Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với phát triển thể dục thể thao

03:12, 24/12/2016
Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020”, nhận thức, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT của các cấp ủy Đảng và chính quyền trong tỉnh đã từng bước nâng lên, tạo đà triển khai nhiều hoạt động về xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, thành lập các CLB thể thao, tổ chức các giải đấu, đưa phong trào TDTT trong tỉnh ngày càng khởi sắc.
 
Thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 39-CT/TU, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 36-KH/UBND chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh phong trào TDTT cơ sở. Các ngành, các địa phương đã đánh giá thực trạng rà soát quy hoạch phát triển TDTT, xây dựng chương trình hành động với những giải pháp cụ thể phù hợp với từng điều kiện của từng địa phương, từng ngành. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các hoạt động TDTT phong trào ngày càng phát triển, trở thành nhu cầu không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân. Việc xây dựng mới, nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho hoạt động TDTT được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư; số lượng các nhà tập luyện, thi đấu thể thao ở cơ sở ngày càng nhiều. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng các khu thể thao ở cơ sở gắn với chương trình xây dựng NTM được quan tâm. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây mới và cải tạo 85 khu thể thao xã, thị trấn (đạt tỷ lệ trên 40% khu thể thao xã, thị trấn). Ở các thôn, xóm đều quy hoạch, đầu tư xây dựng khu thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân. Phong trào thể thao phát triển thu hút đông người cao tuổi, phụ nữ, thanh niên, cán bộ, CNVC các cơ quan, doanh nghiệp với việc thành lập các CLB, điểm, nhóm tập luyện TDTT. Đến nay, toàn tỉnh có 1.523 CLB thể thao đa môn, đơn môn duy trì hoạt động thường xuyên; các huyện, thành phố đã tuyển chọn 1.032 cộng tác viên TDTT tham gia hướng dẫn người dân tập luyện.  Các giải thi đấu, giao lưu thể thao ngày càng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng. Các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Nam Trực, Trực Ninh... duy trì tổ chức Ngày hội VH-TT truyền thống vào dịp Quốc khánh 2-9 hằng năm, tạo khí thế thi đấu sôi nổi giữa các cơ quan, đơn vị; qua đó gắn kết tình đoàn kết cán bộ, nhân dân. Cùng với việc phát triển các môn thể thao hiện đại, các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian cũng được nhiều địa phương khôi phục như: bơi chải, cờ người, đấu vật. Từ sự “vào cuộc” của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nền nếp. Đến cuối năm 2016, số người tập luyện TDTT thường xuyên của tỉnh đạt 30,3% so với dân số, tăng 3,3% so với năm 2010; số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên đạt 18,8% so với tổng số hộ gia đình, tăng 2,8% so với năm 2010; 100% số trường học thực hiện tốt chương trình nội khóa TDTT; 96,7% số trường thực hiện chương trình ngoại khóa thể thao; 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT qua kiểm tra hằng năm đạt tiêu chuẩn chiến sĩ khỏe. Thể thao thành tích cao cũng được được duy trì và đạt thành tích tốt. Hằng năm, các đội tuyển thể thao của tỉnh đạt khoảng 100 huy chương các loại ở các giải đấu trong nước và quốc tế. 
Thi đấu tại Giải bơi chải tỉnh năm 2016.
Thi đấu tại Giải bơi chải tỉnh năm 2016.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, phong trào TDTT trong tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Vẫn còn nhiều địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu của phong trào TDTT cơ sở. Bên cạnh đó, kinh phí của một số địa phương dành cho phát triển TDTT chưa được bố trí hợp lý, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn mỗi năm dành cho hoạt động văn hóa, thông tin, TDTT khoảng 15-20 triệu đồng. Đối với cấp huyện, kinh phí tổ chức hoạt động TDTT nhiều nơi còn thấp nên chỉ tổ chức 1-2 giải đấu. Việc huy động các nguồn lực xã hội cho hoạt động TDTT cũng chỉ được một số địa phương quan tâm, vào cuộc. Công tác quản lý Nhà nước về TDTT đôi khi còn bị động; số lượng các CLB thể thao hoạt động tự phát còn nhiều, không có sự định hướng hoạt động của các ngành chức năng. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác thể thao cơ sở còn nhiều hạn chế. Thể thao thành tích cao so với các tỉnh, thành phố trong cả nước vẫn còn thua kém. Nhiều môn thể thao từng là “mũi nhọn” của tỉnh như: bóng đá, lặn, vật... đang chật vật về hoạt động, duy trì thành tích. 
 
Thời gian tới, các ngành chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về phát triển TDTT. Sở VH, TT và DL cần tiếp tục triển khai các kế hoạch liên ngành với LĐLĐ tỉnh, Công an tỉnh, GD và ĐT, Hội Nông dân, Công an, Bộ CHQS tỉnh nhằm đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào TDTT. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên, cộng tác viên thể thao, tạo nền tảng trong việc hướng dẫn nhân dân tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT cơ sở... Phấn đấu đến năm 2017, toàn tỉnh có 30,7% dân số tập luyện TDTT thường xuyên, 18,9% số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên, 1.557 CLB TDTT, 1.128 số cộng tác viên thể thao, tạo tiền đề để đến năm 2020 có 30-35% dân số tập luyện TDTT thường xuyên; 20-25% số gia đình tập luyện TDTT thường xuyên; phấn đấu 100% số trường thực hiện chương trình TDTT ngoại khóa; duy trì 100% cán bộ, chiến sĩ LLVT đạt kết quả chiến sĩ khỏe; thành lập 10 liên đoàn, hiệp hội thể thao cấp tỉnh... Trên lĩnh vực thể thao thành tích cao, ngành VH, TT và DL tỉnh cần xây dựng kế hoạch đào tạo các đội tuyển thể thao dài hạn, ứng dựng khoa học kỹ thuật vào đào tạo VĐV thành tích cao, coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV, trọng tài… tạo đòn bẩy cho phát triển phong trào TDTT của tỉnh./. 
 
Bài và ảnh:  Đức Thiện
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com