Ngay sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, cùng với các lễ hội đầu xuân, ở nhiều địa phương trong tỉnh đã diễn ra các hoạt động thi đấu, giao lưu thể dục, thể thao: cờ tướng, bơi chải, đấu vật, chọi gà, kéo co, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông..., đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân trong những ngày đầu xuân mới.
|
Thi đấu cờ trình trong Lễ hội xuân Đinh Dậu 2017 ở làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). |
Tỉnh ta có hơn 100 lễ hội xuân kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch, là cơ sở để phát triển các môn thể thao truyền thống: cờ tướng, bơi chải, đấu vật. Cờ tướng là môn thể thao trí tuệ lại dân dã, dễ chơi nên được nhiều nơi trong tỉnh lựa chọn tổ chức đầu xuân. Vào mùng 2 Tết, thôn Đống Lương, xã Tân Khánh (Vụ Bản) diễn ra hoạt động thi đấu cờ tướng đầu xuân thu hút hàng chục người cao tuổi, trung tuổi trong thôn tham gia. Mùng 4 Tết, CLB cờ tướng Thành Nam thuộc Trung tâm VH-TT-TT thành phố Nam Định tổ chức thi đấu cờ trình, cờ người trên sân Quảng trường Hòa Bình. Người chơi đều là những cờ thủ lão luyện, có trình độ cao, từng đoạt nhiều giải thưởng tại giải cờ tướng thành phố đã đem lại sự hấp dẫn ở từng ván đấu. Vào mùng 5 Tết, Trung tâm VH-TT-TT huyện Nghĩa Hưng tổ chức giao lưu thi đấu cờ trình trên sân Nhà văn hóa trung tâm huyện. Ngoài ra, việc tổ chức các giải cờ tướng, cờ trình, cờ người xuất hiện nhiều trong lễ hội mùa xuân như Giải cờ trình Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung (Vụ Bản) ngày mùng 6, 7 tháng Giêng; Giải cờ trình trong Lễ hội đền An Cư, xã Xuân Vinh vào mùng 6 tháng Giêng, Giải cờ trình trong Lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) vào rằm tháng Giêng; Giải cờ tướng trong Lễ hội đền An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) vào tháng 3 âm lịch... Đặc sắc nhất là thi đấu cờ người trong Lễ hội Phủ Dầy vào tháng 3 âm lịch hằng năm trên sân phủ Vân Cát. Bàn cờ được kẻ trên sân đất rộng, 32 người đội nón, mũ, mặc quần áo có biểu tượng quân cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Trước kia, người cầm cờ được lựa chọn là con các gia đình nền nếp, được dân làng quý mến hoặc con gái chưa chồng, có nhan sắc. Hai người đẹp nhất trong số 32 người tham gia bàn cờ được chọn làm quân tướng. Ngày nay, các quân cờ là học sinh Trường THCS Kim Thái. Hai kỳ thủ râu tóc bạc phơ được bố trí ngồi trên 2 chòi cao, mỗi nước đi đều có người hô vào loa dõng dạc, các quân cờ cứ thế di chuyển. Có những trận chung kết diễn ra căng thẳng, phải nửa ngày mới kết thúc, thu hút đông người xem. Cùng với cờ tướng, môn bơi chải cũng được nhiều địa phương tổ chức vào dịp đầu xuân nhằm ôn lại truyền thống của cha ông ta trong quá trình quai đê, lấn biển, lập làng. Mùng 2 và mùng 3 Tết, làng Cự Trữ, xã Phương Định (Trực Ninh) tổ chức thi bơi chải dọc con sông ở giữa làng với sự tham gia của 3 đội chải nam, 3 đội chải nữ. Trong không khí náo nức cổ vũ của người xem, các đội chải thi đấu nhiệt tình, không đặt nặng về thắng thua mà mang ý nghĩa vui xuân đã tạo nét đẹp của môn thể thao truyền thống nơi đây. Bơi chải còn xuất hiện trong Lễ hội xuân truyền thống Đền An Cư, xã Xuân Vinh (Xuân Trường) ngày mùng 6 tháng Giêng; Lễ hội Đình - Đền Kiên Hành, xã Giao Hải vào ngày mùng 5, 6 tháng Giêng với sự tham gia của 8 đội nam, nữ các khu dân cư: Tân Hùng, Bắc Cường, Tiền Lang, Lâm Thành; Lễ hội làng Hòe Nha, xã Giao Tiến ngày 14, 15 tháng Giêng... Đấu vật là môn thể thao biểu trưng sức khỏe dẻo dai, ý chí quật cường của cha ông cũng được một số địa phương tổ chức vào ngày xuân như ở làng Sắc, xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) vào chiều mùng 4 Tết, trong lễ hội Đình - Đền Kiên Hành, xã Giao Hải (Giao Thủy) mùng 5, 6 tháng Giêng, trong lễ hội Chùa Bi, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) ngày 20-22 tháng Giêng. Theo kế hoạch, cuối tháng 1 âm lịch, Sở VH, TT và DL sẽ tổ chức Giải vật tự do đầu xuân thu hút khoảng 70 đô vật ở các huyện, thành phố tham dự; huyện Vụ Bản sẽ tổ chức Giải vật truyền thống trong Lễ hội Phủ Dầy vào tháng 3 âm lịch… Ngoài ra còn nhiều môn thể thao truyền thống khác cũng được tổ chức vào dịp đầu xuân như thi đấu chọi gà, tổ tôm điếm, đi cà kheo trong lễ hội Đền - Chùa Thanh Khiết, xã Giao Yến (Giao Thủy); leo cầu ngô, trèo cây chuối lửa, mò trứng, bắt cá dưới sông ở Hội làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp ngày 14-16 tháng Giêng 2-3 năm tổ chức một lần; thi kéo co trong lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) vào ngày rằm tháng Giêng...
Bên cạnh những môn thể thao truyền thống, các môn thể thao hiện đại như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông cũng sôi nổi diễn ra sau Tết. Chiều mùng 2 Tết, Trung tâm VH-TT-TT Thành phố Nam Định đã chỉ đạo hội bóng đá phong trào Quảng trường Hòa Bình tổ chức thi đấu giao hữu với một số CLB bóng đá trong tỉnh. Từ mùng 4 Tết trở đi, ở 15 sân cỏ nhân tạo trên địa bàn thành phố đã mở cửa tạo điều kiện cho các đội bóng đá thanh, thiếu niên thi đấu giao lưu. Phong trào giao lưu bóng đá đầu xuân cũng diễn ra ở một số nơi như xã Mỹ Trung, Mỹ Thắng, Mỹ Tân (Mỹ Lộc), xã Trung Đông, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), Thị trấn Nam Giang, xã Nam Mỹ (Nam Trực)... Ở các huyện ven biển Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường, môn bóng chuyền được coi là môn thể thao “vua” nên cũng được tổ chức giao lưu, thi đấu đầu xuân. Từ nhiều năm nay, vào mùng 2 Tết đông đảo người dân ở 17 xóm của xã Hải Phú (Hải Hậu) đều tề tựu đông đủ trước trụ sở UBND xã để cổ vũ cho 4 đội bóng chuyền hạng A của xã thi đấu giao lưu. Ở các xã Hải Lộc, Hải Thanh, Thị trấn Cồn (Hải Hậu); Hồng Thuận, Bạch Long, Giao An, Giao Thiện (Giao Thuỷ); Nghĩa Thắng, Nghĩa Phúc (Nghĩa Hưng); Yên Mỹ (Ý Yên); Xuân Tân (Xuân Trường); Thị trấn Nam Giang (Nam Trực)... việc tổ chức thi đấu bóng chuyền đầu năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng, tạo không khí sôi nổi, hào hứng cho người dân. Phong trào cầu lông trong tỉnh những năm qua phát triển mạnh cũng tạo tiền đề để các CLB, điểm, nhóm cầu lông giao lưu đầu xuân năm mới.
Việc tổ chức các môn thể thao vào dịp đầu Xuân năm mới đáp ứng và nâng cao nhu cầu vui chơi của các tầng lớp nhân dân, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của cha ông qua đây thúc đẩy phong trào TDTT tỉnh ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh:
Đức Thiện