Thể thao Việt Nam vừa ghi nhận 3 VĐV nghiệp dư đầu tiên chinh phục thành công cuộc thi Ironman (3 môn phối hợp) khắc nghiệt nhất thế giới, nơi chính những nhà tổ chức phải thừa nhận chỉ có khoảng 1% người tham dự đủ sức vượt qua được thử thách bơi 3,86km, đạp xe 180,25km và chạy marathon 42,2km…
Để hoàn thành 3 môn thi tốn nhiều sức lực và lòng kiên trì kể trên tại đường đua Lang-ca-uy (Ma-lai-xi-a), 3 VĐV nghiệp dư của Việt Nam là Trần Đình Minh Anh, Đặng Ngọc Lâm và Hoàng Kim Anh Tú đã mất từ 14-16 giờ đồng hồ cày ải. Không giành giải, nhưng đối với họ, được thử sức chịu đựng và thể hiện lòng can đảm cùng với khoảng 1.000 VĐV đến từ khắp nơi trên thế giới như thế cũng có thể coi là điều hãnh diện.
Họ đã không bỏ cuộc trong cuộc tranh tài mà phần đông những VĐV nghiệp dư sẽ tìm cách để dừng cuộc chơi khi đoạn đường đua còn chưa kết thúc. Họ đã chứng tỏ rằng những khó khăn sóng to và nguy cơ chuột rút ở môn bơi lội, đường đua gấp khúc và dễ trượt ngã ở môn xe đạp hay phải chạy đua marathon giữa thời tiết nắng nóng điên người… không thể cản được lòng quyết tâm của mình.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Thể thao đôi khi không nhất thiết phải là sự thành công ở những môn đỉnh cao, mà sẽ rất đáng kể nhờ những cuộc tranh tài nghiệp dư như thế. Quan trọng là ở đó, các VĐV hoặc chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư đều cảm nhận được họ sẽ phải gắng hết mình khi nhập cuộc, không lùi bước trước những khó khăn chờ đợi. Thành công thì đương nhiên ai cũng mong, xong có những điều còn thú vị và đáng nhớ hơn trong cuộc đời, đấy là sự trải nghiệm cùng bạn bè để biết được giới hạn khả năng của mình đến đâu.
Còn nhớ, 8 năm trước, 3 chàng trai dũng cảm Phan Thanh Nhiên, Bùi Văn Ngợi và Nguyễn Mậu Linh từng lập kỳ tích trở thành những người Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công “nóc nhà thế giới” - đỉnh Ê-vơ-rét. Người đời còn nhớ mãi câu chuyện vượt qua gian khó của họ. Phải rất dũng cảm, phải thật kiên trì thì họ mới thắng được chính mình trong cuộc chiến không cân sức với thiên nhiên ấy.
Để có thể cắm lá cờ Việt Nam trên đỉnh núi cao 8.850m ấy, cả 3 người đã phải trải qua 1 tháng tập luyện, thử thách dần những điều kiện thời tiết khí hậu cực kỳ khắc nghiệt (nhiệt độ có thể thấp tới mức -30 độ C), cùng với gió, mưa, bão tuyết, địa hình cực kỳ hiểm trở ở những độ cao 5.950m, 6.500m, 7.300m... Trước đó, các VĐV leo núi nghiệp dư này đã phải vượt 16 đối thủ khác ở vòng loại tuyển chọn. Họ đã trải qua 6 tháng huấn luyện đặc biệt, chinh phục các đỉnh núi khác nhau có độ cao tăng dần như Phan-xi-păng (cao 3.143m tại Sapa, Việt Nam), đỉnh Ki-na-ba-ri (4.095m, Ma-lai-xi-a), Ki-li-man-gia-rô (5.895m, Tan-da-ni-a, châu Phi) và đỉnh Ít-xlan Pếc (6.160m, Nê-pan).
Khác biệt giữa 2 hình ảnh 3 chàng trai chinh phục đỉnh cao Ê-vơ-rét 8 năm trước và nụ cười của 3 chàng trai vừa trải nghiệm cùng cuộc đua Ironman 2016 chính là không gian và thời gian cũng như độ khắc nghiệt của cuộc hành trình. Nhưng điểm rất chung giữa họ lại là ý chí sắt đá, là sự nỗ lực đến cùng khi dấn thân vào thử thách. Họ thành công và để lại hình ảnh thật đẹp trong lòng người hâm mộ thể thao nước nhà, dù đấy không phải là những VĐV chuyên nghiệp và được tôi luyện thường nhật trong môi trường thể thao đỉnh cao.
Gian nan thử sức và thử lòng người, điều đó không chỉ thể hiện trong giới VĐV thể thao, mà còn đối với những VĐV nghiệp dư, giống như cách mà những chàng trai Việt Nam kể trên từng làm. Chính họ đang tạo ra những giá trị đích thực cho thể thao…
Theo SGGP