Huấn luyện viên trưởng đội bóng đá Việt Nam Nguyễn Hữu Thắng đã nói thẳng một phần thất bại tại AFF Cup 2016 là vì thiếu bác sĩ cho đội tuyển. Nhà cầm quân xứ Nghệ khẳng định do chuyên môn yếu kém của đội ngũ bác sĩ nên cầu thủ quan trọng mất đi cơ hội thi đấu...
“Vua” mới được yêu cầu
HLV trưởng ĐTVN đã mạnh dạn đưa ý kiến tới Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL Nguyễn Ngọc Thiện và lãnh đạo Tổng cục TDTT bày tỏ phải có chuyên gia y tế nước ngoài thì công tác y tế mới tốt hơn. Nhìn vào thực tế, bóng đá (môn thể thao Vua) là môn đặc thù nên chỉ đội tuyển này (cả nam, nữ) mới có bác sĩ chuyên biệt cùng đi trong mỗi giải đấu. Nhiều môn thể thao khác, chưa đội nào có bác sĩ riêng. Nếu đi theo chương trình thi đấu đại hội (như SEA Games, Asian Games, Olympic), tất cả các đội tuyển thể thao chung sự giúp đỡ từ bác sĩ trong đoàn chứ không được phân riêng lẻ. Chỉ riêng điều đấy, nhiều đội tuyển không ít lần lên tiếng bày tỏ thực trạng bất cập của thể thao Việt Nam vì bóng đá được yêu cầu riêng còn mình không có. Trong lúc này, thể thao Việt Nam luôn đề cao sự phát triển dần lên chuyên nghiệp. Tất nhiên, bóng đá có Liên đoàn là VFF mạnh về kinh tế và ở vị thế số 1 được ưu tiên nhất định nên sự yêu cầu đội ngũ y tế riêng cho các cầu thủ là rất bình thường.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Các đội tuyển thể thao khác không thiếu trường hợp VĐV chấn thương nặng. Trương Thanh Hằng là trường hợp cụ thể nhất. Cựu tuyển thủ này bị chấn thương gãy chân do xe máy va phải trong lúc tập luyện năm 2012. Chấn thương tưởng không quá nặng nhưng nó đã khiến Thanh Hằng phải giải nghệ dù lúc đó cô đang ở đỉnh cao phong độ. Ngay khi Hằng gặp tai nạn tại Đà Nẵng lúc đó, bác sĩ của Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng chỉ kịp sơ cứu và sau đó mọi chữa trị của cô đều phải đưa tới Bệnh viện Thể thao Việt Nam.
Năm 2010, trong thời gian chuẩn bị cho Asian Games, cựu VĐV Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo) đã dự giải thế giới nhưng bị đứt dây chằng đầu gối. Chấn thương quá nặng làm Ngân bỏ lỡ Asian Games 2010. Chưa kể, cô nghỉ 1 năm mới bình phục lại sau phẫu thuật. Nhiều người về sau chia sẻ, nếu lúc đó, có bác sĩ đi cùng đội tuyển karatedo thì có thể họ đóng góp ý kiến cùng ban huấn luyện để cô nghỉ ngơi do sắp vào Asian Games 2010 quyết định. Như vậy, có thể, Ngân đã không bị chấn thương nặng như vậy. Trước Olympic 2016, sự chú ý dồn cả vào Thạch Kim Tuấn (cử tạ) và Phan Thị Hà Thanh (TDDC). Cả 2 được xác định bị chấn thương có nguy cơ không đi Rio de Janeiro (Brazil) được. Trực tiếp lãnh đạo ngành thể thao khẳng định sẵn sàng cắt cử người chăm sóc y tế cho VĐV để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
VĐV thì chia sẻ thật thà rằng mỗi khi đau chẳng thấy bác sĩ riêng nào mà phải cùng HLV tự xoa bóp hoặc nhờ đội ngũ y tế của Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia. Thời gian trôi qua, những trường hợp chấn thương đó ít được nhắc lại. Về trách nhiệm, qua mỗi trường hợp, nhà quản lý đã phải có những phòng bị về công tác y tế hay bố trí riêng bác sĩ cho VĐV trọng điểm. Tiếc là điều này có thực hiện nhưng lại ít hiệu quả triệt để. Một số lý giải rằng, nhân lực bác sĩ không thể đầy đủ nhất nên VĐV tập ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia nào sẽ theo sự giám sát của đội ngũ bác sĩ nơi đó chứ không thể bố trí riêng người đi theo từng đội hoặc riêng cho 1 VĐV.
Ai đánh giá bác sĩ?
HLV trưởng ĐTVN được toàn quyền quyết định đội ngũ trợ lý cho mình. Đi cùng ĐTVN là các bác sĩ Đồng Xuân Lâm, Nguyễn Trọng Thủy. Trong ngày công bố danh sách, chính HLV trưởng khẳng định con người mình chọn là tin tưởng và phù hợp nhất. Nhưng bây giờ, ông lại cho rằng bác sĩ không đảm bảo được chuyên môn. Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic 2016 có 3 bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Trọng Hiền, Dương Tiến Cần.
Bác sĩ Phú là Phó giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam, bác sĩ Hiền là Trưởng phòng Y khoa Trung tâm HLTTQG Hà Nội nên họ là 2 nhà quản lý trong công việc và không ai nghi ngờ chuyên môn y tế khi họ ở trong đoàn. Trực tiếp ở Olympic 2016 tại Rio de Janeiro (Brazil), nhiều tuyển thủ đã kể lại rằng, bác sĩ Cần là người đã hoạt động hết công suất thì nhiều tuyển thủ mới có được sự hồi phục nhanh sau thi đấu. Kỳ Olympic này, đoàn Việt Nam từng gặp ý kiến phản ánh rằng đội ngũ y tế thiếu người./.
Theo SGGP