Khi xạ thủ quân đội Hoàng Xuân Vinh giành HCV, phá kỷ lục ở Olympic Rio 2016, đó là thời khắc nhiều người hâm mộ Việt Nam trải qua cảm xúc khó tả.
Tấm HCV và cả HCB sau đó của Hoàng Xuân Vinh đã giúp thể thao Việt Nam khẳng định được đẳng cấp trước bạn bè thế giới. Nói như ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam thì: “Vàng Hoàng Xuân Vinh đoạt được ở Thế vận hội 2016 là vàng mười. Chứng kiến xạ thủ quân đội này giành HCV ở Rio 2016, tôi đã lên cơn đau tim vì vui mừng, xúc động; may mà có bà xã ở bên cho uống thuốc kịp thời”.
Thế rồi, ông Hoàng Vĩnh Giang vừa khóc vừa trải lòng cùng tác giả: “Phải là những người làm thể thao lâu năm như chúng tôi mới hiểu hết giá trị của những tấm huy chương, kỷ lục Olympic mà các tuyển thủ Việt Nam giành được ở đấu trường Thế vận hội. Năm 2000, thể thao Việt Nam lần đầu tiên đạt được HCB Olympic nhờ công của võ sĩ Trần Hiếu Ngân. Đến Thế vận hội năm 2008, Việt Nam mới lặp lại thành tích HCB của đô cử Hoàng Anh Tuấn. Và 8 năm sau chiến tích của Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Xuân Vinh đã làm nên điều kỳ diệu. Nhắc lại chuyện cũ để thấy chúng ta có quyền hy vọng, mơ mộng nhưng giành được huy chương ở đấu trường đỉnh cao Olympic là việc cực khó với thể thao Việt Nam; xem ra ASIAD là sân chơi phù hợp với sức ta, lực ta và tham vọng của thể thao nước nhà”.
Thạch Kim Tuấn, một trong những niềm hy vọng vàng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018. |
Thể thao Việt Nam chỉ giành 2 HCV qua hai kỳ ASIAD gần đây, cả hai HCV đều nhờ công VĐV các môn võ. Và ở kỳ ASIAD 2018 tới đây trên đất Indonesia, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch muốn Đoàn thể thao Việt Nam phải giành ít nhất 3 HCV trở lên, trong đó có môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic.
Nhóm trọng điểm của thể thao Việt Nam ở ASIAD 2018 gồm 5 môn: Bơi, điền kinh, cử tạ, bắn súng, TDDC. Các môn nằm trong nhóm 2, nhóm 3, dẫu chúng ta có tới hàng chục hảo thủ nhưng để giành HCV thực không đơn giản. Thể thao Việt Nam đã tiếp cận thành tích châu lục ở nhiều môn Olympic, nhưng 2 HCV ở 2 kỳ ASIAD gần đây cho thấy chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, đầu tư nhiều hơn nữa ở đại hội châu lục.
Chuẩn bị cho ASIAD 2018, Tổng cục TDTT đã có danh sách các VĐV được đầu tư trọng điểm. Ông Trần Đức Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định: “Chúng tôi xác định ASIAD là trục quay cho 2 đại hội quan trọng khác là Olympic và SEA Games. Điểm khác biệt là ở Olympic, VĐV Việt Nam chỉ phấn đấu qua vòng loại còn giành huy chương là thách thức rất lớn. Mục tiêu trung tâm của thể thao Việt Nam vẫn phải là ASIAD. Và ở kỳ ASIAD 2018 lần này, chúng ta phải giành bằng được HCV ở môn Olympic. Nếu chúng ta không làm được điều đó, cá nhân tôi nghĩ ASIAD 2018 sẽ không thành công với thể thao Việt Nam”.
Bàn về tham vọng của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 và xa hơn là đấu trường Olympic, ông Hoàng Vĩnh Giang cho rằng: “Chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn trong vấn đề thể thao nhưng ngành TDTT đã đóng một vai trò đúng với nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho, đó là nâng cao sức khỏe nhân dân và làm nhiệm vụ quốc tế. Ngay từ khi Bác Hồ khai sinh ra ngành thể thao, Bác đã giao nhiệm vụ một cách rất rõ ràng, đó là: TDTT là góp phần nâng cao sức khỏe của toàn dân. Đối tượng của thể thao và sản phẩm của thể thao là con người, là sức khỏe, là lực lượng lao động, tăng cường học tập tốt, lao động tốt và bảo vệ Tổ quốc… Từ 3 HCV ở SEA Games lần thứ 15, Việt Nam đã đăng cai và đạt thành tích nhất toàn đoàn một cách ngoạn mục vào năm 2003, khi là chủ nhà SEA Games lần thứ 22. Từ đó đến nay, ở đấu trường SEA Games, Việt Nam luôn có mặt trong tốp 3 toàn đoàn. ASIAD, chúng ta giành rất nhiều huy chương và thông qua đấu trường này, thể thao Việt Nam đã, đang và sẽ khẳng định mục tiêu cao nhất là tấn công vào đấu trường Olympic”.
Theo qdnd.vn