Sea Games 18 (năm 1995) trên sân Chieng Mai (Thái Lan), đội tuyển Việt Nam có trận ra quân thắng Malaysia 2-0. Sau khi trọng tài thổi hồi còi kết thúc trận đấu, một nhóm CĐV Việt Nam ào xuống sân chúc mừng thầy trò HLV Weigang; trong đó có một thanh niên trông rất “phủi” đã tặng đội tuyển Việt Nam một tập “đô” dầy cộp.
Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam có tìm hiểu về nhân vật trên thì được biết: Người đó là chủ một doanh nghiệp gỗ ở Hoàng Anh Gia Lai cực kỳ mê bóng đá.
23 năm sau, khi đội tuyển U.23 Việt Nam đá trận chung kết U.23 châu Á ở Thường Châu (Trung Quốc), thanh niên phủi năm nào-giờ là bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức)- liên tục nhận được điện thoại chúc mừng.
Lương Xuân Trường (đội trưởng U.23 Việt Nam) năm 13 tuổi ăn tập ở Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG. |
Bóng đá Việt Nam hơn hai thập niên qua, trải qua bao thăng trầm, có ông chủ đầu tư vào bóng đá rầm rộ nhưng cũng nhanh chóng lặng lẽ “nhấc nhân”. Có ông chủ đội bóng vướng vào vòng lao lý. Nội bộ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) rõ là “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” nhưng những ông chủ yêu bóng đá, đam mê bóng đá như bầu Đức, bầu Hiển vẫn đang âm thầm gây dựng, đào tạo bóng đá trẻ theo cách của riêng mình. Thành công hay thất bại thì còn phải đợi thời gian trả lời. Như Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG khó nói là thành công mỹ mãn, bởi vì đối tác đã ngừng hợp tác khi đôi bên không tìm thấy đầu ra cho cầu thủ như tính toán ban đầu. Mục tiêu khi bầu Đức và Arsenal hợp tác là đào tạo cầu thủ đủ sức thi đấu ở trời Âu, trong màu áo những đội bóng danh tiếng, chứ không phải là Công Phượng, Xuân Trường thi đấu cho những đội bóng thường thường bậc trung ở Hàn Quốc, Nhật Bản; nếu không muốn nói trắng ra là để phục vụ cho những mục tiêu khác, như phát triển du lịch chẳng hạn.
Nhưng dù muốn hay không, thành công của lứa U.20 Việt Nam lọt vào VCK World Cup, hay ngôi á quân của thầy trò HLV Park Hang-seo có công rất lớn của các “lò” đào tạo: Viettel, Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, Thanh Hóa, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF)…
Nói đến đào tạo trẻ Việt Nam thì không thể không nhắc đến bầu Đức, với cú đột phá táo bạo, đình đám hợp tác với Arsenal. Mô hình đào tạo của Học viện Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG có thể còn một số mặt hạn chế, chưa thực tế nhưng rõ ràng đó là mô hình đặc sắc, mang màu sắc toàn cầu hóa, đủ để nhào nặn một cầu thủ trẻ tiềm năng thành một ngôi sao bóng đá, chí ít là ở tầm Đông Nam Á.
Hãy nhìn cách Xuân Trường điều tiết bóng, cầm chịch trận đấu ở VCK U.23 châu Á 2018; đó là hình bóng của một người đội trưởng đội tuyển Việt Nam trong tương lai gần. Xuân Trường đá không hoa mỹ nhưng hiệu quả, đơn giản, tránh mất sức. Thể hình, thể lực cầu thủ Việt Nam nói như thầy Park khó lòng so bì với cầu thủ Hàn Quốc nhưng “bé có võ”. Cầu thủ ta nhỏ con nhưng biết luồn sâu đánh hiểm, biết vận dụng trí khôn vào từng đường bóng và Quang Hải, Xuân Trường, Công Phượng cực kỳ “khôn” bóng.
Nếu bầu Đức, bầu Hiển… không có tài hơn người, không có niềm đam mê bất tận với bóng đá, thì có lẽ bóng đá trẻ Việt Nam vẫn còn “ngủ” qua đông này. Khi bầu Đức đến Arsenal bàn chuyện hợp tác bóng đá, ban đầu chuyện đâu có “xuôi chèo mát mái” vì phía bạn biết quá ít thông tin về bóng đá Việt Nam. Bởi thế, ông nghĩ “phải tìm cách để cho lãnh đạo Arsenal thấy chúng ta muốn làm ăn đàng hoàng với họ. Thế rồi một ý tưởng lóe lên trong tôi, phải chạy biển quảng cáo có dòng chữ “Hoàng Anh Gia Lai-Việt Nam” trên sân Emirates. Thế là cứ cuối tuần, khi Arsenal đá sân nhà Emirates, khán giải Việt Nam và hàng triệu người trên thế giới thấy có dòng chữ “Hoàng Anh Gia Lai-Việt Nam”. Quả thật cũng tự hào chứ!”.
Trong thành công của U.23 Việt Nam, có sự chung tay đóng góp của nhiều “lò” đào tạo và không thể không nhắc đến người có công đầu tiên: Ông Đoàn Nguyên Đức. Mừng cho U.23 Việt Nam, chúng tôi lại nhớ tới chia sẻ rất xúc động của ông Đoàn Nguyên Đức: “Cả cuộc đời tôi, dù làm kinh tế hay bóng đá thì mục tiêu cuối cùng là giúp cho dân ta sướng, để bạn bè trên thế giới biết đến Việt Nam”.
Theo qdnd.vn