Dư luận đang chú ý xung quanh những tranh luận về cuộc bầu cử Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ mới. Từ chuyện ông Đoàn Nguyên Đức không ứng cử cho đến việc các ông bầu "hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại"…
Ông Đoàn Nguyên Đức. |
Thậm chí trong diễn biến mới nhất, ông Đoàn Nguyên Đức đã tuyên bố thẳng thừng: “Nếu anh Tú (Trần Anh Tú) trúng cử Phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính nhiệm kỳ mới, ngày hôm sau tôi sẽ cho Xuân Trường, Công Phượng nghỉ bóng đá ngay”. Hiểu sâu xa hơn thì có thể ngay cả Trung tâm đào tạo bóng đá Hoàng Anh Gia Lai cũng đóng cửa nếu “bầu Đức”… không vui. Bóng đá Việt Nam ghi công “bầu Đức”, khi là người mở đường liên kết với đối tác nước ngoài (Arsenal) đào tạo bóng đá trẻ quy mô lớn, có chiến lược bài bản. Có thể trong từng hoàn cảnh cụ thể, việc đào tạo cầu thủ trẻ của học viện trên phố Núi không được như ý muốn của các bên, dẫn tới sự rút lui của đối tác Arsenal; nhưng không thể phủ nhận, chính ông Đoàn Nguyên Đức đã thổi luồng sinh khí tươi mát vào công tác đào tạo trẻ bóng đá nước nhà.
Giả sử nếu ông Đoàn Nguyên Đức thực sự nhấc chân khỏi bóng đá, tin rằng ông sẽ tập trung toàn tâm toàn ý vào công việc kinh doanh của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, cũng như có thêm thời gian theo đuổi những mục tiêu khác. Bóng đá nước nhà thật sự cần những đại gia tâm huyết với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xã hội hóa thể thao. Nhưng để làm bóng đá một cách thực sự tử tế là việc không đơn giản. Vào tháng 9-2011, khi chính thức thôi không tài trợ cho CLB Hòa Phát Hà Nội, thực sự “cắt duyên” với bóng đá, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch đội bóng trải lòng: “Chúng tôi cảm thấy bóng đá không còn phù hợp với mình nữa. Làm bóng đá mất nhiều thời gian chứ không thể mong thành công một sớm một chiều. Để có một lứa cầu thủ, phải mất 5, 7 năm. Mình làm không được thì để người có chuyên môn tốt hơn làm thay. Tập đoàn Hòa Phát ban đầu đến với bóng đá, đơn giản vì niềm đam mê. Chúng tôi rất hồ hởi. Nhưng rồi có thể mọi thứ không còn phù hợp nữa, việc rút lui của Hòa Phát có khi lại tốt. Trong chừng mực nào đấy, có thể hy vọng như sự cảnh tỉnh với người ta, để có phản ứng lại tích cực. Bóng đá không đơn thuần là việc riêng của cá nhân ai, hay của tập đoàn nào, mà là của xã hội. Nếu có điều gì đó tiếc nuối thì chỉ là việc chúng tôi đã làm không được tốt như mong mỏi của người hâm mộ”.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Hòa Phát Hà Nội dù không còn hoạt động ở lĩnh vực bóng đá nhưng chưa bao giờ hết đam mê với môn thể thao vua này. Khi U.23 Việt Nam vượt qua U.23 Qatar ở bán kết VCK U.23 châu Á 2018, ông Long đã “thưởng nóng” cho thầy trò HLV Park Hang-seo 1 tỷ đồng. Ông Long từng thừa nhận “làm bóng đá rất đau đầu, tốn nhiều thời gian, công sức” và lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát khi không làm bóng đá nữa, đã thẳng thắn nêu quan điểm: Đơn giản là làm không tốt thì rút lui. Giờ đã nghỉ rồi, có nói có trách ai cũng không có tác dụng gì.
Đáng suy nghĩ không, khi một năm sau khi thôi không “dính” vào bóng đá, doanh thu của tập đoàn Hòa Phát bắt đầu tăng mạnh mẽ và vào ngày 22-3-2018, theo những thông tin ở đại hội cổ đông tập đoàn này, ông chủ Trần Đình Long sẽ nhận tiền thưởng, tiền thù lao và tiền trả cổ tức bằng cổ phiếu trị giá hơn 7.200 tỷ đồng. Nếu lãnh đạo Hòa Phát còn đam mê, đầu tư cho bóng đá, thì số tiền bỏ ra một năm cỡ 60-70 tỷ đồng với tập đoàn này chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng vì sao Hòa Phát không thích bóng đá nữa thì lãnh đạo VFF rõ hơn cả.
Quay trở lại chuyện ông Đoàn Nguyên Đức dọa rút Công Phượng, Xuân Trường… khỏi đời sống bóng đá nước nhà, hẳn là có cắc cớ sau những phát ngôn gây sốc. Nhưng không đùa được với những ông bầu có tâm với bóng đá và thích các cuộc chơi luôn bảo đảm tính công bằng. Giả dụ “bầu Đức” chán bóng đá, thì “bầu Hiển”, “bầu Phương”, “bầu Tú”... chơi với ai?
Theo qdnd.vn