. Tổng cục Thể dục - Thể thao và các liên đoàn đang tập trung đầu tư chuẩn bị cho các vận động viên dự đại hội.
Đại hội quy tụ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, thi đấu 40 môn và 67 phân môn, tranh 462 bộ huy chương. Đây là đại hội thể thao mùa hè lớn nhất của châu lục, trong đó có các cường quốc về thể thao thành tích cao thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, I-ran, Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan... Việt Nam đang xếp hạng thứ 21 tại ASIAD 17 tại Hàn Quốc năm 2014 với thành tích một Huy chương vàng (HCV), 10 Huy chương bạc (HCB), 25 Huy chương đồng (HCĐ). Đây là kết quả chưa được như mong muốn và ngành thể thao đang hướng tới việc giành ba đến bốn HCV tương đương với kỳ đại hội thành công nhất vào năm 2002 (bốn HCV) bởi theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam hiện có khoảng 10 vận động viên (VĐV) có khả năng tranh chấp HCV.
Đấu trường châu Á luôn có sự cạnh tranh khốc liệt bởi sự góp mặt của các cường quốc thể thao đẳng cấp thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a với sự đầu tư về cơ sở vật chất và chuẩn bị lực lượng vận động viên, cho thấy quyết tâm cao trong việc cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng. Để đưa được những môn thế mạnh của họ như các môn võ: pen-cát si-lát, ka-ba-đi, sam-bô vào thi đấu, nước chủ nhà cũng phải chấp nhận một số môn còn xa lạ với thể thao khu vực. Từ thực tế này, để bảo đảm nâng cao thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam, Tổng cục Thể dục - Thể thao sẽ có những giải pháp cụ thể. Theo đó, ngành thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục cử vận động viên của các môn trọng điểm như: điền kinh, bắn súng, thể dục, bơi lội, cử tạ, đấu kiếm, xe đạp, bắn cung... dự tập huấn ở các nền thể thao phát triển để chuẩn bị cho ASIAD 18. Đây cũng là các môn thể thao cơ bản của hệ thống thi đấu Ô-lim-pích, đã giúp thể thao Việt Nam giành được 49 HCV trên tổng số 58 HCV tại SEA Games 29 vừa qua. Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ tham dự nhiều nội dung thi đấu tại ASIAD 18 ở các môn võ như: ka-ra-tê-đô, tê-cuôn-đô, u-su, pen-cát si-lát, giu-dít-su, sam-bô, cu-rát mà chúng ta có thế mạnh ở các hạng cân nhẹ của nam và của nữ.
Cho đến thời điểm hiện tại (tính từ đầu năm 2018), đã có hơn 400 vận động viên nước ta cùng gần 100 huấn luyện viên và chuyên gia nước ngoài đã và đang dự tập huấn tại năm địa điểm thể thao quốc gia là: Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng, Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ và Đại học Thể dục -Thể thao Bắc Ninh. Các vận động viên này sẽ tham dự khoảng 100 cuộc thi đấu trong nước để cọ xát và nâng cao trình độ chuyên môn. Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD 18, các VĐV có khả năng giành huy chương, nhất là các ứng cử viên có HCV cũng được tập huấn và thi đấu tại các nước có nền thể thao phát triển, có truyền thống và bảo đảm tốt các điều kiện cho các đội tuyển tập luyện nâng cao thành tích như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Việt Nam còn tuyển chọn và thuê 15 chuyên gia có trình độ cao để hướng dẫn tập luyện một số môn, nội dung có khả năng đạt thành tích cao là: điền kinh, bắn súng, ka-ra-tê-đô, u-su, xe đạp, bắn cung. Việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong huấn luyện và đào tạo nhằm nâng cao thành tích cho VĐV cũng được chú trọng. Trong đó ưu tiên các giải pháp về chuyên môn; y sinh học; tâm lý, hồi phục, dinh dưỡng, kỹ thuật, công nghệ thông tin và quản lý.
Thời gian qua, các VĐV đã được tăng cường chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức bền thể lực, khả năng hấp thụ và chuyển hóa năng lượng bằng hình thức sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc đồ uống giàu năng lượng giúp họ thúc đẩy chuyển hóa năng lượng, cân bằng thức ăn và đồ uống, kiểm soát trọng lượng cơ thể, tăng phát triển kích thước và số lượng nhóm cơ hoặc giúp cơ thể hồi phục nhanh sau vận động. Đây là chế độ mà các VĐV đỉnh cao thế giới cũng đang sử dụng và áp dụng trong tập luyện, nâng cao thể lực. Việc sử dụng thực phẩm chức năng sẽ được áp dụng trước, trong và sau thi đấu với kế hoạch được theo dõi và kiểm soát chặt chẽ bởi các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng cho từng VĐV của từng nhóm môn cụ thể.
Để có thể tập huấn chuyên môn đỉnh cao, bên cạnh ngân sách nhà nước theo chương trình hằng năm, Tổng cục Thể dục - Thể thao còn nhận được sự giúp đỡ kinh phí từ nhiều địa phương như An Giang chi đối ứng 15.000 USD cho VĐV Hồ Thị Kim Ngân môn tê-cuôn-đô năm 2018 và dự kiến kéo dài đến năm 2020, Cần Thơ chi đối ứng cho VĐV Đỗ Hồng Ngọc 350 triệu đồng/năm để thi đấu quốc tế và tập huấn dự kiến từ năm 2018 đến năm 2021. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng có kế hoạch đầu tư cho chương trình nguồn nhân lực thể thao đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, trong đó có phần ưu tiên đào tạo dài hạn 133 VĐV trẻ và đào tạo ngắn hạn, trung hạn cho 235 VĐV.
Theo nhandan.com.vn