Huyện Giao Thủy hiện có 8 xã: Giao Tiến, Giao Long, Giao Hải, Giao Châu, Giao Yến, Bình Hòa, Giao Xuân, Hồng Thuận thành lập CLB Thái cực trường sinh đạo với số lượng khoảng 260 hội viên. Người có công đưa phong trào Thái cực trường sinh đạo của huyện phát triển là ông Vũ Long Vân ở xã Giao Tiến. Ông Vân năm nay 86 tuổi nhưng vẫn dẻo dai, nhanh nhẹn. Ông cho biết, với mong muốn tìm bài tập cho người cao tuổi từ năm 2003 ông đã lên gặp CLB Thái cực trường sinh đạo tỉnh để học về truyền dạy và vận động thành lập CLB Thái cực trường sinh đạo của xóm, sau đó phát triển thành CLB của xã Giao Tiến. Được Ban chủ nhiệm CLB Thái cực trường sinh đạo tỉnh phân công phát triển phong trào ở huyện Giao Thủy, ông đã tích cực tham mưu cho Hội NCT các xã, thị trấn tuyển chọn những hội viên nhanh nhẹn, nhiệt tình để đào tạo hướng dẫn viên giảng dạy cho NCT, đồng thời vận động thành lập CLB. Hiện ông đang vận động Hội NCT xã Giao Phong và Thị trấn Quất Lâm chuẩn bị các điều kiện thành lập, ra mắt CLB Thái cực trường sinh đạo vào quý III-2017. Với những đóng góp cho phong trào Thái cực trường sinh đạo của huyện, ông Vũ Long Vân được NCT các xã, thị trấn trong huyện quý mến.
Anh Đàm Hồng Sáng, 44 tuổi ở chợ Dần, xã Trung Thành (Vụ Bản) là người kinh doanh và lái xe ô tô dịch vụ. Hồi trẻ, anh là VĐV bóng đá phong trào, thường xuyên tham gia đội bóng đá huyện Vụ Bản thi đấu tại các giải bóng đá của tỉnh. Với kiến thức chuyên môn về bóng đá, lại nhiệt tình với phong trào nên anh Sáng được thanh niên trong xã tín nhiệm đứng ra tổ chức các giải bóng đá trong xã, các giải bóng đá liên xã: Trung Thành, Đại An, Kim Thái, Quang Trung trong huyện. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh Sáng vẫn dành thời gian để tổ chức giải đấu như lựa chọn sân bãi, sắp xếp lịch thi đấu, thuê bình luận viên, thuê người lắp đặt hệ thống loa, đài, quay camera, chụp ảnh... Nhiều trận đấu, anh trực tiếp làm trọng tài điều khiển. Có kiến thức chuyên môn, nhiệt tình, anh được Phòng VH-TT huyện Vụ Bản nhiều năm mời làm huấn luyện viên các đội bóng đá thanh niên, thiếu niên, nhi đồng huyện và nhiều lần đoạt giải cao tại các Giải bóng đá của tỉnh.
|
CLB Bóng chuyền hơi nữ xã Hải Tây (Hải Hậu) trong một buổi tập. |
Thực hiện Chương trình phát triển TDTT ở xã, phường, thị trấn của Thủ tướng Chính phủ, đến nay toàn tỉnh có 1.032 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT. Đây là những người có kiến thức chuyên môn về thể thao, nhiệt tình tuyên truyền các chủ trương, chính sách về phát triển TDTT của Đảng và Nhà nước; các phương pháp, hình thức vận động quần chúng nhằm phát triển phong trào TDTT; kỹ thuật, phương pháp tập luyện, luật thi đấu các môn thể thao; phương pháp tổ chức các hoạt động TDTT; kiến thức sức khỏe và vệ sinh TDTT. Họ đóng vai trò quan trọng trong phát triển phong trào TDTT cơ sở, góp phần giảm tải công việc cho đội ngũ cán bộ thể thao của các xã, phường, thị trấn. Những năm qua, phong trào TDTT huyện Hải Hậu luôn dẫn đầu phong trào TDTT của tỉnh có nguyên nhân là do phát triển lực lượng hướng dẫn viên, cộng tác viên thể thao. Toàn huyện hiện có khoảng 120 cộng tác viên thể thao cơ sở, chủ yếu là giáo viên thể chất các trường học phát triển các môn: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, cờ vua, bơi chải, điền kinh... khắp các thôn, xóm, tổ dân phố. Nhiều hướng dẫn viên TDTT có tiếng về “tâm”, “tài” trong huyện như các anh Trần Văn Trung, Nguyễn Chí Công, Nguyễn Văn Sáng xã Hải Phú; ông Trần Văn Sinh xã Hải Cường ở môn bóng chuyền; thầy Vũ Thế Viện, Trường THPT B Hải Hậu ở môn điền kinh. Huyện Ý Yên có khoảng 120 hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT ở cơ sở. Nhiều người đóng góp vào phát triển phong trào TDTT huyện như thầy giáo Hà Quang Dự, giáo viên thể chất Trường THPT Tống Văn Trân thường xuyên tham gia các lớp bồi dưỡng bóng đá, cầu lông cho người dân trong huyện; cô giáo Hoàng Thị Yến, Trường THCS Yên Ninh có công phát triển môn cờ vua trong học sinh... Đồng chí Dương Văn Thành, Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT huyện Ý Yên cho biết: Với kiến thức, kinh nghiệm của mình, đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở đã tích cực tham gia cùng với cán bộ VH-TT của cấp xã hướng dẫn người dân tập luyện. Nhiều người đã tự nguyện bỏ tiền, công sức mua các tài liệu để về hướng dẫn cho gia đình, bà con lối xóm cùng tập luyện và trở thành nòng cốt trong việc thành lập các CLB thể thao, các đội thể thao của xóm, của xã và của thị trấn. Vai trò của đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT được thể hiện trong việc tổ chức các giải thi đấu vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương. Tại Đại hội TDTT các xã lần thứ VIII-2017, đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên này giúp cho các địa phương tổ chức các môn thi đấu bài bản, bảo đảm sự khách quan trong điều hành các hoạt động thi đấu. Khi các xã, thị trấn tham gia các giải thể thao thuộc Đại hội TDTT huyện lần thứ VIII-2017, nhiều người còn tài trợ cho đội tuyển từ bữa ăn trưa, chỗ nghỉ ngơi, thuê xe đưa đón... Mặc dù đóng vai trò quan trọng, nhưng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở trong hoạt động còn khó khăn. Nhiều đơn vị cấp xã chưa coi trọng vai trò, khuyến khích sự tham gia của hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở. Các ngành, địa phương vẫn chưa thường xuyên tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và cấp chứng chỉ cho đội ngũ này...
Phát triển đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT cơ sở là hướng đi đúng của các địa phương khi mà đội ngũ cán bộ VH-TT có nhiều việc phải làm ngoài công tác TDTT. Thời gian tới, ngành VH, TT và DL tỉnh cần tiếp tục phối hợp với các địa phương, các ngành tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, cấp thẻ đồng thời thường xuyên cung cấp tài liệu, sách, báo về TDTT để đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên TDTT tích cực hoạt động hiệu quả, góp phần đưa phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh:
Đức Thiện