Không có đối thủ dễ

07:08, 11/08/2017
Việc đánh giá Việt Nam rơi vào bảng tử thần tại SEA Games 29 chủ yếu đến từ các cái tên Thái Lan và In-đô-nê-xi-a. Tuy nhiên, cái khó của bảng này còn nằm ở số lượng 6 đội. Số trận phải đá càng nhiều, rủi ro càng lớn.
 
Đông Ti-mo Lét-xtê là đối thủ đầu tiên của U22 Việt Nam và được xem là đội yếu nhất bảng, thế nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết.
 
Đội bóng này đã thua Việt Nam 0-4 trong trận đấu vòng loại U23 châu Á vừa qua, tuy nhiên trận này diễn ra trong điều kiện thời tiết quá xấu, không thể nói được gì nhiều. Ở một điều kiện tốt hơn, họ thắng Ma Cao đến 7-1, trước đó cầm hòa U22 Hàn Quốc. Xét về mặt thành tích, họ đâu kém hơn đội bóng của HLV Hữu Thắng?!
Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet
Đội thứ 2 cũng bị đánh giá thấp trong bảng là Căm-pu-chia nhưng cũng chỉ là lý thuyết. Tại vòng loại U23 châu Á, họ cầm hòa Trung Quốc, thua Nhật Bản 0-2 ở các phút cuối và đánh bại Phi-líp-pin. Trước đó, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Căm-pu-chia thắng Áp-ga-nít-xtan, đội bóng mà Việt Nam bị cầm hòa. Như vậy, chưa thể vội vàng cho rằng bóng đá Căm-pu-chia đang thấp hơn trình độ của bóng đá Việt Nam như trước đây. 
 
Riêng Phi-líp-pin, do ở cấp độ U22 họ thường không có cầu thủ gốc nước ngoài giỏi nên rất khó đoán sức mạnh tại Ma-lai-xi-a sắp đến.
 
Điều kiện cần để Việt Nam vào bán kết là thắng tối thiểu 3 trận. Về lý thuyết thì 3 đội Đông Ti-mo Lét-xtê, Căm-pu-chia và Phi-líp-pin chính là nơi để lấy trọn điểm số.
 
Nhưng nếu chúng ta để ý sẽ thấy cả Đông Ti-mo Lét-xtê lẫn Căm-pu-chia đều chơi rất tốt khi gặp đối thủ mạnh, nhờ tư tưởng phòng thủ. Họ từng cầm hòa Hàn Quốc lẫn Trung Quốc thì đủ tự tin để cầm hòa Việt Nam. Đá với những đối thủ có tư tưởng phòng ngự chính là cái khó của đội U22 Việt Nam hiện nay khi hàng công thiếu sắc bén. 
 
Đã thế, dường như đội bóng của HLV Hữu Thắng đã “lộ bài” từ lâu. Từ đầu năm đến nay, các đội bóng dưới tay ông Thắng chỉ đá có một kiểu. Trong 5 đối thủ sắp đến tại Ma-lai-xi-a thì có lẽ chỉ Thái Lan mới tính đến chuyện chơi đôi công, 4 đội còn lại gần như sẽ đá phòng thủ - phản công khi gặp U22 Việt Nam. Còn nhớ, ngay cấp độ đội tuyển thì năm trước In-đô-nê-xi-a cũng đã chơi như vậy và thành công thì chẳng có lý do gì U22 của họ lại không lặp lại đấu pháp đó. 
 
Tất nhiên, đã muốn vô địch thì phải thắng mọi trận đấu. Nhưng có tự tin đến mấy cũng cần phải tính toán cẩn trọng bởi hành trình để thắng chiếc HCV SEA Games thậm chí còn khó khăn hơn cả… vô địch World Cup. Tổng cộng sẽ phải đá 7 trận, tối thiểu phải thắng 5 trận nhưng chỉ đá trong vòng 15 ngày, tức là trung bình cứ hơn 2 ngày lại phải ra sân. Nói cách khác, có mạnh đến mấy cũng cần những phương án B, C để giảm áp lực cho cầu thủ. Chưa kể, hành trình của U22 Việt Nam là từ dễ đến khó, bung sức quá sớm thì sẽ “đuối” ở đoạn cuối mà hầu như không có thời gian nghỉ ngơi.
 
Thế nên, việc gặp những đội yếu nhất bảng ngay từ đầu chưa hẳn đã hay. Chỉ cần một cú hụt chân bị cầm hòa trước Đông Ti-mo Lét-xtê hay Căm-pu-chia thì cũng đồng nghĩa phải đá 100% sức cho các trận còn lại./.
 
Theo SGGP


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com