Đội tuyển U.19 Việt Nam về nước trong sự chào đón của rất đông người hâm mộ. Sau “thủ tục” đón tiếp tại sân bay, đội về thẳng khách sạn dự lễ mừng công, trao thưởng của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Đây là đội tuyển trẻ hiếm hoi đạt được thành công cao nhất từ trước đến nay, nên sự chào đón và trọng thưởng là điều đương nhiên. Và mọi người chờ đợi, xem đây là dấu mốc để bóng đá Việt Nam bước vào lộ trình định hình một hướng đi với bản sắc của mình.
Đội tuyển futsal Việt Nam thắng tuyển Nhật Bản, đoạt vé dự World Cup 2016 tại Cô-lôm-bi-a được xem là một bước tiến đánh dấu sự lớn mạnh của nền futsal Việt Nam. Suốt trong quá trình đến với World Cup, tuyển futsal đã có những bước đi bài bản và hiệu quả, từ việc lên kế hoạch thời gian cho đến các phương pháp huấn luyện. Đó không phải là quá trình cấp tập mà mọi thứ đều diễn ra một cách khoa học. Và kết quả là futsal Việt Nam đã thành công ngoài mong đợi tại World Cup 2016. Không chỉ có những trận đấu hay, mà đội còn vượt qua vòng bảng để vào vòng 16 đội, điều mà chẳng ai dám nghĩ tới khi đội lên đường.
Tiếp đó, tuyển futsal Việt Nam vinh dự nhận giải fairplay, và bàn thắng của Minh Trí nằm trong 10 bàn thắng đẹp nhất World Cup 2016. Ai cũng biết, đó không phải là điểm dừng, là đích đến cuối cùng. Futsal Việt Nam sau World Cup đang xây dựng cho mình kế hoạch để phát triển cao hơn, định hình một đẳng cấp mới. Tất nhiên, thành công ra sao trong thời gian tới còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng xác định được vị trí của mình và chuẩn bị được những gì sẽ làm sẽ góp phần lớn vào sự thành công sắp tới.
Với bóng đá sân cỏ, thành công của U.19 Việt Nam ở giải châu Á cũng khá giống với những gì futsal đã đạt được. Lần đầu tiên trong lịch sử, tuyển U.19 Việt Nam đồng hạng ba châu Á, đoạt một vé chính thức dự World Cup U.20. Đây là điều mà cũng chẳng ai dám nghĩ tới trước đó. Nhưng câu chuyện phía trước là sẽ làm gì để chuẩn bị cho World Cup mới là quan trọng. Không hẳn đơn giản bởi bóng đá sân cỏ đòi hỏi mọi thứ đều khác hơn so với futsal. Điều có thể nhận thấy là tiềm năng bóng đá trẻ hiện nay đã được phát hiện, đào tạo khá tốt. Chính điều đó đã đưa đến thực tế chúng ta có những lứa cầu thủ khá hoàn thiện. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa là mọi thứ đều tốt đẹp. Sự ổn định về mặt chiến lược vẫn còn là vấn đề chưa giải quyết tốt.
Thua Nhật Bản khá đậm với thế trận hoàn toàn bị áp đặt, mọi người giải thích do tuyển Nhật Bản quá mạnh. Lý do này chưa mấy thuyết phục bởi dù họ mạnh nhưng không phải mạnh theo kiểu “một trời một vực” với các đội mà tuyển Việt Nam đã thắng trước đó như Triều Tiên hay Bahrain. Lý do sâu xa vẫn là chúng ta còn đâu đó sự chủ quan, chưa hoàn toàn chuyên nghiệp, hay bị khớp trước đối thủ, thậm chí có tâm lý thua trước khi bóng lăn…
Giải quyết được khâu này, cùng với một kế hoạch bài bản, khoa học từ nay đến World Cup U.20 vào năm sau cho tuyển U.19 là điều rất quan trọng. Bên cạnh đó, bóng đá trẻ phải tiếp tục được đầu tư không ngừng nghỉ. Hãy xem một số “lò” đào tạo theo dạng “no dồn đói góp” là một bài học kinh nghiệm đắt giá. Chẳng hạn, sau lứa U.19 đình đám của hai năm trước thì đến nay “lò” đào tạo nên Công Phượng, Tuấn Anh đã không thấy một lứa nào mới trình làng.
Bước vào một sân chơi mới thì phải với tâm thế mới. Bóng đá Việt Nam không còn đường nào khác hơn là phải đẩy mạnh đầu tư, khắc phục những khuyết tật trong bộ máy và tư duy để khai thác tốt nhất cơ hội mà mình đã có./.
Theo SGGP