Đã có một cuộc đối thoại khá thẳng thắn về phát triển bóng đá Việt Nam trong dịp cuối năm vừa qua, nhưng như thế chưa đủ để có thể giải quyết triệt để các vấn đề nổi cộm tồn tại nhiều năm qua của bóng đá nước nhà. Và bây giờ, điều quan trọng nhất là phải có những giải pháp cụ thể, trong đó sự đổi mới về cung cách làm việc, điều hành của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để đưa nền bóng đá phát triển.
Người hâm mộ đón đội tuyển U23 Việt Nam trở về sau khi giành ngôi Á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á. |
Trước đây, khi Đại hội của VFF bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ 7 (giai đoạn 2014 - 2018) từng được những người làm bóng đá và giới hâm mộ trong cả nước kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới về quản lý cho bóng đá Việt Nam trên hành trình chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này đã nảy sinh không ít bất cập và nhiều vấn đề nổi cộm khiến người hâm mộ chưa thật tin tưởng, trong đó có những vấn đề nảy sinh từ chính những nhà quản lý VFF với những phát ngôn gây tranh cãi và nhiều mục tiêu thành tích đề ra không đạt được. Tại cuộc đối thoại phát triển bóng đá Việt Nam cuối năm vừa qua dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nguyên Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực đã thẳng thắn góp ý: Tôi chăm chú nghe và quan sát như xem một trận đấu không cân sức giữa anh Tuấn (Phó Chủ tịch Thường trực VFF), anh Hoài Anh (Tổng Thư ký VFF) và phần đông các đại biểu còn lại ở cuộc đối thoại này. Tôi từng làm bóng đá và nghe ý kiến của các anh lão thành ở đây thì thấy rằng làm bóng đá phải chịu rất nhiều áp lực, bởi đây là môn thể thao được đông đảo người hâm mộ Việt Nam yêu mến. Tôi mong rằng những người làm quản lý ở VFF phải thật sự cầu thị, lắng nghe, chịu khó tìm hiểu. Làm bóng đá là phải tâm huyết và dấn thân, phải cầu thị...
Không chỉ có ông Mai Liêm Trực, nhiều chuyên gia bóng đá lâu năm và đều là những người từng nắm vai trò quản lý tại VFF ở nhiệm kỳ cũ như các ông: Trần Duy Ly, Ngô Tử Hà, Lê Thế Thọ cũng cho rằng nên có những cải tổ về công tác quản lý, điều hành, nhất là về đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở kỳ Đại hội toàn quốc của VFF lần thứ tám sẽ tổ chức tháng ba năm nay. Rõ ràng, không phải cứ nhìn thấy bề ngoài không có tranh cãi nghĩa là sự điều hành, quản lý của VFF với bóng đá đã thành công toàn diện. Là người không chuyên sâu về bóng đá, nhưng chính chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh (nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao - Tổng cục Thể dục - Thể thao) cũng phải bày tỏ: “Liên đoàn bóng đá Việt Nam và Tổng cục Thể dục - Thể thao thường đưa ra những kết quả tốt và suôn sẻ, nhưng không nêu ra được các hạn chế. Vì sao đào tạo trẻ tốt, VFF tốt, đội tuyển tốt mà chúng ta không thể làm được điều mọi người mong mỏi là vô địch môn bóng đá nam tại SEA Games. Chúng ta phải nên xem lại cách làm và chỉ ra khúc mắc vì sao”.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng cũng nhìn nhận: “VFF đã có quy chế phát ngôn và quy chế về người phát ngôn, nhưng trong một số thời gian, có hiện tượng một số đồng chí lãnh đạo VFF phát biểu mâu thuẫn với nhau, dư luận cho là mất đoàn kết. Tổng cục Thể dục - Thể thao đã chỉ đạo và hiện giờ vấn đề này đã có những thay đổi”. Trong từng giai đoạn, đội ngũ quản lý VFF khác nhau và không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Những người có kinh nghiệm từ thực tiễn thi đấu bóng đá cho đến quản lý bóng đá đều hiểu rõ điều này. Nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu cho biết: “Tôi nghĩ việc bầu Chủ tịch VFF suốt bảy nhiệm kỳ qua chúng ta thực hiện kiểu chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu công khai. Ứng viên phải là người đề ra chương trình hành động cho bóng đá Việt Nam và bảo vệ nó trước Đại hội, nếu trúng sẽ làm chủ tịch xứng đáng”. Tuy ai cũng biết, VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, không yêu cầu tất cả nhân sự là người nắm chuyên môn thuần túy, song ở cấp quản lý, người giỏi cả chuyên môn lẫn quản lý cũng vô cùng cần thiết. Đáng tiếc là trong tất cả các kỳ chuẩn bị cho Đại hội của VFF trước đây, Liên đoàn rất hiếm khi công khai danh tính các ứng cử viên cho vị trí Chủ tịch Liên đoàn trong công tác chuẩn bị và mọi người chỉ được biết khi Đại hội tổ chức bầu chọn.
Muốn phát triển vững mạnh, trước hết phải làm “sạch” bóng đá Việt Nam. Đây cũng là khẳng định từ Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng cục trưởng Thể dục - Thể thao Vương Bích Thắng và Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cũng như đại diện Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp của Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF). Lãnh đạo các cấp đều thừa nhận các giải bóng đá nước ta chưa thật sự “sạch”, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực, nhường điểm… và là những căn nguyên dẫn đến làm thưa vắng khán giả trên các khán đài. Muốn cải tổ bóng đá Việt Nam, việc cần thiết chính là đổi mới về tư duy, cách điều hành, quản lý của lãnh đạo VFF cùng những quy định, chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các vấn đề tiêu cực và lộn xộn trong quản lý thời gian qua.
Theo nhandan.com.vn