Tìm được nhà tài trợ cho bơi lội đã không quá khó như “mò kim đáy bể” cách đây 10 hay 20 năm. Bây giờ, một số đội bơi và cá nhân VĐV đã được tài trợ về sản phẩm từ nhãn hàng nước ngoài tên tuổi. Con số hiện còn rất ít, nhưng đã có tài trợ nghĩa là cơ hội phát triển hơn cho VĐV nhìn thấy rõ...
Đồ chính hãng trong tầm tay?
Tại giải VĐQG 2016 vừa kết thúc tại Hà Nội, đội bơi Thành phố Hồ Chí Minh tạo được khác biệt so với những đơn vị khác. Đơn vị này sau khi ký được tài trợ với nhãn hàng chuyên về sản phẩm cho bơi lội Arena đã có đồng phục đồng bộ cho tất cả nổi bật khi góp mặt. Mức tài trợ từng được công bố bằng gói sản phẩm 2 năm tổng trị giá 370 triệu đồng. Về tổng thể, chưa đơn vị nào (về bơi lội) của thể thao Việt Nam hiện tại đạt được hợp đồng tài trợ lớn giống vậy. Do đó, những kình ngư của Thành phố Hồ Chí Minh được xem may mắn hơn nhiều đồng nghiệp đang cùng tranh tài. Dĩ nhiên, VĐV có trang phục “xịn” chắc chắn thi đấu tự tin.
“Trong thi đấu, nếu được đồng phục và tài trợ đồ thể thao bơi hiện đại thì VĐV có được kết quả tốt. Điều này đúng với thể thao bơi phát triển. Nhưng các bạn cứ nhìn xem, chỉ các địa phương là các thành phố lớn trong cả nước có nhiều đầu tư thì VĐV và HLV có cơ hội được nhà tài trợ tìm tới. Những đơn vị ở thành phố tỉnh lẻ không có nhiều nhân tố nổi bật rất khó có nhà tài trợ muốn đồng hành”, một HLV bơi của đoàn Quảng Bình cho biết. Đúng như vậy. Từ trước tới nay, ít khi mọi người nói về chuyện được nhận tài trợ sản phẩm cho bơi lội.
Tất cả VĐV của mỗi địa phương trong tập luyện, thi đấu đều tự sắm đồ bằng tiền của mình. Chỉ khi lên đội tuyển, họ mới có sản phẩm hỗ trợ của quốc gia. Trên thị trường, sản phẩm dành cho bơi (như mũ, áo, quần, kính, chân vịt...) ngoài đồ chính hãng nổi tiếng thì có nhiều sản phẩm vừa túi tiền. Đó là sản phẩm của những nhà sản xuất không tên tuổi hoặc làm nhái nhãn hiệu. VĐV của nhiều địa phương vẫn tin sử dụng vì tiền có hạn và miễn sao thấy phù hợp là được. Lúc này, sản phẩm chính hãng của thương hiệu nổi tiếng về bơi đã bán tại Việt Nam. Tự từng người có thể mua được. Nhưng, câu chuyện kinh tế vẫn là “vật cản” lớn nhất.
|
Ảnh minh hoạ/ Internet |
Giải bơi VĐQG 2016 có sự góp mặt của đội bơi CLB BVSC Zugló (Hung-ga-ri). Cách chuẩn bị của VĐV bạn đến từ châu Âu khác biệt rất rõ với VĐV của ta. Từng VĐV của CLB này được trang bị áo khoác bông riêng và sau mỗi lần bơi, khi rời khỏi hồ, họ khoác áo để giữ nhiệt. Ngoài ra, từng VĐV được trang bị kính chống lóa chuyên biệt trong thi đấu, quần áo và mũ bơi của nhãn hàng nổi tiếng. Hiện tại, VĐV của chúng ta chắc chắn có người cũng trang bị tốt không kém như thế nhưng chỉ là một vài cá nhân chứ không phải số đông. So sánh sẽ khập khiễng giữa họ với số đông VĐV của bơi quốc nội Việt Nam hiện tại. Khoảng cách về kinh tế và khoảng cách về sự phát triển thể thao là điều khiến tạo sự phân biệt.
Mong càng nhiều càng tốt
Kình ngư Trần Duy Khôi (TP Hồ Chí Minh) đã chia sẻ với quan điểm, bất kỳ VĐV nào cũng đều muốn được khoác lên mình sản phẩm tốt nhất của đồ thể thao bơi. Lúc này, 2 gương mặt nữ là Nguyễn Diệp Phương Trâm (TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân đội) đã được nhận những gói tài trợ riêng. Phương Trâm có gói tài trợ 120 triệu đồng/năm dùng sản phẩm của nhãn hàng đang tài trợ cho đội bơi Thành phố Hồ Chí Minh (chương trình kéo dài từ 2016 tới 2018). Ánh Viên được nhãn hiệu Speedo tài trợ kể từ năm 2015. Với một số VĐV nam, chưa một công bố cụ thể nào về hợp đồng riêng nhưng những tuyển thủ quốc gia như Trần Duy Khôi, Lâm Quang Nhật đang thuộc bơi lội Thành phố Hồ Chí Minh nên được hưởng gói tài trợ chung giống các đồng đội ở đây.
Giải bơi VĐQG là tiền đề, qua đó, nhà quản lý chuyên môn tìm thêm VĐV triển vọng hướng vào chương trình đầu tư. Muốn được tài trợ cá nhân, VĐV phải thể hiện được năng lực đạt nhiều kết quả trong thi đấu quốc tế. Khi nổi tiếng, nhãn hàng tự chủ động tìm tới họ. Điều này, VĐV bơi nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới đều như vậy./.
Theo SGGP