VPF cuối cùng cũng đã có quyết định để ít nhất xoa dịu vấn đề trọng tài suốt những ngày qua. Nhưng không thể giải quyết gốc rễ của vấn đề bởi nằm ngoài khả năng. Để mọi thứ tốt hơn giờ VPF hay V-League chỉ trông chờ vào tự trọng của ban trọng tài mà thôi.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Cái tát của VPF...
Không lâu sau sự cố của trọng tài ở sân Nha Trang, VPF đã có hành động tạm coi xoa dịu bức xúc của người hâm mộ lẫn HAGL khi quyết định “loại” vua áo đen Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư khỏi V-League.
Chưa dừng lại ở đó, VPF cũng đã đồng thời cũng tạm dừng vai trò giám sát của phó ban trọng tài Dương Văn Hiền hòng dập tắt nguy cơ tiềm ẩn ở V-League, với sự bất mãn dành cho các vua sân cỏ đã và đang lên rất cao.
Hành động nằm trong chức năng, quyền hạn của VPF dù chưa thể giải quyết được vấn đề, nhưng nó được ví như “cái tát” mạnh vào ban trọng tài - vốn bất khả xâm phạm nhiều năm qua.
Và với những gì đã diễn ra suốt nhiều mùa giải, cũng như đang thấy câu chuyện từ chối hợp tác giữa VPF và ban trọng tài chắc chắn chưa dừng ở đây để phía trước còn rất nhiều câu chuyện cần phải nói...
Và ban trọng tài nếu còn tự trọng...
Như đã nói ở trên, việc VPF đưa ra quyết định của mình hoàn toàn chưa thể giải quyết trọn gói mọi vấn đề về trọng tài. Chính bởi thế, giờ các đội bóng hay người hâm mộ đang rất hy vọng những gì mà VPF xử lý sẽ làm ban trọng tài “xấu hổ” để tốt hơn.
Thế nhưng, liệu rằng điều này có thể xảy ra? E rằng hơi khó, bởi việc từ chối hợp tác với các trọng tài Nguyễn Văn Kiên, Nguyễn Trọng Thư và “sếp phó” Dương Văn Hiền có lẽ cũng chỉ giải quyết được phần ngọn mà thôi.
Không những chưa thể giải quyết tận gốc, kể cả khi người đứng đầu là trưởng ban Nguyễn Văn Mùi sẽ thôi giữ chức ở nhiệm kỳ tới, việc từ chối hợp tác với các trọng tài có kinh nghiệm (đồng nghĩa với quan hệ sâu, rộng trong giới) đang đẩy VPF đối đầu với giới cầm còi một cách rõ rệt.
Bởi nên nhớ rằng, ở ban trọng tài với trưởng ban Nguyễn Văn Mùi - người luôn được coi là chỗ dựa, là người thầy của rất nhiều vua sân cỏ khác, việc VPF xử lý (dù chính xác) đụng chạm không nhỏ đến sự tự tôn của những người còn lại. Chẳng những chưa thể giải quyết, ở ban trọng tài vốn dĩ giống như một “tập đoàn mafia” làm mưa, làm gió ở các giải đấu V-League bao năm qua, việc “trảm” hay không hợp tác cũng chẳng ảnh hưởng gì cho lắm. Cứ nhìn việc nhiều trọng tài bị treo còi, hoặc VPF “loại”,... là đủ thấy.
Gần như không có bất cứ sự sợ hãi nào để rồi mỗi mùa giải người nào bị trảm, hay rơi vào tình huống không được làm nhiệm vụ ở V-League, hạng Nhất cũng chỉ được là “xui rủi” thì liệu rằng có chờ mong gì câu chuyện tự trọng từ các vua?
Hỏi cũng là trả lời, bởi nếu còn chắc giờ ban trọng tài hay các vua sân cỏ không phải đối mặt với sự hắt hủi từ các đội bóng, người hâm mộ như đang thấy. Mà khi hết tự trọng, hoặc còn rất ít thì còn mong chờ gì được nữa!
Theo Vietnamnet