Nhiều người tin rằng, các VĐV Việt Nam cần lấy chiến tích của U.23 Việt Nam làm nguồn cảm hứng. Đấy là câu chuyện của khát vọng chiến thắng, yếu tố mang tính quyết định đối với những nền thể thao khao khát vượt hơn chính mình.
Đại hội Thể thao châu Á - Asiad 4 năm mới diễn ra một lần. Ý nghĩa của từng tấm huy chương vì vậy cũng khác so với các giải vô địch từng môn tổ chức hằng năm. Nó giống như một đợt tổng kết, để phô trương hoặc khẳng định sức mạnh của nền thể thao quốc gia. Một VĐV hàng đầu ở môn thi của mình hằng năm tại châu Á mà không đoạt HCV Asiad thì cũng không thể xem là đạt đến đỉnh cao sự nghiệp.
Bốn năm trước ở Asiad 2014 diễn ra tại In-chơn (Hàn Quốc), đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) chỉ có 1 HCV đến từ nữ võ sĩ Dương Thúy Vi - bộ môn wushu. Dù kỳ Asiad đó vẫn được xem là tiến bộ nhờ những tấm huy chương bạc quý giá của môn bơi, xe đạp, điền kinh, cử tạ, đua thuyền…, nhưng sự thật là TTVN vẫn đang đi lùi ở đấu trường này. Từ chỗ 4 HCV tại Bu-san 2002, các đại hội sau đó rơi xuống thành 2, rồi chỉ 1 HCV ở 2 Asiad gần nhất.
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Khác với SEA Games, tại Asiad thường sẽ không có phân nửa các nội dung thi đấu “mỏ vàng” của TTVN. Trong khi đó, ở những môn thi cơ bản, các VĐV phải đối đầu với đối thủ mạnh hơn rất nhiều. So với một số đoàn thể thao Đông Nam Á khác, Việt Nam chưa có môn thể thao sở trường như trường hợp quyền Anh, cầu mây của Thái Lan hay cầu lông của In-đô-nê-xi-a... Chính vì thế, dù tổng số huy chương của TTVN tăng lên qua từng kỳ Asiad, đi kèm với đó là thứ hạng trên bảng xếp hạng chung cuộc, nhưng rất khó mà đánh giá sự tiến bộ nếu không cải thiện được số HCV.
Tại Asiad 2014 vừa qua, 3 nền thể thao Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã thâu tóm đến 64% số HCV và hơn 53% tổng huy chương. Để vượt qua các VĐV - không chỉ là hàng đầu châu Á mà còn của thế giới - đến từ những nền thể thao trên, chắc chắn là thử thách cam go cho những VĐV Việt Nam. Mục tiêu 2-3 HCV mà TTVN đặt ra không hề đơn giản.
Vì thế, nhiều người tin rằng, các VĐV Việt Nam cần lấy chiến tích của U.23 Việt Nam làm nguồn cảm hứng. Đấy là câu chuyện của khát vọng chiến thắng, yếu tố mang tính quyết định đối với những nền thể thao khao khát vượt hơn chính mình. Để có thể biến những tấm huy chương màu đồng, màu bạc thành HCV, không chỉ phải nỗ lực tập luyện nhiều hơn mà còn phải có thứ phẩm chất tinh thần mà U.23 Việt Nam đã thể hiện tại Trung Quốc vừa qua.
Bóng đá chính là môn thể thao tốn kém nhất nhưng yếu thế nhất trong đoàn TTVN mỗi khi tham dự. Phải đến năm 1998, bóng đá mới lần đầu tiên góp mặt và phải đến kỳ Asiad 2014, đội tuyển Ô-lim-pích mới vượt qua vòng bảng, sau khi tạo ra cơn địa chấn trước I-ran. Nhưng sau chiến tích tại Trung Quốc vừa qua, hy vọng đang được đặt nhiều vào đội tuyển Ô-lim-pích dự Asiad sắp đến, với đa số là các tuyển thủ U.23 hiện nay. Nó cho thấy vị thế mới của bóng đá Việt Nam nói riêng và TTVN nói chung. Xét ở góc độ nào đó, việc bóng đá vươn đến tầm châu lục khó hơn nhiều so với các môn mang tính cá nhân. Chính vì thế, nếu đội tuyển U.23 đã giành được vị trí á quân châu lục thì chuyện các VĐV ở những môn khác quyết tâm đổi màu huy chương là kỳ vọng mà ai cũng chờ đợi.
Hy vọng, nguồn cảm hứng đến từ U.23 Việt Nam sẽ tạo động lực cho chính họ tại sân chơi Asiad 2018 cũng như cho những tài năng khác của TTVN./.
Theo SGGP